Năm 2017, ông có triển lãm ảnh "Thong dong cùng Hội An - Mỹ Sơn". Năm nay, ông giới thiệu với bạn đọc tập sách ảnh "Thong dong xứ Thanh" (NXB Văn hóa - Văn nghệ) tập hợp 100 ảnh, in trên 80 trang giấy dày, đẹp, khổ 25×25 cm.
Thanh Hóa là miền đất địa linh nhân kiệt, xứ Thanh đất rộng người đông, trải từ biên giới Việt - Lào ra biển, có 2 thành phố và 25 huyện thị. Tất nhiên không thể đi hết, tỏ tường từng vùng trên đất thiêng đó, song Nguyễn Lương Hiệu đã khái quát được đất và người xứ Thanh qua những góc ảnh điển hình, những vùng đất từ miền núi đến trung du về biển.
Bìa tập sách ảnh “Thong dong xứ Thanh” của Nguyễn Lương Hiệu
Ruộng bậc thang ở Pù Luông và Ngõ Nhân, làng cổ Đông Sơn, Thanh Hóa Ảnh: NGUYỄN LƯƠNG HIỆU
Ống kính của ông bắt đầu từ vùng đồng bằng ven biển, nơi giao thoa những âm thanh vừa sống động vừa trầm sâu tâm thức. Ở đó, có tiếng cười nói của đồng bào các dân tộc trong sinh hoạt thường ngày, rộn ràng tiếng công nhân đi làm ở Nhà máy Xi-măng Công Thanh tại huyện Tĩnh Gia; ngư dân huyện Quảng Xương kéo lưới mưu sinh; âm thanh gặt cói, dệt chiếu của người dân huyện Nga Sơn. Tại TP Sầm Sơn, tác giả chưa dứt bồi hồi với âm ba tiếng sóng từ bãi biển hình trăng khuyết lại bất ngờ trầm tư nhìn hòn Trống Mái nhỏ to tâm sự như câu chuyện chàng Vọi, cô Hiền trong tiểu thuyết của Khái Hưng ngày nào. Làng cổ Đông Sơn (TP Thanh Hóa) râm ran lời quá khứ vọng về, ngôi làng với 3 cổng ngõ: Nhân, Trí, Dũng là bài học dạy làm người mà tiền nhân truyền dạy cho con cháu mai sau. Còn với thắng tích Hàm Rồng là tiếng vọng lịch sử và chiến thắng trong những ngày hào hùng bảo vệ cầu Hàm Rồng bên núi Ngọc và dòng sông Mã xuôi về cửa biển.
Với miền trung du xứ Thanh, Nguyễn Lương Hiệu đưa người xem đến với thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc), lắng nghe âm thanh từ những mảng tường đá, ngắm đồng lúa xanh dưới chân thành cổ. Về Lam Kinh (huyện Thọ Xuân) với các huyền tích vua Lê và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Huyện Nông Cống hiện ra với đồng xanh, nương ngô; các huyện Yên Định, Thiệu Hóa với những triền đê, bãi cỏ thanh bình, nghề đúc đồng truyền thống vang danh cả nước…
Những cung đường quanh co, thơ mộng đưa nghệ sĩ - nhà thơ đến các huyện miền núi. Bên bản Mạ, huyện Thường Xuân: "Sông Mã mây bay như bờm ngựa"; vườn quốc gia Bến Én (huyện Như Xuân và huyện Như Thanh) "nước trong xanh lại mang tên mực" và ở huyện Bá Thước "ruộng bậc thang rực rỡ bản Pù Luông" (thơ Nguyễn Lương Hiệu); ghé thăm suối Voi (huyện Thạch Thành), suối cá Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy...
Những khuôn hình của Nguyễn Lương Hiệu vừa sống động vừa có độ sâu ý tưởng, bố cục chặt chẽ, chất thơ hòa quyện trên khung ảnh. Có những ảnh như bung xõa, có ảnh dường như nén lại, có ảnh trầm tĩnh, có ảnh tươi vui. Người và cảnh vật trong ảnh Nguyễn Lương Hiệu vừa có chất đời của bề mặt không gian vừa có độ sâu lắng của thời gian. Ở đó, là những câu chuyện và cảm xúc, vừa quen thân vừa mới lạ. Bùi Việt Quý
Bình luận (0)