Tôi không muốn định nghĩa dông dài về tiểu thuyết nhưng rõ ràng, nhờ thể loại đặc thù với dung lượng, biên độ không gian thời gian, triết lý gửi gắm vào tác phẩm mà qua những bộ tiểu thuyết lừng danh từ xưa đến nay, trong nước và ngoài nước, độc giả các thế hệ có được tấm gương soi tâm thế xã hội và lịch sử. Rất tiếc là tiểu thuyết ngày càng ít đi, nhất là tiểu thuyết đồng bằng sông Cửu Long lại càng hiếm.
Kho báu lịch sử và độ lùi thời gian
Thời gian phủ bụi lên lịch sử. Nhưng có những giá trị lịch sử như những viên ngọc quý, âm thầm tỏa sáng, bất chấp cát bụi thời gian. Những trang sử nồng máu oan của người xưa vẫn tươi rói đến hôm nay. Năm tháng trôi đi, những viên ngọc quý báu của lịch sử bị chôn vùi dưới lớp lớp phù sa dòng Cửu Long. Là con cháu những tiền nhân khai phá đất Nam Kỳ, tôi thấy ngòi bút mình mắc nợ với những cột mốc lịch sử đã làm nên bằng những phận người hữu danh lẫn vô danh.
Nhà văn Trầm Hương (đứng) giao lưu với nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết “Trong cơn lốc xoáy” trong ngày ra mắt. (Ảnh do nhà văn cung cấp)
Là người cầm bút lớn lên sau chiến tranh, tôi cảm nhận sâu sắc sự giàu có từ tầng tầng lớp lớp trầm tích của lịch sử dân tộc. Máu và nước mắt cha ông trong dựng và giữ nước để lại di sản lịch sử khổng lồ cho con cháu. Ẩn số những giọt nước mắt, những phận đời bé nhỏ đằng sau những cột mốc lịch sử là nguồn cảm hứng mạnh mẽ thôi thúc nhà văn cầm bút. Tôi may mắn vì đã thoát chết những ngày Mậu Thân 1968 để thấu cảm mất mát, nỗi đau của những người mẹ, người chị, những nông dân trên cánh đồng năn lác với sự tha hóa quyền lực để viết "Đêm Sài Gòn không ngủ". Tôi cảm ơn độ lùi thời gian, nhờ sinh sau hơn nửa thế kỷ mà có điều kiện học hành, có điều kiện gõ cửa để thâm nhập vào cánh cửa tòa thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo tỉnh Bến Tre để viết "Đêm trắng của Đức Giáo Tông". Tôi cảm ơn mình được mẹ sinh ra đời sau gần 4 thập kỷ biến động mà bà Jeannette đã sống, để tôi có điều kiện lặn sâu vào nhiều cuộc đời, có điều kiện để sống và viết bộ tiểu thuyết 2 tập hơn ngàn trang "Trong cơn lốc xoáy". Vì rằng nếu bị cuốn vào lốc xoáy như Jeannette, số phận tôi cũng xoay tròn theo thời cuộc như bà, làm sao tĩnh tâm để thấu cảm với nỗi đau, nước mắt mà trải lòng lên trang giấy.
Lùi lại để thấu hiểu, bao dung, thông tuệ, tự do hơn khi viết về quá khứ. Quả thật, khi sống trong thời bao cấp, ta sẽ không cảm nhận những điều khủng khiếp trong thời ấy như chính con, cháu chúng ta đã được hưởng những thành tựu đổi mới. Khi đã làm mẹ, được nuôi con bằng những sản phẩm văn minh và tiện ích thời bình, tôi mới thực sự thấu cảm công lao to lớn của những bà mẹ Việt Nam, vừa cày cấy vừa gánh con chạy loạn. Khi chăm bẵm từng miếng ăn giấc ngủ cho con, thức trắng đêm canh con đau bệnh, tôi mới cảm nhận một cách sâu thẳm nỗi đau mất mát của những bà mẹ khi con mình bị quăng vào cỗ máy chiến tranh.
Khi Tổng thống Mỹ Obama sang Việt Nam, ông được chào đón nồng nhiệt cũng là nhờ có độ lùi thời gian để hai bên nhận ra bao giờ hòa bình cũng tốt đẹp hơn chiến tranh. Lòng chân thành cũng cần có thời gian. Trong không khí cởi mở, thân thiện, người ta ngần ngại nói về quá khứ nhưng có một sự thật rằng khi tôi đi từ địa đầu Tổ quốc đến Mũi Cà Mau, gặp hàng ngàn bà mẹ Việt Nam anh hùng, kỳ lạ thay, không bà mẹ nào nhắc đến căm thù mà chỉ có những ký ức rưng rưng nhớ thương con, là khoảng lặng nước mắt, là niềm ao ước nếu con mình còn được sống. Với những ý thức hệ và xu hướng chính trị ảnh hưởng, ràng buộc từng thời kỳ lịch sử, có thể nhiều giá trị bị đảo lộn nhưng tôi tin những giọt nước mắt từ số phận con người là điều có thật. Nước mắt rơi ngày trước, thế kỷ trước, kỷ nguyên trước thấm ướt vào từng trang viết của ngày sau, thế kỷ sau, kỷ nguyên sau. Đó là sự tiếp nối của mạch nguồn dân tộc. Sứ mạng ấy đặt trên đôi vai của những nhà văn.
Mũi khoan nào khai thác kho báu?
Điều gì khiến các độc giả Việt Nam đón nhận nồng nhiệt những tác phẩm của những nhà văn nước ngoài viết về di sản lịch sử Việt Nam là một câu hỏi thật đáng suy ngẫm. Phải chăng độc giả cần có cái nhìn trung thực, khách quan nhiều chiều hơn từ những nhà văn - học giả? Phải chăng chúng ta đang sống trên đống vàng của tư liệu lịch sử nhưng lại thờ ơ, vọng ngoại? Phải chăng để di sản lịch sử được thăng hoa trong văn học, nhà văn chúng ta phải đọc, phải học, không ngừng khổ luyện, kiên trì, bền bỉ trong sáng tạo văn học nghệ thuật? Và hơn tất cả, những nhà văn lao vào khai thác tầng quặng giàu có từ di sản lịch sử đồ sộ của cha ông rất cần đến sự tiếp sức, động viên một cách xứng đáng và cụ thể. Cần có mũi khoan bén bằng kim cương để khai thác tầng quặng lịch sử quý báu này. Nhiều và rất nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ. Tôi không khỏi đắng lòng nhớ câu thơ của ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, viết cho con trước lúc giao thừa từ hơn 10 năm trước: "Ta tìm đến mình/Mình lại quên ta".
Cùng nguyên mẫu nhân vật Jeannette trong tiểu thuyết “Trong cơn lốc xoáy” (NXB Phụ nữ, 2016). Ảnh chụp một tháng trước khi bà mất, tại Long Hải.
Phần lớn con người mơ ước thì nhiều, bản lĩnh lại hiếm hoi. Người viết tiểu thuyết phải biết quay lại chính mình, tìm sức mạnh từ bên trong, biết hy sinh những mối lợi nho nhỏ, những thú vui chốn đông người để cô đơn và bứt phá trước trang viết. Viết tiểu thuyết là công việc khó nhọc, không chỉ đòi hỏi kiến thức, thực tế, trải nghiệm, sự dũng cảm mà còn cả sức khỏe. Đó là sự thật đầy thách thức, bởi tuổi già tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu, đủ chín thì dường như ít người còn khỏe để cày bừa trên cánh đồng văn chương khó nhọc này.
Trong lúc đi tìm câu hỏi "mũi khoan bằng kim cương" ở đâu, tôi vô cùng thấm thía khi đọc lại quyển sách viết về nhà bác học Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898) của tác giả Trần Thị Nim. Ông là người có công truyền bá chữ quốc ngữ, viết hơn 120 đầu sách đủ các chuyên đề, cũng là người Việt Nam duy nhất từ xưa đến nay được thế giới phong "Thập bát văn hào". Cuộc đời ông thật vinh quang nhưng cũng nhiều oan khuất. Ông có lời khuyên những học trò yêu quý lúc cuối đời: "Điều cốt yếu để viết tốt là phải có kiến thức rộng, phải đọc nhiều, đi nhiều, sống nhiều và cũng phải suy nghĩ nhiều. Tất cả yếu tố đó phải được trộn lẫn, nhào nặn để trở thành tác phẩm của riêng ta, không nên sao chép của người khác, ngoại trừ dịch thuật". Do lao lực quá mức và nội tâm đầy giằng xé, ông chết vì bệnh phổi, thọ chỉ được 61 tuổi.
Lời khuyên của nhà bác học Trương Vĩnh Ký thật đáng cho những người viết tiểu thuyết chiêm nghiệm và suy ngẫm.
Bình luận (0)