Với khối lượng kịch bản đồ sộ được sáng tác đầy sung sức và mang góc nhìn riêng, tác giả Lê Duy Hạnh đã cung cấp cho nhiều đoàn, nhà hát cả nước những chất liệu tinh túy để từ kịch bản của ông, đời sống sân khấu có thêm nhiều tác phẩm đặc sắc được công chúng đón nhận.
NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, xúc động cho biết suốt những năm qua, không có năm nào kịch bản của tác giả Lê Duy Hạnh lại không sáng đèn trên các sàn diễn TP HCM và tại các hội diễn, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Ông đã cống hiến cả đời và tận lực cho sân khấu TP HCM nói riêng và sân khấu cả nước nói chung, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá cho các thế hệ tác giả trẻ.
Trong nhiều đóng góp to lớn của ông cho sân khấu miền Nam, ông là một trong số ít người khởi xướng việc hình thành và phát triển "Giải thưởng Trần Hữu Trang" từ năm 1991 đến 2012. Đến nay, giải thưởng đã được nâng tầm quốc gia, trở thành "Cuộc thi Tài năng Diễn viên Sân khấu cải lương Trần Hữu Trang" - một sân chơi nghệ thuật dành cho các nghệ sĩ trẻ.
Tác giả Lê Duy Hạnh
Đối với vai trò lãnh đạo Hội Sân khấu TP HCM, ông là người quyết đoán, tạo được sự đoàn kết, thương yêu giữa các thế hệ nghệ sĩ, chăm lo đời sống nghệ sĩ lão thành. "Trong thời gian ông làm lãnh đạo hội, ông đã xây dựng được 2 công trình ý nghĩa, thực hiện đúng tâm nguyện của NSND Phùng Há, NSND Bảy Nam, đó là xây dựng Khu Dưỡng lão Nghệ sĩ TP HCM và Nghĩa trang, chùa Nghệ sĩ TP HCM. Hoạt động Ban Ái hữu Nghệ sĩ chăm lo cho nghệ sĩ cao niên, bệnh tật cũng được ông ưu tiên hàng đầu, đó là những mối liên kết bền chặt để các hội viên sống tốt, góp phần tạo nên khí khái rất riêng của Hội Sân khấu TP HCM" - NSND Thanh Vy bày tỏ.
NSND Việt Anh xúc động cho rằng sự ra đi của ông để lại một khoảng trống quá lớn không có gì bù đắp. Nhiều kịch bản vẫn còn giá trị rất lớn về đề tài, góc nhìn, cách chọn lựa sự kiện và những vấn đề mâu thuẫn xã hội được lý giải rất thuyết phục.
Nhà báo Thanh Hiệp (trái) và tác giả Lê Duy Hạnh trong chương trình giao lưu nghệ thuật “Làn điệu phương Nam” năm 2007 do đạo diễn Thanh Hiệp dàn dựng tại Nhà hát TP HCM
Soạn giả Hoàng Song Việt, người chuyển thể nhiều tác phẩm của tác giả Lê Duy Hạnh, cho biết: "Thủ pháp dàn dựng của ông rất sâu sắc. Ông thường gửi gắm vào kịch bản một, hai câu thoại rất đắt. Từ ý tưởng này tôi triển khai cả một cảnh diễn, vì thế ông hay nói với mọi người trong Chi hội tác giả rằng tôi rất "hiểu ý ông", nhờ vậy đã cho ra nhiều cảnh diễn đúng chất cải lương như ông mong muốn. Bài học quý từ ông chính là sự tận tụy, đam mê với nghề".
Ông là một trong số ít người mạnh dạn đề xuất việc hình thành CLB Sân khấu Thể nghiệm TP HCM, sau này là Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM. Để từ chiếc nôi sân khấu theo mô hình xã hội hóa đầu tiên, ông giới thiệu nhiều kịch bản thể nghiệm, tạo luồng gió mới xuất hiện trong giai đoạn chuyển mình của sân khấu TP HCM. Ông cũng chủ trương hình thành CLB Đạo diễn trẻ, diễn viên trẻ, giao việc cho người trẻ để họ có cơ hội thể hiện và trở thành những nghệ sĩ, nhà quản lý sân khấu giỏi sau này. Trong số này phải kể đến: NSƯT Thành Lộc, NSND Việt Anh, NSND Hồng Vân, NSƯT Nguyễn Công Ninh, NSƯT Thanh Hoàng, NSƯT Thành Hội, NSƯT Hữu Châu, nghệ sĩ Ái Như, Quốc Thảo, Thanh Thủy, Minh Nhí...
Nhà báo Hoàng Kim cho biết: "Trong lĩnh vực lý luận phê bình, tác giả Lê Duy Hạnh luôn đau đáu tìm hướng đi mới để mỗi bài viết nâng cao chất lượng lý luận, ông nói "phê thì dễ nhưng để người nghệ sĩ đọc và điều chỉnh, nâng mình lên thì cần cái tình, cái lý". Lời ông căn dặn đã là kim chỉ nam cho hoạt động của Ban Lý luận phê bình và CLB Phóng viên Sân khấu hiện nay".
NSND Hồng Vân cho rằng thành công lớn của tác giả Lê Duy Hạnh là ông viết về những điều nhân dân nghĩ. Rất dễ nhận ra những sáng tạo đầy tài hoa trong việc ông đưa vào kịch bản những chi tiết nghệ thuật mang tính khái quát, có ý nghĩa sâu mà không hô hào khẩu hiệu. "Sân khấu của tôi đã từng dàn dựng vở "Nỏ thần" của ông. Ông là một người thầy để lại cho thế hệ chúng tôi nhiều bài học quý" - NSND Hồng Vân nói.
Những sáng tác nổi tiếng của ông có thể kể như: "Tâm sự Ngọc Hân", "Hoa độc trong vườn" (Ngô Quyền), "Lý Chiêu Hoàng", "Hoàng hậu hai vua" (Dương Vân Nga), "Hồn thơ ngọc" (Ngọc Hân), "Dời đô" (Lý Công Uẩn), "Sáng mãi niềm tin" (Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong), "Nỏ thần" (An Dương Vương", "Độc thoại đêm" (Lý Chiêu Hoàng)... Nhiều kịch bản tạo được sự bứt phá về hình thức thể nghiệm như: "Người cáo", "Chuyện lạ", "Hồn tuồng", "Diễn kịch một mình", "Trở về miền nhớ", "Thần tượng thực", "Nỗi đau nhân loại", "Rồng phượng"...
Từ trái sang: NSƯT Tú Sương, NSƯT Vũ Luân và nghệ sĩ Lê Thanh Thảo trong vở “Trời Nam” của tác giả Lê Duy Hạnh.
Ông đánh giá cao loạt bài viết "Sân khấu cải lương khát sử Việt" của Báo Người Lao Động và cho rằng cần khuyến khích, động viên để đội ngũ tác giả trẻ dấn thân vào lĩnh vực sử Việt. "Cứ viết và đừng e dè, e ngại. Nhiều người cùng viết sẽ góp phần hun đúc khơi lại dòng chảy lịch sử Việt trên sân khấu đương đại" - lời nói của ông vẫn còn bên tai tôi, như mới ngày hôm qua. Ông cũng đã hứa với Ban Lý luận phê bình Hội Sân khấu TP HCM là sẽ tham gia một tham luận về đề tài cải lương sử Việt, thế mà ông đã lỗi hẹn...
Tác giả Lê Duy Hạnh, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; nguyên Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, sinh năm 1947 tại Bình Định. Ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật; Huân chương Lao động hạng nhất; Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng. Ông qua đời trưa 6-9 tại tư gia, hưởng thọ 77 tuổi.
Tang lễ của ông tổ chức tại Nhà Tang lễ TP HCM (số 949, Quốc lộ 1, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM). Lễ viếng từ 9 giờ ngày 7-9; lễ truy điệu lúc 5 giờ ngày 9-9, sau đó di quan và an táng tại Nghĩa trang TP HCM (TP Thủ Đức).
Bình luận (0)