Chàng trai trẻ Masanobu Fukuoka đã dành phần đầu sự nghiệp cho việc nghiên cứu và theo đuổi những kỹ thuật hiện đại trong nông nghiệp, cho đến khi sự hoài nghi đẩy anh vào khủng hoảng tinh thần, cuộc đời Masanobu thực sự đã thay đổi. Bỏ lên núi ở liền hàng chục năm để thực hành nông nghiệp tự nhiên, nhà nông học Masanobu Fukuoka đã quay trở lại với cách làm nông nghiệp chữa lành đất đai.
Nhiều bạn đọc cho biết việc đọc "Cuộc cách mạng một cọng rơm" và "Gieo mầm trên sa mạc" (NXB Tổng hợp TP HCM) chính là hạnh ngộ. Dù có thể bạn không bao giờ trở thành một người nông dân giỏi giang, hoặc phần lớn cả cuộc đời bạn sống ở thành phố nhưng bạn sẽ luôn là một người an bình và hạnh phúc khi thấu hiểu được những nguyên tắc để hòa nhập với thiên nhiên.
Con người đã quen với sự tiện lợi của mọi thứ tiện nghi mang lại. Những tri thức khiến cho chúng ta không nghĩ rằng tạo hóa chỉ cho phép mỗi loài được nhận phần dành cho chúng để duy trì một sự sống cân bằng, nếu lạm dụng lập tức sẽ bị trả giá. Bệnh tật chính là lời cảnh báo đầu tiên. Con đường hoàn nguyên của con người chính là sự buông bỏ tất cả những gì chống lại thiên nhiên và trái với thiên nhiên để quay về với thiên nhiên, để con người trở lại là một thành tố của thiên nhiên.
Masanobu Fukuoka chia sẻ quá trình thực hành làm nông tự nhiên bằng lối viết đầy chất thơ và đượm tinh thần thiền. Fukuoka cho rằng cần trả cho đất đai sự sống tự nhiên của nó. Trong cả đời làm nông, Fukuoka không dùng phân hóa học hoặc phân ủ, không làm cỏ bằng việc cày xới hay dùng thuốc diệt cỏ, không phụ thuộc vào bất cứ thứ hóa chất nào, dù sâu bệnh tấn công khiến cây cối héo rũ hoặc thiên nhiên mưa bão khiến công sức trên mảnh ruộng của ông mất hết toàn bộ. Thời gian ban đầu, những người nông dân xung quanh hoài nghi ông, nhưng Masanobu Fukuoka đã miệt mài làm việc trên cánh đồng của mình.
Sau khi đã thành công với lối làm nông tự nhiên, Masanobu Fukuoka viết "Cuộc cách mạng một cọng rơm", "Gieo mầm trên sa mạc" - câu chuyện làm nông nhưng lại mang đậm tính chất triết học, tính nhân văn sâu sắc và đầy thiền định. Qua đó, người đọc không chỉ biết thêm về kiến thức nông nghiệp tự nhiên mà còn được suy ngẫm về chính những thực phẩm đang sử dụng hằng ngày, mối tương quan của nó về những quan hệ xã hội, luật nhân quả.
Hành trình cuộc đời ông, từ khi còn là một nhà nghiên cứu nông nghiệp tuyệt vọng, qua thời chiến tranh loạn lạc khó khăn, cho đến lúc trở thành một lão nông hạnh phúc, đi khắp thế giới để gieo mầm trên sa mạc, chữa lành cho thế giới trong cơn khủng hoảng được trình bày lại toàn bộ trong hai cuốn sách nhỏ này. "Cuộc cách mạng một cọng rơm" và "Gieo mầm trên sa mạc" đã được dịch sang hơn 20 thứ tiếng và bán được hàng triệu bản sách. Fukuoka đã trở thành nhân vật truyền cảm hứng cho cộng đồng trong việc tìm kiếm một lối sống tự nhiên.
Bình luận (0)