Từ thuở sinh viên, tôi đã có nhiều bạn bè nước ngoài. Rồi trong suốt chừng ấy năm, đi công tác, học tập, du lịch ở trời Tây, giao du cũng nhiều, thấu hiểu văn hóa cũng không ít, ấy thế mà không ít lần vẫn bị "sốc văn hóa". Ví dụ, tôi có anh bạn đồng nghiệp người Mỹ, không quá thân nhưng cũng quý mến nhau và thi thoảng tôi cũng giúp anh chuyện nọ sự kia trong công việc. Một ngày nọ, tôi gửi anh một tác phẩm được dịch sang tiếng Anh, độ vài trang thôi và nhờ anh gạch chân giúp những câu văn dịch chưa chuẩn mực, chỉ là bôi đỏ chứ chưa cần sửa, tôi không dám phiền hà nhiều đến thế. Hôm sau, tôi nhận được thư hồi đáp ngắn gọn: "Thực sự là tôi không thể làm việc này nếu như không được trả tiền, vì nó tốn rất nhiều thời gian".
Nhìn thấy câu trả lời, tôi hầu như choáng váng, dù đã ít nhiều hiểu được tính thẳng thắn của người Mỹ. Cùng sự nhờ cậy như vậy, một nữ đồng nghiệp sống ở New York (mà đã có lần tôi phỏng vấn chị để in báo) cũng từ chối, nhưng theo một cách khác: "Tôi đang bận viết cuốn sách mới và sẽ kết thúc vào tháng mười năm sau, nếu bạn chờ được việc này đến tháng mười thì tôi sẽ làm giúp". Thư tôi gửi chị là tháng ba năm nay và chị hỏi liệu tôi có thể chờ được 19 tháng nữa?...
Sống trong một dân tộc trọng tình hơn lý và hay cả nể, tôi chưa từng đối diện với những cuộc hội thoại theo cách "dội gáo nước lạnh" như vậy. Nhưng biết phải làm sao, đó là văn hóa, là tính cách dân tộc, không phải cá nhân. Sau quen dần, nghĩ thôi thì người ta cứ nói thẳng cho mình biết đường.
Nhận lời cho xong hoặc nói nước đôi
Người Việt đa phần hiếm khi có khả năng từ chối người khác, đặc biệt là những mối quan hệ mang tính ngoại giao hoặc thân thiết. Không từ chối không có nghĩa là người ta vui trong bụng khi nhận lời, mà đôi khi chỉ vì sự cả nể. Nhiều người tuy không muốn mà cứ đành nhận lời một cách vui vẻ. Nhận xong lờ luôn lời hứa ấy đi. Người tổ chức sự kiện chuyên nghiệp thường không bao giờ dám điền tên khách mời vào phần giới thiệu của MC, dù chương trình đã sắp bắt đầu, cũng bởi đã quá quen với việc khách cứ nhận lời thế nhưng bỏ ngang, chừng nào thấy họ có mặt thì mới chắc chắn mà giới thiệu. Người tổ chức đám cưới sau khi đếm số thiệp mời gửi đi thế nào cũng phải trừ hao đi vài mâm. Ai chưa có kinh nghiệm, mời 300 người cứ đặt nguyên 300 suất thì thế nào cũng bị ế cỗ, nhà tự ăn với nhau.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Khách nước ngoài mà dự tiệc của người Việt, sẽ thấy lạ lắm bởi có người đến từ đầu buổi rồi chỉ mới ngồi mươi phút, chưa kịp ăn uống gì đã phải đi ngay bởi có cuộc hẹn không thể hủy. Có người ăn nửa bữa đứng dậy để kịp chạy sô đám khác, có người thì nhà chủ ăn nửa bữa hoặc cuối bữa rồi mới thấy đến, chỉ ngồi trà suông vì đã ăn ở nơi khác rồi. Thấy kẻ đến người đi một cách lộn xộn, khách ngoại quốc hết sức kinh ngạc, vì họ vốn dĩ chỉ có hai phương án, hoặc từ chối không đến hoặc đã đến thì sẽ ngồi từ đầu đến cuối. Gia chủ phải giải thích ấy là khách đến ăn kiểu "điểm danh", vì họ quá bận, nhưng nể gia chủ, lại… nể cả đám kia nữa, nên đành chạy sô, chứ không có khả năng từ chối bên nào cả.
Người phương Tây, nếu cảm thấy không tham dự được, không giúp được, thì thế nào cũng lập tức từ chối, thay vì nhận lời cho xong hoặc nói nước đôi. Sự cả nể này chi phối cuộc sống người Việt từ chuyện ăn uống lặt vặt cho tới việc quốc gia đại sự. Trong những bữa tiệc, người ta hay ép rượu, thịt cho nhau. Cả nể quá mà phải ăn, phải uống, dù bụng đã no kễnh lên rồi, dù có không uống được rượu hay đau dạ dày mà phải kiêng rượu. Nhiều người uống xong một lượt rượu mời thì phải chạy vội vô nhà vệ sinh để vào bao nhiêu ra bấy nhiêu, thậm chí có người còn cố tình móc họng cho ra kỳ hết để có thể uống tiếp mà không làm mất lòng người mời rượu. Thưởng rượu mà khổ đến thế là cùng!
Ngại gây mất lòng
Nhiều người gốc Việt xa quê đến nửa đời người, lâu quá nên đâm hơi quên văn hóa Việt. Khi quay lại quê hương để thiết lập quan hệ thương mại, cứ đụng đến dự án gì cũng thấy các đồng hương gật gù bảo "Tốt quá đi chứ, việc này nên hợp tác!" nhưng chờ mãi chỉ thấy lời nói trôi theo gió. Cuối cùng, việc không biết đâu mà lần. Lúc ấy mới chợt nhớ ra tính cách của dân tộc mình. Còn người xứ khác thì chịu không hiểu nổi, đâm ngờ oan, về nước bảo nhau rằng "Không biết người Việt lúc nào nói thật, lúc nào nói giả". Nhiều khi quy cho người Việt tật giả dối, kỳ thực chỉ là thói quen cả nể, ngại gây mất lòng, cho dù dân gian đã tự lên dây cót mà răn mình rằng "Thà mất lòng trước, được lòng sau". Biết là thế mà cũng khó thực hiện được.
Chính vì hay cả nể, coi tình hơn lý nên từ thuở phong kiến đến giờ, vẫn còn tồn tại cái thực tế là "Phép vua thua lệ làng". Luật là một chuyện, lệ là chuyện khác. Cái lệ này còn chằng néo nhiều mối quan hệ chằng chịt khiến ai đã nằm trong cộng đồng ấy đều phải tuân theo nó. Nhiều vụ việc được đưa ra pháp luật, chẳng biết lý gian, tình có gian nốt hay không mà nhân gian thương hại bảo "kẻ ăn ốc, người đổ vỏ". Người đổ vỏ kia nhiều khi chỉ vì cả nể, vì quen biết, vì cớ sự người đã giúp mình từ trước mà đành đoạn không thể từ chối cái việc được nhờ, dù việc ấy là vô lý, là nguy hiểm, hệ lụy đến bản thân, va chạm đến luật pháp, đặc biệt trong việc tiếp nhận nhân sự vào hệ thống nhà nước, rồi giúp nhân sự thăng tiến thần tốc, khi nhân sự ấy có thể là "gửi gắm" của một ai đấy mà phải "cả nể". Sự vỡ lở thì đành ngậm bồ hòn làm vậy.
Nhà nghiên cứu người Pháp Gustave Dumontier (Giám đốc Học chính Trung - Bắc Kỳ; ông đến Hà Nội năm 1886, qua đời năm 1904 tại Việt Nam), trong cuốn "Tiểu luận về dân Bắc Kỳ", đã viết: "Dân An Nam ít tin tưởng vào thể chế pháp lý của mình. Họ biết rõ tầm quan trọng, trong lương tâm người xét xử, bên cạnh lý lẽ rõ ràng, còn có thể có vấn đề họ hàng thân thuộc, thân tình, gửi gắm".
Nên đôi khi chữ "Không" ngắn gọn, giản đơn làm vậy, mà học được cách nói ra từ ấy, nhẽ có thể mất đến cả ngàn năm.
Bình luận (0)