Trong suốt quãng thời gian tôi viết truyện trinh thám, nhiều người thắc mắc tại sao nhà văn Việt Nam ít viết thể loại này. Tôi bảo rằng nhà văn trinh thám cơ bản xuất thân từ một độc giả yêu trinh thám nhưng tỉ lệ người Việt thích đọc trinh thám rất thấp, trong khi số tiểu thuyết gia trinh thám luôn tỉ lệ thuận với lượng độc giả. Ở Việt Nam, một cuốn trinh thám của tác gia nổi tiếng như Stieg Larsson hay Michel Bussi có lượng bán ra vô cùng khiêm tốn so với một tiểu thuyết ngôn tình tầm tầm. Nguyên nhân tại sao người Việt không ưa đọc trinh thám bằng độc giả phương Tây thì rất nhiều. Trong đó có một lý do xác đáng rằng người phương Tây vốn đã quen với tư duy logic, sống mạnh về lý trí và nguyên tắc; luật pháp, lẽ phải và sự công bằng được coi như thượng tôn. Họ duy lý chứ không duy tình.
Văn hóa "thấu tình đạt lý"
Người châu Á nói chung, đặc biệt là người Việt, làm việc gì cũng cần phải có đủ cả lý, cả tình. Mà khổ thay có những điều thuận lý thì mất tình, được tình bớt lý nên "thấu tình đạt lý" là sự không phải lúc nào cũng xuôi. Khi không cân bằng được giữa tình và lý, người ta sẵn sàng lựa chọn: "Trăm cái lý không bằng tí cái tình". Hay đúng hơn là chữ "tình" nhiều khi lấn át cả tính logic, sự công bằng và lẽ phải. Suốt hàng ngàn năm đặt chữ "tình" lên đầu, quen giải quyết mọi việc bằng "tình" cho nhanh, chúng ta bị triệt tiêu luôn cả kỹ năng tư duy logic, khách quan; phân tích, giải quyết vấn đề một cách khoa học.
Nhiều lần tôi tham gia các cuộc thi trong vai trò thành viên ban tổ chức, sản xuất hay thậm chí chấm giải thì thấy mọi cuộc thi đều có điểm chung là không thể bảo đảm tính chính xác 100%. Ban tổ chức và người chấm giải đều cần phải biết đối tượng dự thi là ai để còn… chấm cho chính xác. Sự chính xác ở đây mang tính "thấu tình đạt lý". Những giải thưởng không nên tập trung quá nhiều vào một vùng miền hay một đơn vị, phải phân bổ đều ra cho ai cũng vui vẻ cả. Nhiều thí sinh trượt oan chỉ vì năm ngoái đơn vị của mình, thành phố của mình đã có giải rất to rồi, nên năm nay nhường lại suất đó cho người khác, dù điểm người ta có kém hơn. Hoặc, cùng mùa giải nhưng khu vực đó ẵm quá nhiều giải cao nên san bớt cho địa danh khác chứ "ai lại thế". Chấm chính xác là phải như vậy. Điểm chỉ là để tham khảo, là điều kiện cần chứ chưa phải điều kiện đủ. Khi chấm, người ta cũng để ý đến những bất lợi của thí sinh, như tuổi tác, hoàn cảnh, sức khỏe hoặc tật nguyền để trao cho họ chút giải nhằm khuyến khích, động viên. Ấy là nghĩ đến chữ "tình".
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Có cuộc thi viết, thậm chí ban giám khảo vừa nhìn đến tên nhà văn đã đặt xuống không cần đọc nữa chỉ vì "Anh X bán sách chạy quá rồi, thu nhập best-seller vậy đủ mua nhà lầu, danh tiếng, tiền bạc có thừa cả, cần gì giải thưởng nữa. Nên nhường lại cho người khác". Lúc ấy là ban giám khảo đóng luôn vai trò của ông Bụt trong truyện cổ tích. Ở hiền sẽ gặp lành, người nghèo người tốt sẽ gặp cái kết có hậu, phúc lợi phải được chia đều. Chính vì thế mà các giải thưởng trên mọi lĩnh vực rất hay có chuyện lùm xùm, kiện cáo, nhỏ to, chê bai, giận dỗi. Những lời đồn "mua giải" nhiều khi bị oan, bởi ban giám khảo cũng chả được đồng nào ngoài sự cân nhắc đến chữ "tình". Khổ thế.
Chỉ cần "có tình" là đủ (!?)
Tính công bằng của chúng ta lại được quan niệm theo cách khác: "Mỗi người nên được một chút để ai cũng có phần. Người trẻ thì còn nhiều thời gian chờ đợi, còn sức khỏe để cống hiến. Người già, thời gian chẳng còn bao lâu, nên giải quyết trước cho họ".
Cách giải quyết vấn đề bằng chữ "tình" này lan ra toàn bộ mọi mặt đời sống của người Việt. Đến nỗi, lâu ngày chúng ta chấp nhận nó như một phần tất yếu của cuộc sống và nghĩ việc đương nhiên là phải thế. Không ai còn bất bình với những việc thấu tình nhưng không đạt lý nữa. Chúng ta đã quá quen thuộc với các cơ quan có những những cán bộ mà "ai cũng phải là con của một ai đấy". Nếu chị X là một đồng nghiệp hoặc cấp dưới tốt bụng của ta thì ta càng không thể từ chối nhận con chị ấy được. Mà nếu đã nhận con chị X vào làm thì con anh Y, anh Z cũng nên được suất tương đương, vậy mới là "có lý có tình", mới là "công bằng". Nhận người ngoài vào làm chỉ vì họ có năng lực hơn, lãnh đạo không những vấp phải phản ứng tiêu cực của chị X, anh Y mà có khi còn của cả cơ quan vì ông ta là người vô tình, vô tâm.
Khi ta nắm quyền quyết định cho một sự hệ trọng mang tính lợi ích, ta sẽ trở thành người không tốt nếu lờ đi những mối quan hệ thân quen. Chính vì vậy, cả xã hội bị rơi vào cái mạng nhện khó dứt của lý và tình. Chúng ta cứ quen giải quyết mọi việc rất nhanh bằng chữ "tình", chỉ cần "có tình" là đủ, mọi logic và sự đúng đắn khác đều có thể bị bỏ qua.
Như lẽ đương nhiên
Có lần nọ, tôi đến một đại sứ quán châu Âu để xin visa. Tôi đến muộn, xếp hàng sau gần chục người. Nhìn đồng hồ thì áng chừng hơn một giờ nữa mới đến lượt mình. Nhưng cô nhân viên người Việt của sứ quán gọi đến tên tôi ngay sau đó. Một bác trung niên liền đứng phắt dậy phản ứng: "Tôi đến đã từ lâu, giờ tới lượt tôi chứ". Cô nhân viên dõng dạc:"Vâng, nhưng chị ấy là bạn của đại sứ". Tôi hơi bất ngờ, vì đã sẵn sàng tâm thế để xếp hàng và hoàn toàn không có ý định muốn hưởng sự ưu tiên nào cả. Tuy nhiên, vị khách kia và cả những người khác chả có gì là bất ngờ cả. Ông ta lập tức lùi lại như hiểu ra vấn đề và gật gù: "À à, thế được rồi. Không sao". Đó là vẻ cam chịu đến mức bình thản như đã ăn sâu vào máu của đa số người Việt. Tôi chợt nhận ra rằng nếu là tôi, rất có thể tôi cũng sẽ bình thản và vui vẻ như vậy, vì nghĩ đương nhiên việc phải thế, như một quán tính, một phản xạ có điều kiện.
Bình luận (0)