Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 23-10, các đại biểu thảo luận tại tổ về Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); Dự án Luật Thi đua - Khen thưởng (sửa đổi). Đáng chú ý, đại biểu Lê Thu Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đề xuất quy định về việc dừng chiếu hoặc rút phép với các tác phẩm điện ảnh có sự tham gia của những nghệ sĩ vi phạm về đạo đức, an ninh chính trị, phát ngôn…
Phạt nặng để răn đe
Ngay lập tức, đề xuất trên trở thành chủ đề nóng trên các diễn đàn, trang mạng về giải trí với ý kiến trái chiều. Nhiều cư dân mạng ủng hộ cho rằng nên áp dụng không chỉ điện ảnh mà cả truyền hình, game show.
Họ bình luận: "Cần phạt nặng như thế để tăng tính răn đe, buộc nghệ sĩ phải nghiêm khắc với bản thân để giữ hình ảnh, làm gương cho người hâm mộ"; "Thời gian qua, nhiều vụ lùm xùm xoay quanh nghệ sĩ khiến khán giả mất niềm tin, việc xử phạt mạnh tay như làng giải trí Hàn Quốc, Trung Quốc sẽ giúp thanh lọc, hạn chế những thành phần vi phạm đạo đức hoặc cố tình nổi tiếng bằng chiêu trò, bê bối"…
Đồng tình với những ý kiến trên, đạo diễn Luk Vân cho biết: "Tôi thấy đề xuất rất hợp lý, văn minh. Thực tế, khán giả hiện nay rất tinh tường và nắm bắt thông tin cũng nhanh chóng. Những nghệ sĩ vướng bê bối lớn thường phải nhận làn sóng tẩy chay từ khán giả nên nếu đã vướng bê bối rồi thì nhà sản xuất thường không dám mời tham gia phim của họ.
Ở các nước có nền điện ảnh phát triển như Hàn Quốc, nghệ sĩ luôn phải giữ hình ảnh, làm gương cho người hâm mộ. Họ vướng phải lùm xùm dù nhỏ như say rượu lái xe vẫn phải viết thư xin lỗi công chúng. Những vi phạm nặng hơn dù về luật pháp hay đạo đức cũng đều khiến sự nghiệp của họ lao đao, thậm chí phải dừng rời hoạt động, rời làng giải trí. Nếu làng giải trí Việt cũng răn đe cao tương tự, nghệ sĩ sẽ phải nâng cao nhận thức, tăng trách nhiệm giữ hình ảnh bản thân".
Theo nữ đạo diễn này, việc nghệ sĩ vi phạm mà bộ phim bị cấm cũng không phải quá gắt gao bởi có thể có thêm quy định về bồi thường chặt chẽ trong hợp đồng giữa nghệ sĩ và nhà làm phim. Lâu nay, trong hợp đồng cũng đều có cam kết buộc nghệ sĩ phải giữ hình ảnh, không vi phạm pháp luật, vi phạm xã hội suốt thời gian tham gia cho đến khi phim ra mắt khán giả.
Nếu đề xuất trên của đại biểu Lê Thu Hà được thông qua, nghệ sĩ sẽ tăng thêm một tầng trách nhiệm và quy định ràng buộc sẽ chặt chẽ thêm ở khoản bồi thường.
Phim “Chú ơi, đừng lấy mẹ con” bị khán giả tẩy chay dẫn đến doanh thu lỗ nặng do bê bối “phim giả tình thật” của hai diễn viên chính Kiều Minh Tuấn và An Nguy. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Trao quyền cho khán giả
Trái với những ý kiến đồng tình nói trên, một số người trong giới cho rằng đề xuất này thiếu công bằng. Họ nhận định phim là tác phẩm tập thể, nhiều người góp công sức tạo ra nên nếu vì một cá nhân mà tác phẩm không ra mắt khán giả hoặc ngừng ra mắt thì quá nặng nề.
"Khán giả quyết định tất cả, hãy trao quyền cho khán giả đánh giá phim và quyết định số phận của nó. Nếu nghệ sĩ vi phạm pháp luật sẽ bị trừng phạt theo quy định nhưng đó là cá nhân của họ gánh chịu hình phạt bản thân gây ra. Họ vi phạm vấn đề đạo đức thì nặng có thể bị cấm diễn, bị hình phạt nào đó theo bộ quy tắc ứng xử nhưng là cá nhân tự chịu trách nhiệm. Chúng ta không nên dừng hoặc rút phép một phim mà nên để khán giả quyết định bởi nếu phim có nghệ sĩ vướng bê bối ra rạp thì ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực về doanh thu, thậm chí thất thu" - đạo diễn Kay Nguyễn nhận định.
Cũng theo đạo diễn này, làng giải trí Hàn Quốc nghiêm khắc, buộc nghệ sĩ phải giữ hình ảnh phần lớn từ quyền lực khán giả. Khán giả tẩy chay thì nhãn hàng không tiếp tục mời hợp tác, nghệ sĩ sẽ bị loại khỏi tác phẩm, tạm dừng mọi hoạt động. Hàn Quốc không ngừng hoặc rút phép tác phẩm của những nghệ sĩ vướng bê bối.
Đồng tình quan điểm này, biên kịch Thanh Hương cho rằng nhà sản xuất đầu tư cho một tác phẩm với con số chục tỉ đồng trở lên. Thời gian hoàn thành một tác phẩm kéo dài có khi nhiều năm như phim "Ròm" đến 7 năm từ tiền kỳ, quay, hậu kỳ rồi chờ đợi thời điểm ra rạp. Trong suốt giai đoạn đó, nếu có một nghệ sĩ của phim vướng bê bối thì đây đâu phải lỗi của cả bộ phim.
"Nền điện ảnh Việt còn non trẻ, chưa thể so sánh với nhiều nước có nền điện ảnh phát triển mạnh trong khu vực và cứ tăng áp lực, tăng rủi ro, mạo hiểm thì càng làm khó nhà sản xuất. Tôi thấy đề xuất này chưa có sự công bằng, cá nhân vi phạm thì chỉ nên trừng phạt cá nhân đó theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật. Phim là sản phẩm tập thể mà không thể bị "chết oan" chỉ vì một cá nhân nghệ sĩ nào đó gây ra trong thời gian phim được quay, chiếu. Nhà sản xuất không thể biết được khi nào thì nghệ sĩ nào sẽ có bê bối để mà phòng ngừa, không mời" - biên kịch Thanh Hương nhận định.
Nhà báo Cát Vũ cho rằng đạo đức là điều mà bất cứ người nào trong xã hội, bất cứ ngành nghề nào cũng cần chứ không phải riêng nghệ sĩ. Trong đó, hình phạt nặng nề nhất với nghệ sĩ là không thể làm nghề và khán giả quay lưng. Vì thế, muốn răn đe, nâng cao trách nhiệm nghệ sĩ trong việc giữ hình ảnh thì chỉ cần đề ra những quy định xử phạt với các vi phạm như cấm diễn có thời hạn hoặc cấm vĩnh viễn…
"Chúng ta nên tuyên truyền cho khán giả minh bạch nghệ sĩ nào vi phạm điều gì và xử phạt cá nhân vi phạm ra sao. Khán giả sẽ quyết định số phận tác phẩm mà các nghệ sĩ đó tham gia khi ra mắt" - nhà báo Cát Vũ nhận định.
Bình luận (0)