"Má ơi đừng gả con xa. Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu". Tâm trạng của các cô gái lấy chồng xa ngày nay nó xưa rồi Diễm. Chiếc điện thoại thông minh cho thấy hình nhau, rồi mạng xã hội giống như phép thuật nối liền khoảng cách dù người ở miền Tây theo chồng xa tận Hàn Quốc, Đài Loan.
Hai lá thơ rơi, hai tính cách
Thời xưa. Hình dung cái thời chẳng có gì hết, phương tiện đi lại bằng đôi chân, đôi tay cầm chèo để bơi. Cô gái ở Long Xuyên được gả về Rạch Giá Miệt Thứ, U Minh Hạ, coi như đi là đi biệt không về.
Đấy là hình ảnh bà Chín - em ông nội tôi. Nhớ em lấy chồng xa, ngay cả cha mẹ bệnh cũng không về được nên ông viết thư trách móc. Lá thư khá dài, trích ra một đoạn: "Từ em đi chẳng thấy thư lang - Đêm những ngày trong dạ nào an. Ngày trông đợi thơ nhàn tin cá - Gẫm một nỗi đường đi Rạch Giá - Với Long Xuyên cũng chẳng bao xa - Ghe thương hồ kẻ lại người qua. Gẫm một nỗi đường đi cũng dễ - Mà khó bởi tại vì đâu – Gả em rồi lòng lại thêm sầu - Đường viễn vọng biết làm sao đặng - Anh nhớ em nhớ dài nhớ vắn - Cháu nhớ cô nhớ ngược nhớ xuôi…". Người xưa không có điện thoại nên thư từ, cả thơ ca nó chứa đựng nội tâm thắm thiết nên như hay hơn với thời đại ngày nay.
Thư gửi đi chẳng thấy tăm hơi, ông Bảy, anh của ông nội, gửi tiếp lá thư thứ hai cho chồng đứa em với lời lẽ trách móc nặng nề hơn. "Gả em rồi biệt tích vắng tăm - Trông vòi vọi vẫn không tin cá - Nhân nghĩa nào mà lạ. Hàng cậu cô chú bác than phiền - Ba ngày xuân chẳng biết đến linh tuyền - Cơn tế tự cũng không thấy mặt - Cha mẹ dù phong vân mạt trắc - Mày rể con phải luận việc tử sanh - Dẫu vợ chồng cơm cá chẳng lành - Thì anh em tao cũng biết chữ - Xuất giá tòng phu để răn em út - Khen là khen thuần phong mỹ tục - Mến là mến lễ nghĩa danh nhu - Gẫm cho mày không phải thằng ngu - Mà vong ơn vong ngãi".
Lá thư của ông Bảy dài, nhiều câu hằn học: "Gẫm ra mày là đứa vô tình - Trong anh chị người nào cũng trách - Khai khẩu như phá thạch - Trước chẳng thảo, sau chẳng thảo gì - Nhỏ chẳng kể, lớn thành nhơn chi mỹ - Vậy mới gọi người ta - Gả em rồi như diều nọ sớt gà - Dường như thể sấu tha về biển Bắc…".
Hai lá thư thể hiện hai tính cách bên văn, bên võ. Con cháu của ông nội sau này phần đông theo nghề gõ đầu trẻ. Con cháu của ông Bảy tham gia kháng chiến. Người con thứ tám là bác Ngô Thành Tâm cùng gia đình tập kết ra Bắc, mãi về sau mới biết là trưởng phòng tư liệu Đài Tiếng nói Việt Nam. Bác Tám có người con là Ngô Lực Tải bắn rớt máy bay Mỹ, nguyên Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM; Ngô Lực Trị, kỹ sư nông nghiệp, và rể là Hà Mậu Nhai, nguyên Giám đốc NXB Văn hóa Văn nghệ. Một lô họ hàng giờ mới biết nhau.
Về bà Chín, ở xứ Rạch Giá, U Minh Hạ có ruộng, có rừng, biển dễ làm ăn, vợ chồng bà từ nghèo trở nên giàu bá hộ. Mải mê lo làm ăn, lúc trở về cố hương thăm lại anh em, 2 vợ chồng làm heo tạ lỗi. Sau đó, bà bỏ tiền ra xây phủ thờ dòng họ toàn cây gỗ quý, 2 năm mới cất xong. Con cái của bà đều được du học bên Pháp thành tài. Hai vợ chồng trở về Long Xuyên được mấy lần rồi con rước qua Pháp ở luôn bên xứ người.
Lưu giữ trong tiềm thức
Văn xuôi thời kỳ đầu chữ quốc ngữ câu dài, câu vắn, âm vận đối xứng êm tai gọi là văn biền ngẫu như "Tố Tâm" của Hoàng Ngọc Phách, "Ngọn cỏ gió đùa" của Hồ Biểu Chánh chẳng hạn. Cũng như vậy, người xưa viết thư gửi nhau như là nắn nót từng chữ câu dài, câu ngắn vần điệu nhịp nhàng. Thư viết gửi cho người chớ không phải là tờ rơi. Nhưng gọi nó là thơ rơi vì giống như bài thơ vì có vần điệu nên dễ thuộc lòng. Tình cờ người khác nghe được thấy hay nên nhớ, truyền cho người thứ ba rồi trở thành thơ rơi. Thơ rơi cùng với câu hò, vè, điệu lý hiện diện cùng một lúc trong đời sống văn hóa đất phương Nam.
Cuộc sống thay đổi bước vào thời đại máy móc. Máy móc đã thay cho đôi tay chèo chống nên sông dài mất dần tiếng hò. Máy cày, máy tuốt lúa nổ phành phạch trên đồng ruộng nên ra đồng cũng không còn ai hát hò. Lời ăn tiếng nói thay đổi đi thẳng vô vấn đề hơn là nói bóng gió thưa gửi có đầu có đuôi. Nhất là ngày nay, cần gì người ta bấm điện thoại nhanh lẹ hơn là gửi thư cho nhau. Do đó, cái cảm giác ngồi viết thư và giây phút chờ đợi thư hồi âm như không còn. Tất cả trở thành một thứ văn hóa sống trong ký ức dân gian, trong tiềm thức của những người lớn bảy, tám chục tuổi trở lên.
Thơ rơi không mất đi, nó vẫn sống dai dẳng đâu đó vì nó là kỷ niệm còn lưu giữ trong những dòng họ xưa. Khi tôi lớn lên thì ngôi phủ thờ mái ngói rêu phong như là dấu tích của một thời huy hoàng. Nghe cô bác lâu lâu đọc 2 lá thư, kể chuyện gia tộc họ hàng, tôi thấy thú vị tò mò. Người miền Tây sống bằng bụng. Vui thì vui trọn, buồn thì buồn sâu. Nỗi nhớ giấu trong bụng không ghi lại gia phả đã đành. Không như miền Bắc, những ngôi phủ đường, từ đường ở miền Nam qua hai ba đời thường nằm quạnh hiu chẳng ai tới lui.
Tôi mơ hồ nhớ lại những gì nghe người lớn nói. Gốc gác gia tộc xuất phát đâu đó ngoài miền Trung, được vua ban tặng đất. Đến đời ông cố tìm vô Nam. Đầu tiên lập nghiệp ở xã Long Tuyền, Cần Thơ; sau đó ông để đất lại cho ông Bảy về Long Xuyên mở tiệm hốt thuốc Bắc nổi tiếng… Bấy giờ, đồng ruộng Long Xuyên hoang vu, các người con của ông chia nhau đi khai hoang mở đất. Nói chung, các ông bà coi như là những người thuộc lớp đầu tiên khai phá đất đai nên nhiều tên tuổi được đưa vô đình để thờ gọi là "Tiền hiền khai khẩn - Hậu hiền khai cơ". Tới đời tôi, tất cả như rơi vào quên lãng, như chỉ mình tôi có chút chữ nghĩa và nhớ hai lá thơ rơi mặc dù không thuộc hết. Thế là tôi đi tìm.
Nhớ lại lúc nhỏ nghe mấy bà cô có xuống rạch Long Tuyền thăm ông Bảy, những năm 1980, tôi xuống Long Tuyền đi dài theo con rạch hỏi thăm. Chẳng ai biết, cả trăm năm trôi qua vật đổi sao dời. Tôi chợt nhớ các con của ông Bảy là dân kháng chiến ngay từ buổi đầu, nhất là bác Tám Tâm cùng gia đình tập kết ra Bắc. Năm 1995 trở xuống lần thứ hai, tôi tìm những người già biết chuyện xưa, may sao một cán bộ lớn tuổi thời kháng Pháp vẫn còn nhớ. Lúc gia đình bác Tám đi tập kết, người con gái đầu lòng là chị Hai Thuấn mang bầu gần ngày sinh nên ở lại. Chồng của chị hai là cháu nội của nhà cách mạng Nguyễn Thần Hiến nổi tiếng của miền Nam. Ngôi nhà ngói xưa bề thế ở xóm Cồn Ngang, bến Ninh Kiều, Cần Thơ như nói lên điều này.
Nước mắt vui từ sâu thẳm cội nguồn
Ban đầu, hai chị em bà con chú bác họ xa đời ông nội gặp nhau chẳng ai biết ai như hai người xa lạ. Tôi nhỏ tuổi không biết nhưng chị hai đã 90 tuổi không biết còn nhớ gì chuyện xa xưa. Tôi rụt rè đọc hai lá thơ rơi. Chị ngạc nhiên nhìn tôi đăm đăm rồi nước mắt chảy ra ướt hai gò má. Chị hai ôm chầm lấy tôi. Hóa ra bà chị họ thuộc nằm lòng thơ của ông nội mình. Chị còn biết nhiều chuyện hơn tôi dù cũng nghe người lớn kể lại.
Chị thông báo cho mấy đứa em sinh ở miền Bắc lâu nay cũng tò mò về cội rễ. Rồi đến mấy người con của chú Mười, em của bác Tám Tâm, cũng biết tin. Anh Tư Ngô Lực Cường cùng vợ đều là tiến sĩ Viện Nghiên cứu lúa gạo ĐBSCL. Mỗi năm, vào ngày mùng ba Tết, vợ chồng anh Cường lái xe chở chị Hai Thuấn cùng con cháu trở về Long Xuyên thăm nhà từ đường, thắp hương lên bàn thờ tổ tiên. Rồi anh em họ hàng tóc không còn xanh gặp nhau ngồi vây quanh bàn tròn nói chuyện gia tộc. Tất cả như xích lại gần nhau.
Hai lá thơ rơi của anh em ông nội gửi cho vợ chồng em gái mình đã trở thành giá trị phi vật thể để con cháu sau này tìm nhau. Chị Hai Thuấn đã 90 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, chị lần theo dấu ký ức phủ bụi thời gian hỏi han người cùng thế hệ còn sống, dò lần qua đất Pháp. Cuộc tìm kiếm kể như vô vọng nhưng tình cờ chị nghe một người thường đi nước ngoài kể mình quen một số dân Pháp kiều có gốc gác ở Rạch Giá ngày xưa. Hai năm sau, cháu nội của bà Chín là bác sĩ đã 80 tuổi, trở về Việt Nam cùng cháu gái tìm chị Hai Thuấn và lên Long Xuyên viếng thăm nhà từ đường. Cô bé không rành tiếng Việt, ngơ ngác nghe những người già kể chuyện đời xưa, nghe bà dịch bài thơ rơi của ông sơ sang tiếng Pháp cho mình nghe.
Văn hóa dân gian rất phong phú như thể loại thơ rơi chẳng hạn. Tưởng tất cả mất đi nhưng thật ra, nó vẫn sống dai dẳng trong lòng quần chúng, các dòng họ xưa. Lịch sử đời sống của một thời hiện ra sau những bức thư kỳ công giữ gìn từ dân gian.
Bình luận (0)