Vậy nhưng, dù biết thế, vẫn có người gân cổ lên cãi lại cho bằng được. Cãi như thế này, lời ăn tiếng nói của người Việt gọi là "cãi chày cãi cối".
Tại sao trong ngữ cảnh này, chày và cối lại xuất hiện, chứ không là sự vật gì khác?
Theo "Việt Nam tự điển" (1931), "chày: đồ dùng bằng gỗ hay bằng gang dùng để giã vào cối". Khi giã, chày được vận dụng sức người để giã liên tục, kéo dài. Dù vật dụng đó cứng/dai/rắn cỡ nào đi nữa, hễ đã cho vào cối thì chày cứ vung lên nện xuống cho đến lúc nhuyễn nhừ mới thôi. Vật trong cối, dưới chày nằm yên "chịu trận", không thể thoát ra ngoài.
Thế thì, một khi nói "cãi chày cãi cối" được hiểu qua nghĩa bóng là ai đó đã cãi đi cãi lại, cãi liều, cãi bừa, cãi bướng, cãi lại bằng được, bất chấp đúng sai với lý lẽ luẩn quẩn, thái độ như chày liên tục nện vào cối. Vì thế, tục ngữ còn có câu ám chỉ hạng người này: "Được cãi chày, thua cãi cối"...
Có nhiều cách cãi, chẳng hạn "Cãi nhau như mổ bò/Cãi nhau như vỡ chợ"..., lại có câu "Cãi nhau như chém chả". Hầu hết các từ điển đều giải thích là cãi kịch liệt, ầm ĩ, ồn ào, giành phần thắng về mình và "Đại từ điển tiếng Việt" (1999) ghi nhận "Tranh cãi bốp chát, gay gắt, không ai nhường nhịn ai".
Dù không có lý lẽ gì sất nhưng vẫn cố cãi đi cãi lại, cãi cho bằng được là "Cãi chày cãi cối". Chê cười ai dù đuối lý mười mươi ra đó nhưng vẫn gân cổ lên cãi, có câu "Cãi xàng quay như cối xay cùn"...
Bình luận (0)