Đánh dấu chặng đường 32 năm cầm máy, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á tiếp tục mang đến công chúng những bức ảnh đầy sức lay động với chủ đề "Tinh thần Việt và cuộc chiến chống đại dịch Covid-19" (NXB Thông Tấn, 2020).
Khám phá giá trị vượt khó
Lật giở từng trang sách ảnh, người xem chắc chắn sẽ bắt gặp chính mình trong những hình ảnh xúc động khi chứng kiến lực lượng tuyến đầu trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vui mừng khi mỗi bệnh nhân được xuất viện.
Ở đó, còn có nhiều hình ảnh ghi lại nỗi xúc động lớn khi cả hệ thống chính trị của cả nước cùng chung tay đẩy lùi dịch Covid-19, từ hành trình khám tầm soát tại khu cách ly, điều trị cho bệnh nhân tại các bệnh viện được khoanh vùng ổ dịch; đến những chốt an ninh giữ gìn an toàn biên giới giữa rừng sâu và tấm lòng nhường cơm sẻ áo của những cơ quan, xí nghiệp, những nhà hảo tâm và các doanh nghiệp.
Tất cả được Nguyễn Á ghi lại với góc máy thiện nghệ, lưu từng cử chỉ, hành động của đội ngũ y - bác sĩ; đặc tả từng ánh mắt, nụ cười của bệnh nhân; từng khoảnh khắc giành giật sự sống của các y - bác sĩ đối với những "chiến binh" trong cuộc chiến khốc liệt chống dịch bệnh.
Đối với anh, bộ ảnh này đặc tả hành trình vượt qua đại dịch Covid-19 của cả nước cùng cả thế giới suốt gần một năm 2020 rất đáng tự hào và ghi nhớ.
Bìa sách ảnh “Tinh thần Việt và cuộc chiến chống đại dịch Covid-19” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á
Người xem sẽ nhận ra tài nghệ của anh trong việc bám chặt tính thời sự; bất kể nguy hiểm cho bản thân, để túc trực suốt hành trình phòng chống dịch Covid-19 của các bệnh viện: Bệnh nhiệt đới trung ương, Bạch Mai, Chợ Rẫy, các bệnh viện dã chiến...
Ống kính Nguyễn Á đã ghi lại đầy đủ cảm xúc về những con người ở tuyến đầu phòng chống dịch đang làm việc ngày đêm ở các khu cách ly tập trung từ Bình Dương, TP HCM, Hà Nội… đến tận Lào Cai; từ các ngả đường tầm soát người liên quan F1, F2… Xúc động nhất là từ các suất ăn được chuẩn bị trong khu cách ly đến những túi gạo, túi quà của "ATM gạo", shop 0 đồng trên đường phố, trong đó có đoạn đường Võ Văn Tần (quận 3, TP HCM), nơi Báo Người Lao Động đặt cây "ATM gạo, thực phẩm" phục vụ người dân nghèo (từ trang 264 đến 268).
Nguyễn Á luôn khai thác triệt để giá trị của sự vượt khó. Để đạt được thành quả và tìm được sự đồng cảm của công chúng qua mỗi chuyến đi, Nguyễn Á đã vất vả, gian lao và có khi đối mặt với tai nạn, hiểm nguy.
Từ "Dấu ấn lịch sử bóng đá Việt Nam", "Đờn ca tài tử - Lời tự tình của dân tộc quê hương", "11 di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO vinh danh", "Nick Vujicic và những ngày ở Việt Nam" đến "Hoàng Sa - Trường Sa, biển đảo Việt Nam"…, Nguyễn Á đều gắn chặt tác nghiệp với ý nghĩa vượt qua bao khó khăn để giữ gìn những giá trị tốt đẹp.
Anh từng chia sẻ: "Mỗi bức ảnh là sự tái thể hiện tất cả những từ ngữ mà tôi đã chọn lựa để nói lên một chủ đề chung mà xã hội quan tâm. Và hết lần này đến lần khác, tôi cứ muốn tái hiện sinh động bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh để lưu lại cho mai sau giá trị của sự vượt khó".
"Tiếng nói có trọng lượng"
Hăng hái trên mọi nẻo đường, 13 quyển sách ảnh, 14 cuộc triển lãm đã là gia tài quý của một đời nghệ sĩ nhiếp ảnh như Nguyễn Á.
Với Nguyễn Á, anh quan niệm nhiếp ảnh là một phương tiện truyền thông với tính chất khác biệt gần như hoàn toàn với những phương tiện truyền thông khác. Mỗi tác phẩm nhiếp ảnh phải đạt được khả năng truyền đạt mọi suy nghĩ và cảm xúc mà không cần một từ ngữ bình luận nào.
Với chủ đề "Tinh thần Việt và cuộc chiến chống đại dịch Covid-19", tác phẩm của Nguyễn Á đã khẳng định xu hướng chung khi hướng những giá trị có cùng thông điệp "tiếng nói có trọng lượng" về tinh thần bất diệt của một quốc gia quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.
Hiểu được thế nào là công cụ nghệ thuật có thể ghi lại hiện thực xã hội trong một thời gian, một sự kiện cụ thể, anh đã gửi gắm vào hàng trăm bức ảnh những cảm xúc thật nhất.
Điều ấn tượng nhất ở tập ảnh này còn là những tâm sự, những mẩu chuyện của người trong cuộc. "Tôi mong mỏi mai sau thế hệ trẻ sẽ đọc, sẽ hiểu và cảm phục những yêu thương từ chuỗi ngày ông cha mình đã chung tay cùng cả thế giới phòng chống đại dịch. Tôi chỉ mong cuộc hành trình bằng hình ảnh này sẽ lan tỏa mạnh, để ống kính của tôi không lẻ loi, tiếp tục dâng trào ý tưởng thực hiện tiếp nhiều dự án nhiếp ảnh mang lại cho tôi sự thanh xuân trong cuộc sống" - nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á tâm sự.
Chưa bao giờ thấy mình lẻ loi
Sáng nay, 12-9, triển lãm ảnh "Tinh thần Việt và cuộc chiến chống đại dịch Covid-19" của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á diễn ra tại Nhà Văn hóa Thanh Niên TP HCM. 400 bức ảnh được chọn từ bộ sách ảnh lần thứ 13 của anh sẽ được trưng bày đến ngày 14-9.
Từ năm 2008, với cuộc triển lãm đầu tiên, đến nay đã ghi dấu 14 cuộc hội ngộ của anh với công chúng yêu nghệ thuật nhiếp ảnh. Anh đã chuyển tải đủ cung bậc tình cảm, dù thuộc đề tài nào cũng đầy ắp những thương yêu. "Tôi tác nghiệp với chiếc máy ảnh nhưng chưa bao giờ thấy mình lẻ loi" - Nguyễn Á bày tỏ cảm xúc.
Tham gia chương trình có các ca sĩ, biên đạo múa biểu diễn những ca khúc, tiết mục viết về tinh thần phòng chống dịch Covid-19: Đức Tuấn, Thiên Kim, Nguyễn Phi Hùng, Hà Chương, Khắc Hưng, Quang Đăng... Giao lưu với anh Hoàng Tuấn Anh - cha đẻ của "ATM gạo", nhạc sĩ Huy Tuấn, nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần, nhà báo Nguyễn Thế Thanh... và một số y - bác sĩ ở tuyến đầu phòng chống dịch bệnh...
Bình luận (0)