Câu hỏi của em làm tôi nghẹn lời… Vì tôi cũng ngày ngày cày trên bàn giấy, cắm mặt vào laptop. Mỗi ngày nhìn qua khung cửa sổ đầy nắng, cái nắng rát của mùa khô Nam Bộ, tôi cũng ngại phải bước chân ra ngoài…; và thấy thương những lưng áo không kịp ướt dưới ánh mặt trời, thương những làn da đen sạm với nét cười khắc khổ.
Em lớn lên đúng vào giai đoạn đô thị hóa mạnh mẽ. Người ta mơ chung một giấc mơ về một nền công nghiệp hiện đại, tiên tiến. Ở đó, tỉ lệ cư dân đô thị cũng như tỉ trọng công nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế phải thật cao. Thế nên, từ khi người ta san ủi mặt bằng cho cái khu công nghiệp ở quê, ba mẹ em cũng từ bỏ ý định truyền nghề nông. Họ đã bắt đầu mơ giấc mơ cô con gái yêu có một chỗ trong cái đô thị mới kia.
Hơn chục năm nay, hàng triệu thanh niên nam nữ đã đổ ra thành thị, đã di chuyển từ miền Bắc, miền Trung vào các tỉnh phía Nam, bổ sung vào đội quân cổ cồn xanh. Nhà trọ chen chúc nhau mọc lên. Một vòng khép kín hình thành: đi làm - tăng ca - ngủ, trong những ô vuông nóng nực để lấy được đồng lương vừa đủ tồn tại. Những đứa con được sinh ra trong những khu nhà trọ chật chội và thường là được gửi về quê cho ông bà.
Nhưng 3 năm nay rồi, người ta đã dừng lại để tự trả lời câu hỏi: Vì sao mình lại bỏ chốn chôn nhau, bỏ lũy tre làng, bỏ anh em cha mẹ, bỏ cả khung trời bình yên để chen chân về thành phố - nơi rồi cũng chỉ đủ ngày 3 bữa và trả cho một chỗ ngủ hằng đêm? Cay đắng hơn, nhiều thanh niên sau khi từ giã giấc mơ đô thị và công nghiệp, phải tập để yêu lại ruộng vườn, cày cuốc. Vì họ cũng như em và tôi, lỡ xa tình yêu đó lâu quá rồi.
Chị chồng tôi, một người rặt nông thôn "bị" ra thành phố. Chị loay hoay với những bức tường và vài khoảnh đất khô cằn kẹt giữa những tòa nhà cao tầng. Chị cố trồng vài thứ nhưng nó không chịu lên. Một ngày kia, tôi thấy chị kiếm đâu được một ít lá keo và bã cà phê. Chị ủ trong một ô đất chưa đầy 1 m2. Ít tuần sau, một khoảnh xanh của rau muống, rau cải vươn lên. Rồi có cả một dây gấc leo lên mái nhà. Và cứ thế, chị tìm đất trồng keo. Lấy keo bồi bổ đất.
Sau giờ làm việc, chị kiếm rau xanh cho đại gia đình tôi bằng cách thủ công như vậy. Cả nhà hạnh phúc vì được ăn những sản phẩm sạch của chị, trên đất trống đô thị - những khoảnh đất người giàu mua để đấy... chơi!
Mới đây, sau khi làn sóng di dân về đô thị làm công nghiệp trở nên trầm lắng, công nhân hồi hương ngày càng nhiều, một đôi vợ chồng trẻ đi tìm mua đất vườn ở vùng sâu của huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Mô hình ban đầu sẽ là chồng quản lý vườn, vợ đi làm ở một khu công nghiệp gần nhà thêm một thời gian. Khi vườn cho thu nhập ổn định, họ sẽ thu về một mối. Đôi vợ chồng ấy vốn sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn nghèo phía Bắc nên tình yêu ruộng vườn chưa bị lấn át. Họ mua được một khu vườn với giá rất rẻ vì chủ của nó cũng chạy ra thành phố rồi. Và cả năm nay, họ hạnh phúc với mảnh đất của riêng mình, mảnh đất có sẵn những nọc tiêu trưởng thành, dù ở hơi xa trung tâm. Họ đang học cách chăm vườn của người Nam Bộ một cách đầy hứng khởi.
Các em bây giờ đều có điện thoại di động, thậm chí một người có vài cái. Các em có máy tính, laptop, iPad. Các em sử dụng nó rất thạo và có thể say sưa cả ngày. Nhưng các em đã quên cách gieo một chậu cải mầm. Hay các em chưa hề biết gieo nó?
Tôi không phải đi cày dưới nắng. Tôi không trải qua nỗi đau đớn của những mùa lúa chín rục trong nước lũ. Tôi không thấu hiểu khoảnh khắc phải cày lật những luống rau tươi tốt xuống làm phân. Tôi không biết đến nỗi day dứt của những vụ cà phê được mùa mà giá rớt thê thảm. Vì thế, tôi không trả lời được câu hỏi của em. Dù rằng hằng ngày, tôi đều ăn những hạt ngọc mà ba mẹ em còng lưng làm ra. Dù rằng, mỗi bữa tôi vẫn rón rén nhấm nháp những đọt rau mua ngoài chợ và thầm ước: Giá mà biết chắc nó là sạch thì đắt gấp mười, gấp trăm, vẫn vui vẻ mua ăn cho thật đã thèm!
Tôi thương các em, một thế hệ có vẻ như không được truyền cho tình yêu với đất đai - vườn ruộng. Thậm chí, các em còn cảm thấy sợ nó, muốn xa lánh nó. Và tôi đang thương chính tôi, vì tôi cũng đã rời xa tình yêu ấy lâu lắm rồi.
Liệu tôi có quay về được nữa không, về với chốn đồng quê yên bình, nơi khởi nguồn và hằng ngày vun đắp cho cuộc sống của tất cả chúng ta, đặc biệt là cư dân đô thị và lao động công nghiệp? Và làm sao, để tôi, em và thế hệ sau nữa không còn đau khổ với nỗi niềm "phải" quay về với đồng quê…
Bình luận (0)