Đạo diễn Hoàng Nhật Nam
* Phóng viên: Tâm thư của anh không đồng tình với phán quyết của phiên tòa đang thu hút dư luận. Vì sao lại viết tâm thư này?
- Đạo diễn Hoàng Nhật Nam: Đó là vụ án giữa đạo diễn (ĐĐ) Việt Tú và Tuần Châu Hà Nội (TCHN). Tôi là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhưng không một lần nào được tòa án triệp tập theo quy định. Vì vậy, tôi chỉ theo dõi vụ kiện đó từ xa thông qua các kênh thông tin. Sau cùng, tòa lại ra phán quyết vở diễn "Tinh hoa Bắc Bộ" của tôi là tác phẩm phái sinh từ vở diễn "Ngày xưa".
Tôi vô cùng bàng hoàng với kết quả này. Bởi lẽ, theo tình và lý thì phán quyết của tòa đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi tòa kết luận về tác phẩm của tôi nhưng không một lần mời tôi với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Nói rõ hơn, vì tòa vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nên từ khi thụ lý, hòa giải cho đến lúc xét xử thì tôi đều không biết. Do đó, tôi không có cơ hội lên tiếng bảo vệ quan điểm và bảo vệ tác phẩm của mình.
Hình ảnh vở diễn "Ngày xưa" của đạo diễn Việt Tú
Nói rõ thêm, tác phẩm "Tinh hoa Bắc Bộ" đã được Cục Bản quyền tác giả (BQTG) thừa nhận là tác phẩm độc lập. Trước đây, ĐĐ Việt Tú từng gửi đơn yêu cầu Cục BQTG rút lại quyền tác giả của tôi với vở "Tinh hoa Bắc Bộ" nhưng sau đó, cục đã trả lời không có cơ sở để làm việc này vì tác phẩm của tôi hoàn toàn độc lập.
Theo như tôi được biết, phiên tòa ra quyết định "Tinh hoa Bắc Bộ" là tác phẩm phái sinh của "Ngày xưa" dựa vào kết luận của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Là một nghệ sĩ, tôi vô cùng tôn trọng Hội Nghệ sĩ sân khấu nhưng kết luận này tôi thấy vô lý, hội cũng không có chức năng để giám định về nội dung có phái sinh hay không.
Tôi không phải là luật sư, không phải là người làm luật nhưng tôi biết chắc một điều là khi kết luận cái này phái sinh của cái kia thì phải có những giám định rõ ràng do cơ quan có chuyên môn quyết định trên nhiều cơ sở: xem xét cả 2 vở diễn trên kịch bản viết và tại sân khấu một cách kỹ lưỡng, chứ không thể cảm tính được. Cũng như với lỗi vi phạm của cầu thủ, để quyết định có phạt hay không, người ta phải dùng công nghệ Var xem đi xem lại; đâu thể phán quyết "số mệnh" một việc vội vàng và thiếu căn cứ như thế được.
Hình ảnh vở diễn "Tinh hoa Bắc Bộ" của Hoàng Nhật Nam
* Anh cho rằng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam- một tổ chức nghề có uy tín - lại không đưa ra kết quả thuyết phục?
-Đất nước chúng ta có luật pháp rõ ràng nên mọi việc đều phải theo quy định pháp luật. Do đó, việc thẩm định một vấn đề liên quan đến số phận người khác không thể dựa theo cảm tính, nó phải đúng trình tự, thủ tục, đúng cơ quan và phải theo tất cả những cứ liệu chính thức. Ở đây, tôi muốn nói đến 2 kịch bản văn học đã nộp tại Cục BQTG, có con dấu của TCHN, cũng như xem trực tiếp 2 vở diễn, nghe toàn bộ phần âm nhạc, xem từng bộ trang phục… Tất cả những điều này chúng ta đã làm chưa mà kết luận được? Tôi thấy hoàn toàn vô lý.
Khi TCHN gởi lời mời, tôi đã rất đắn đo vì tôi có thể lường trước những áp lực, khó khăn mà mình phải đối mặt. Thế nên, phải hơn 3 tháng, tôi mới chấp nhận lời mời của TCHN là đơn vị đối tác nhiều dự án trước đó của tôi. Khi bắt tay thực hiện, tôi và TCHN cùng các đối tác liên quan chủ động đề nghị cho xem vở diễn "Ngày xưa". Động thái đó là để tôi chắc chắn một điều, những gì người ta làm tôi sẽ không lặp lại. Vì khi làm nghề, tôi xem trọng danh dự hơn là mạng sống của mình.
Hình ảnh trong "Tinh hoa Bắc Bộ"
Một mình tôi làm sao làm được "Tinh hoa Bắc bộ". Đó là sản phẩm của cả một ê kíp lớn, trong đó nhạc sĩ Hồ Hoài Anh làm nhạc, biên đạo John Huy Trần phụ trách phần nhảy múa (chủ yếu là nghệ thuật múa đương đại) cùng với rất nhiều đơn vị khác, từ thiết kế trang phục, đạo cụ đến mỹ thuật, hạ tầng... TCHN đã ký hợp đồng với nhiều nông dân địa phương tham gia vở diễn. Nếu nói rằng tôi sử dụng lại diễn viên nông dân của Việt Tú vào vở diễn khiến tác phẩm của tôi thành tác phẩm phái sinh thì điều này quá đỗi vô lý.
Nói thẳng, việc sử dụng nông dân địa phương thành diễn viên trong vở diễn là ý tưởng của ông Trương Nghệ Mưu trong show "Ấn tượng Lưu Tam Tỷ" ở Quế Sơn - Trung Quốc và một vài vở diễn khác mà tôi cũng từng được xem. Trước khi thực hiện những vở diễn thực cảnh này, chủ đầu tư đã cùng với nhiều đạo diễn ra nước ngoài để xem show, học tập kinh nghiệm. Khi nhận lời mời từ Tuần Châu, tôi được yêu cầu làm vở diễn thực cảnh về Bắc Bộ nhưng tôi thích làm văn hóa mà phải giải trí để thu hút người xem.
*Anh có tự tin với vụ kiện của mình không?
-Tôi rất tự tin vì tôi có đủ căn cứ và biện luận để chứng minh "Tinh hoa Bắc bộ" lả tác phẩm độc lập, không thể nào có oan sai với tôi thêm được nữa.
Hình ảnh trong "Tinh hoa Bắc Bộ"
Hình ảnh của "Ngày xưa"
* Anh mong mỏi gì từ vụ kiện này?
- Là nghệ sĩ, tôi chỉ cần danh dự.
Bình luận (0)