Thế nhưng, điều đó không có nghĩa mọi cánh cửa đóng lại. Thay vì "đổ gục" trước khó khăn, các nhà thiết kế Việt đang có cái nhìn tích cực về những gì đang diễn ra. Để bảo toàn sức khỏe cho nhân viên, nhà thiết kế Lâm Gia Khang đóng toàn bộ hệ thống cửa hàng bán lẻ Gia Studio của mình. Nhưng mọi hoạt động kinh doanh online của thương hiệu này vẫn được xúc tiến mạnh mẽ, với cách chăm sóc khách hàng tận tâm và chu đáo trong tư vấn, phục vụ hơn trước. Các nhà thiết kế chọn cách đồng hành cùng khách hàng thân thiết của mình qua tin nhắn hỗ trợ trên fanpage, website để giúp họ không bỏ lỡ những xu hướng mới nhất. Điều đó có nghĩa, các thương hiệu cùng đồng loạt đẩy mạnh phát triển kênh mua sắm trực tuyến với nhiều ưu đãi hấp dẫn. Nhà thiết kế Tom Trandt (thương hiệu Môi Điên) cho biết: "Thương hiệu Môi Điên thu hút khách hàng bằng những sản phẩm độc đáo, số lượng có hạn, không thể tìm thấy ở cửa hàng". Nhà thiết kế Thủy Nguyễn cho rằng: "Với mô hình kinh doanh đặc thù là thời trang thiết kế và hành vi tiêu dùng của khách hàng, phân khúc cao cấp này vẫn chưa thể tận dụng kênh bán hàng trực tuyến tại thời điểm này. Nhưng rất may mắn là Thủy Nguyễn đã triển khai vài dự án cộng tác với các trang thương mại điện tử khác để cho ra sản phẩm ở phân khúc giá bình dân hơn, đã được nhiều người đón nhận tích cực".
Để tăng thêm tương tác, nhà thiết kế Li Lam thực hiện chiến dịch Lam Healing, trích 50% số tiền khi mua mỗi chiếc đầm Lam Slip Dress (từ 990.000 đồng đến 1.790.000 đồng) cho Ủy ban MTTQ Việt Nam để góp phần phòng chống Covid-19. Đây cũng là cách để bán hàng ưu thế hiện nay, bởi gần như ai ai cũng muốn chung tay chống dịch, bằng cách này hay cách khác.
“See now buy now” là xu hướng kinh doanh thời trang đang thịnh hành trên thế giới đang được ứng dụng ở thời trang Việt. Ảnh: ĐẠI NGÔ
Tất nhiên, như bày tỏ của nhà thiết kế Lê Thanh Hòa, dù bán hàng trực tuyến lâu nay mang lại doanh thu tốt cho thương hiệu của anh nhưng thực tế cho thấy trong tình hình dịch bệnh như hiện tại, những mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống được mua bán trực tuyến nhộn nhịp hơn thời trang cao cấp.
Theo nhà thiết kế Thủy Nguyễn, cô và đội ngũ của mình dành thời gian nghiên cứu, thử nghiệm một vài thay đổi, tối ưu hóa mô hình kinh doanh… để thích nghi nhanh chóng với thời cuộc. Còn nhà thiết kế Chung Thanh Phong nhìn nhận đây là thời điểm thích hợp để chủ các cửa hàng thời trang xây dựng lại hệ thống và cách thức quản trị chuỗi bán lẻ của mình. Xây dựng dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt nhất để tạo lượng khách hàng trung thành là điều các thương hiệu thời trang Việt Nam phải tính tới. Một bộ phận kinh doanh thời trang Việt hiện chưa quan tâm đến khái niệm Fashion Visual Merchandising - Chiến thuật bán hàng trực quan.
Giới thời trang cho rằng khi mọi thứ đang đóng băng, cập nhật những kiến thức về Fashion Visual Merchandising có thể sẽ giúp các nhãn hàng thời trang Việt mở ra cánh cửa mới để phát triển thương hiệu. Nhà thiết kế Thuận Việt tận dụng thời gian lúc này để xây dựng lại hình ảnh cửa hàng mới cho thương hiệu Thuận Việt của mình. "Hy vọng hình ảnh mới mẻ hơn sẽ mang đến thiện cảm nhiều hơn cho khách hàng" - nhà thiết kế Thuận Việt tin tưởng.
Nhà thiết kế Tom Trandt hay Tiến Nguyễn (người sáng lập thương hiệu The Blue T-shirt) đều cho biết họ đang thực hiện dự án "See now buy now" (Nhìn thấy mua ngay) một xu hướng của thế giới để đáp ứng nhu cầu của các tín đồ thời trang khi bộ sưu tập của mình ra mắt.
Bình luận (0)