Sân khấu muốn sống được trong đời sống hiện đại, những người làm sân khấu phải biết đối thoại với công chúng. Đó là điều không ít nhà chuyên môn sớm nhận ra và bắt tay gầy dựng nên những diễn đàn đối thoại dành cho người trẻ để họ được nói tiếng nói của mình một cách thẳng thắn với người làm sân khấu và ngược lại.
Lắng nghe để đồng cảm
Nhiều nhà chuyên môn, nghiên cứu sân khấu cho rằng lý do khán giả đang thờ ơ với sân khấu, xét về bình diện chung, là có ít vở diễn đủ sức hấp dẫn, lôi kéo người xem, nhất là khán giả trẻ. Giải pháp nào khả thi để thay đổi diện mạo sân khấu? Những nghệ sĩ có tâm huyết với sân khấu cho rằng: Đối thoại.
Đông đảo khán giả trẻ đến với chương trình giao lưu cùng NSND Kim Cương tại Nhà hát Kịch TP HCM
Các sân khấu kịch xã hội hóa đã từng duy trì hình thức khảo sát ý kiến khán giả, gặp gỡ, giao lưu để lắng nghe những suy nghĩ thẳng thắn về kịch mục, dàn dựng, diễn xuất nhằm điều chỉnh cho vừa "khẩu vị" người xem. Thế nhưng, các hình thức này đều không đạt hiệu quả. NSND Hồng Vân nói: "Kênh thông tin để tiếp nhận ý kiến khán giả chính là sau suất diễn, chúng tôi giữ chân người xem giao lưu với nghệ sĩ. Nhưng rồi hiệu quả không cao vì thời gian quá ngắn. Sau đó, áp dụng qua thư điện tử, sổ góp ý, trang web của Sân khấu Kịch Phú Nhuận nhưng chẳng đến đâu".
Theo đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc, cái khán giả cần chính là sự đối thoại. Nếu chạy theo thị hiếu khán giả cũng sẽ dễ làm sàn diễn kịch bị biến thái, không giữ được những hồn cốt và thông điệp đẹp của sân khấu trong việc định hướng thẩm mỹ cho khán giả.
Với mong muốn tổ chức và duy trì một kênh đối thoại để lắng nghe, thấu hiểu và hoàn thiện sàn diễn hôm nay, một CLB mang tên "Bạn trẻ yêu sân khấu" đang được nhà nghiên cứu sân khấu, PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái và đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc tiến hành. Cứ 2 tuần/lần, chương trình đối thoại sẽ diễn ra luân phiên tại hội trường các trường ĐH: Sân khấu Điện ảnh TP HCM, Văn hóa TP HCM, Sư phạm TP HCM…; các đơn vị sân khấu: Nhà hát Kịch TP HCM, Nhà hát Thế Giới Trẻ… với hình thức trao đổi trực tiếp với đại diện nhà sản xuất các sân khấu kịch tại TP HCM; mỗi buổi giao lưu sẽ mời thêm các đạo diễn, tác giả, nghệ sĩ nổi tiếng. Đề dẫn đưa ra dựa theo các vấn đề cụ thể từ sàn diễn, nguồn kịch bản, cách quảng bá và trên hết chính là sự liên kết với các thiết bị đa phương tiện, để giới trẻ sẵn sàng truy cập khi cần nói với nghệ sĩ điều mình cần nói. Hàng trăm sinh viên đã đăng ký tham gia CLB.
Đối thoại vốn là chức năng
Những người tạo ra diễn đàn này mong muốn khi đã gắn kết với các trường ĐH, nó sẽ tạo chất kích thích để sàn diễn sân khấu đổi mới, tìm được phương hướng hoạt động sau khi lắng nghe những nhận xét, biểu đạt của người trẻ. "Họ không xem kịch, không phải vì chán sân khấu mà vì không có vở diễn chạm đúng suy nghĩ của họ về đời sống hôm nay. Sân khấu không thể loại bỏ chức năng đối thoại với người xem. Chính những đối thoại phía sau sàn diễn sẽ giúp người xem hiểu nghệ sĩ và công việc sáng tạo của họ hơn, đề đạt những điều mình cần, tương tác để sàn diễn thu hút giới trẻ nhiều hơn" - PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái bày tỏ.
CLB "Bạn trẻ yêu sân khấu" ra đời sẽ là nơi để lớp trẻ - lực lượng khán giả đông đảo của sân khấu - góp phần giúp các sân khấu tìm ra giải pháp không chỉ mang tính ứng phó mà còn xây lộ trình thay đổi đề tài, hình thức dàn dựng. Lâu nay, các sàn diễn kịch xã hội hóa nương theo thị hiếu của một bộ phận khán giả bằng các vở có nội dung giải trí: kinh dị, ma, đồng tính, hài nhảm… Nhưng rồi "chiêu trò" của nghệ sĩ cũng không giữ được khán giả, hàng loạt vở diễn quy tụ đông ngôi sao hài như: "Vua heo", "Tân niên song hỷ" vẫn vắng khách.
Các nghệ sĩ và các nhà nghiên cứu sân khấu kỳ vọng sân chơi của CLB "Bạn trẻ yêu sân khấu" sẽ tác động mạnh mẽ, tạo hiệu ứng tốt cho việc đối thoại giữa nghệ sĩ và công chúng, trước hết là các sàn diễn với công chúng trẻ TP HCM.
Cần thiết duy trì
Chương trình khởi động đầu tiên là giao lưu văn học nghệ thuật của CLB Phóng viên sân khấu (Hội Sân khấu TP HCM) tổ chức tại Nhà hát Kịch TP HCM. Đông đảo khán giả trẻ, học viên các lò đào tạo, sinh viên trường sân khấu đã tham dự. Khách mời đầu tiên là NSND Kim Cương. Bà đã chỉ ra những nguyên nhân khiến sàn diễn khủng hoảng khán giả, đồng thời lắng nghe những suy nghĩ của giới trẻ về sân khấu hôm nay.
Qua buổi giao lưu với NSND Kim Cương, các bạn trẻ đều nhận thức được rằng: Sân chơi này sẽ nói không với việc khen ngợi chung chung mà cần lời góp ý, phê bình thẳng thắn.
Theo NSND Kim Cương: "Ngày nay, sự xuất hiện của nhiều hình thức văn nghệ, bùng nổ về thông tin, các phương tiện giải trí công nghệ cao, sự thay đổi tích cực của điện ảnh và giải trí truyền hình đã làm phân tán khán giả. Nhưng nhạc kịch "Tiên Nga", "Bên kia... nửa đời ngơ ngác", "Số đỏ", "Đời Như Ý", "Tình lá diêu bông"... của các sàn diễn vẫn sáng đèn, thu hút người xem bởi cách làm tử tế. Vì thế, xây dựng diễn đàn, kênh đối thoại để người trẻ nói lên mong muốn của mình khi đến với sân khấu, mua vé vào xem vở diễn là rất cần thiết duy trì".
Bình luận (0)