"Thành phố nghĩa tình" từ lâu là phương châm. Mô hình phát triển hài hòa là yêu cầu, TP HCM phải đi bằng "đôi chân": kinh tế - văn hóa - xã hội và môi trường nhưng đầu tàu kinh tế quốc gia cũng cần được hài hòa giữa trách nhiệm với việc tạo ra động lực mới.
Soi lại "túi tiền quốc gia"
Số liệu công bố công khai ngân sách nhà nước hằng năm của Bộ Tài chính nổi rõ lên vai trò của TP HCM. Năm 2021: Tổng nguồn thu ngân sách dự kiến trên địa bàn của TP là hơn 365.000 tỉ đồng, chiếm hơn khoảng 32,2% tổng nguồn thu nội địa và khoảng 25% tổng thu ngân sách trên địa bàn của cả nước. Là địa phương có nguồn thu cao nhất, chiếm gần 68,5% của vùng Đông Nam Bộ, cao hơn gần 16 lần nguồn thu của Tây Nguyên (22.900 tỉ đồng/năm) nhưng TP HCM có tỉ lệ điều tiết ngân sách (khoản để lại) thấp nhất, chỉ chiếm 18%. Trong khi đó, các TP trực thuộc trung ương khác là Hà Nội được để lại 35%, Hải Phòng: 78%, Đà Nẵng: 68% và Cần Thơ là 91%.
Trẻ em vui chơi ở khu trung tâm TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM cách đây gần 1 năm, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nay là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã từng phát biểu ủng hộ TP HCM có "chiếc bánh ngân sách" lớn hơn. Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM cho phép áp dụng trong 5 lĩnh vực quản lý đặc thù: Đất đai, đầu tư, tài chính - ngân sách nhà nước, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức và cơ chế ủy quyền cho cấp huyện nhằm tăng tính chủ động, tự quyết và tạo nguồn vốn đầu tư phát triển TP, bước đầu tạo thêm động lực cho đầu tàu kinh tế cả nước. Việc thành lập TP công nghệ, sáng tạo Thủ Đức cũng đang được kỳ vọng tạo ra nguồn lực mới cho TP. Nhưng để đi bằng "đôi chân" của mình, TP HCM vẫn đang cần được tiếp tục tạo ra các động lực mới. Soi lại "túi tiền ngân sách", cũng cần xem xét lại tỉ lệ để lại nguồn thu ít ỏi của TP HCM để giúp TP có thêm nguồn lực từ chính sự đóng góp của mình.
Tìm động lực mới
Trên bình diện chung, với triết lý phát triển "công bằng, bao trùm", người ta thường dành phần quan trọng hỗ trợ xã hội trực tiếp cho người nghèo, mà chưa chú ý đúng mức việc tạo điều kiện cho cả các tầng lớp trung lưu và giàu có hơn có cơ hội để tạo ra động lực hỗ trợ lại nhóm yếu thế.
Vì vậy, việc áp dụng "trách nhiệm điều tiết ngân sách" của những trung tâm động lực kinh tế, tạo ra nguồn lớn như TP HCM là cần thiết để bù đắp thiệt thòi, khuyến khích, động viên nhóm yếu thế vươn lên hay rút ngắn khoảng cách giữa địa bàn khó khăn và địa bàn thuận lợi. Song, "cơ chế trách nhiệm" cũng như cơ chế, chính sách đặc thù như con dao hai lưỡi, nếu làm tốt sẽ phát huy mặt tích cực nhưng bị lạm dụng sẽ tạo ra sức ì, sự ỷ lại, thêm gánh nặng, kìm hãm sự phát triển.
Phát triển kinh tế của TP HCM được xác định trên nền tảng văn hóa, không để mục tiêu kinh tế lấn át hoặc làm xuống cấp văn hóa, thậm chí văn hóa phải đi cùng và được xem ngang hàng với kinh tế trong quá trình phát triển. Nếu chỉ phát triển kinh tế thôi thì mới chỉ "đi một chân", phải "đi bằng hai chân" là phát triển văn hóa song song với kinh tế thì mới bền vững. Nhưng ngược lại, nền tảng văn hóa muốn bền vững cũng rất cần nguồn lực vật chất được tạo ra từ động lực kinh tế.
Triết lý đi trên "đôi chân phát triển" - kinh tế và văn hóa, xã hội và môi trường của TP HCM vẫn đang đứng trước nhiều thách thức nhưng cần được xem là một cơ hội mới để tận dụng tạo ra nguồn vốn, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và đổi mới sáng tạo để đầu tư phát triển TP HCM. Với vai trò là nơi cung cấp gần 1/4 cho "túi tiền" ngân sách quốc gia, TP HCM tạo nguồn thu không chỉ cho TP mà còn vì cả nước. Nếu như sự năng động của TP HCM trong quá khứ và hiện tại, việc khai thác nguồn lực đầu tư là mô hình tốt cho các địa phương khác thì triết lý và mô hình phát triển hài hòa của TP HCM vẫn đang được kỳ vọng là một hình mẫu đáng tham khảo.
Bình luận (0)