Tang lễ NSND Trần Hạnh được tổ chức ngày 6-3 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Lễ nhập quan được cử hành vào 8 giờ 30, lễ viếng được tổ chức từ 9 giờ 15 đến 10 giờ 30, lễ truy điệu, di quan diễn ra lúc 10 giờ 30 đến 11 giờ.
Linh cữu của cố nghệ sĩ sẽ được đưa đi hoả táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ.
NSND Trung Hiếu, NSND Thu Hà, NSƯT Lê Mai, NSƯT Thanh Loan, NSƯT Chí Trung, NSND Công Lý, NSƯT Đức Khuê, NSƯT Chiều Xuân, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần ... và nhiều đồng nghiệp viếng và chia buồn với người thân của NSND Trần Hạnh.
"Chú là một trong những viên gạch đầu tiên, thế hệ đầu tiên để xây nên một Nhà hát Kịch Hà Nội. Các thế hệ Nhà hát Kịch Hà Nội cũng như toàn thể khán giả cả nước mãi kính yêu chú"- NSND Thu Hà xúc động viết trong sổ tang.
NSND Trần Hạnh qua đời lúc 2 giờ 50 phút ngày 4-3. Ông rơi vào trạng thái hôn mê sâu lúc 19 giờ ngày 3-3 và ra đi rạng sáng hôm sau tại nhà riêng.
Hơn 2 năm nay, nghệ sĩ Trần Hạnh yếu đi rất nhiều. Mắt phải của ông hỏng hoàn toàn, mắt trái chỉ còn 30% thị lực. Tuy nhiên, dù ốm yếu, ông vẫn cố gắng tự lo mọi sinh hoạt của bản thân như suốt mấy chục năm qua, đúng như tính cách giản dị, khiêm nhường, không muốn phiền đến ai của mình.
NSND Trần Hạnh sinh năm 1929 tại Hà Nội. Ông ghi dấu ấn bởi những vai diễn xuất sắc trên sân khấu kịch Hà Nội như vai Nguyễn Trãi vở kịch thơ "Lam Sơn tụ nghĩa". Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ lúc sinh thời từng nhận xét trong tập sách "Người Hà Nội": "4, 5 người đã đóng vai Nguyễn Trãi, riêng Trần Hạnh có phong thái hào hoa của người Hà Nội". Ông cũng được yêu thích trong các vai trong các vở "Tiền tuyến gọi", hay "Âm mưu và tình yêu" của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi. Năm 1989, NSND Trần Hạnh rời Nhà hát Kịch Hà Nội về hưu sau khi đã giành được nhiều giải vàng, bạc ở các liên hoan sân khấu toàn quốc.
Nổi tiếng trên sân khấu nhưng NSND Trần Hạnh được đông đảo khán giả biết đến qua các bộ phim điện ảnh, truyền hình ông tham gia. Ông từng vào vai chính phim "Chiếc bình tiền kiếp" của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, sau đó là các phim "Tướng về hưu", "Hãy tha thứ cho em", "Cỏ lau", "Người đàn bà thứ hai", "Làng nổi"...
Tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 11-1996, ông đoạt giải Nam diễn viên xuất sắc nhất trong phim "Nước mắt đàn bà". Ở Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2010, ông được vinh danh ở hạng mục Giải thưởng Cống hiến cho vai diễn của ông trong phim "Ngõ lỗ thủng" của đạo diễn Quốc Trọng.
Các vai diễn của NSND Trần Hạnh đi vào lòng khán giả với vẻ khổ hạnh, đáng thương, những vai nông dân hiền lành, chất phác mặc dù ông là người Hà Nội gốc. Cuộc đời thực của ông còn buồn và khổ hơn phim. Gần chục năm, ông phải tự tay lo cơm nước, chợ búa, giặt giũ, chăm sóc cho người vợ bị liệt nửa người sau một lần bị tai biến mạch máu não. Năm 2011, vợ ông mất vì bị tai biến sau một thời gian dài nằm liệt giường
Dù sống một cuộc sống vất vả nhưng NSND Trần Hạnh luôn là tấm gương cho các thế hệ đi sau về tình yêu nghề cũng như luôn nỗ lực cho công việc của mình.
NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, nhận xét NSND Trần Hạnh là một gương mặt nghệ sĩ điển hình. NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, cho rằng sự ra đi của các nghệ sĩ tên tuổi Hoàng Dũng và Trần Hạnh là mất mát lớn đối với nhà hát.
Đạo diễn Lương Đình Dũng, tác giả bộ phim điện ảnh cuối cùng NSND Trần Hạnh tham gia, bày tỏ nỗi buồn trước sự ra đi của diễn viên gạo cội. Anh cho hay dù là một diễn viên nổi tiếng nhưng NSND Trần Hạnh rất giản dị, yêu nghề, luôn nỗ lực để thể hiện vai diễn tốt nhất, có hồn nhất.
Đạo diễn "Cha cõng con" cho hay ngay khi viết kịch bản phim, anh đã nghĩ đến sự có mặt của NSND Trần Hạnh trong phim mình. Và sự lựa chọn ấy không sai, dù lúc đó đã 85 tuổi nhưng NSND Trần Hạnh vẫn luôn cố gắng hết mình cho vai diễn, sẵn sàng thực hiện những gì điều đạo diễn yêu cầu.
Một số hình ảnh:
Bình luận (0)