Một chiếc máy đĩa nghe nhạc đơn giản, chiếc tai nghe đắt tiền đủ để đáp ứng những yêu cầu chất lượng về âm thanh và khán giả sẽ ngồi để thưởng thức những bản nhạc lạ, hiếm (bởi có khi sẽ chẳng bao giờ được công bố) của các nhạc sĩ. Đó là hình ảnh thú vị của triển lãm âm nhạc "The First Draft: Soul Waves", vừa khai mạc vào tối 17-7 tại quán café Modern Hustle (12 Tôn Đản, TP HCM). Triển lãm này sẽ kéo dài đến ngày 21-7 với kỳ vọng mang đến không gian nghe nhạc mới lạ, tạo nên những cảm xúc mới lạ cho công chúng.
Cảm nhận đầy đủ xúc cảm nguyên sơ
"The First Draft là mô hình triển lãm âm nhạc đầu tiên được tổ chức tại TP HCM với mong muốn đem đến cho người nghe những trải nghiệm âm nhạc mới lạ" - ban tổ chức triển lãm khẳng định. Không gian triển lãm được sắp xếp như các buổi triển lãm nghệ thuật khác nhưng thay vào các tác phẩm nghệ thuật hình ảnh, "The First Draft: Soul Waves" sẽ mang đến cho khán giả những tác phẩm âm nhạc mới nhất chưa từng được công bố của các tác giả trẻ.
Công chúng đến dự trong đêm khai mạc triển lãm âm nhạc "The First Draft: Soul Waves", 17-7
Đúng như tên gọi của chương trình, những bản nhạc nháp đầu tiên - những bản nhạc demo có khi không bao giờ được công bố chính thức trên thị trường âm nhạc - của 10 nghệ sĩ sáng tác vốn được yêu thích trong cộng đồng nhạc indie - Việt Nam, được giới thiệu với công chúng tại triển lãm. Ngoài những gương mặt vốn rất quen thuộc như Phạm Toàn Thắng, Ngọt #band, Trang, Hakoota Dũng Hà, còn có các gương mặt trẻ đầy tài năng như Mademoiselle, Hải Sâm, Kiên, Pink Frog, Phương Duy (The Voice 2018), Minh Nguyệt và Minh Châu.
Các nghệ sĩ đều gửi tới triển lãm những bản thu đầu tiên trong phòng thu vốn thường mang đầy những cảm xúc nguyên sơ và trọn vẹn nhất với hy vọng sẽ kết nối gần hơn với khán giả, giúp người nghe có những cảm nhận đầy đủ và sâu sắc hơn.
Tại triển lãm, Phạm Toàn Thắng - nhạc sĩ đình đám với "Bốn chữ lắm", "Dấu mưa"… - gửi tới triển lãm một sáng tác mới với tựa đề "Mãi yêu" với phong cách rất hiện đại, với nhiều nét chấm phá và vẫn đầy cảm xúc đặc trưng của mình.
Anh để lại lời nhắn với khán giả: "Tôi thích ca khúc này vì đơn giản nó chẳng có câu chuyện và ý nghĩa gì rõ ràng cả, chỉ là những cảm xúc hỗn loạn trong tôi khi cảm thấy rỗng tuếch trong lòng. Nó có thể là mối tình một đêm, là những khao khát yêu hay những huyễn hoặc tự tạo cho mình… Bởi con người đều như thế, cũng khao khát yêu và được yêu".
Ngọt band lại gây bất ngờ khi biến hình với một sáng tác đầy chất rock ma quái với tên gọi "Thắp hương". Không còn bóng dáng của các anh chàng ngọt ngào bay bổng, Ngọt band cho thấy sự đa dạng trong cả phong cách sáng tác và biểu diễn với bản demo (thu thử) mới này.
Ngọt band vốn vẫn được đánh giá cao bởi cách hòa âm phối khí đặc trưng đầy mới lạ và sáng tạo, trong "Thắp hương" bạn vẫn sẽ nhận thấy điều đó, nhưng ở dưới một hình hài rất khác, rất "Đám cưới chuột", đầy bất ngờ và ma quái. Ban nhạc này còn gửi đến triển lãm một bản viết tay trên giấy ăn với chữ "Nam mô a di đà Phật" được viết đầy khắp các mặt như một cách để khẳng định mạnh mẽ hơn cú chuyển mình đầy cảm hứng này.
Hakoota Dũng Hà, sau màn chào sân chính thức với vai trò người viết nhạc tại "Sing my song 2018", tiếp tục khẳng định khả năng với 2 bản demo tại triển lãm. Ngoài "Là thế" - ca khúc đã được giới thiệu trước đó, anh còn mang đến cho triển lãm một bản thu mới "Đêm nay không về" mang hơi hướng nhạc electronic…
Chỉ là cách nghiên cứu thị trường?
Ban tổ chức triển lãm "The First Draft: Soul Waves" khẳng định tự hào khi được kết nối cùng những người trẻ tài năng và hành trình đầy cảm hứng của họ trong những công việc sáng tạo".
Thực ra, hình thức tổ chức một buổi triển lãm âm nhạc kiểu này không lạ trên thế giới. Thậm chí, hình thức tổ chức "nghe nhạc" theo phong cách này cực kỳ thu hút công chúng. Bởi chỉ ở những buổi triển lãm này, công chúng mới được thưởng thức những bản nhạc demo chưa hoặc không bao giờ được công bố trên thế giới.
Ở đó, công chúng có thể đắm chìm trong những bản tình ca đầu tiên của một tác giả - hay không thua, thậm chí hay hơn những bản nhạc nổi tiếng nhưng vì một lý do nào đó, tác giả muốn giữ lại cho riêng mình. Thường ở những buổi triển lãm này, khán giả tìm lại được những tác giả khiến người nghe bị "cuồng" bởi sự sáng tạo không giới hạn của họ nhưng nay, họ đã không còn sáng tác hoặc đã mất…
Nhưng đó là chuyện của những nơi có nền công nghiệp âm nhạc phát triển với vị thế định hướng xu hướng âm nhạc thế giới cùng với tư duy tạo trào lưu nổi bật. Sẽ khập khiễng nếu so sánh triển lãm âm nhạc Việt Nam với thế giới ở mọi góc nhìn: chất lượng tác phẩm, tên tuổi tác giả…
"Điều triển lãm âm nhạc Việt đang "gắng sức" đạt tới không phải là sự kết nối âm nhạc với công chúng mà là cách nghiên cứu thị trường của chính những người sáng tác" - nhận định của giới chuyên môn. Việc để công chúng nghe trước những bản nhạc demo là cách để nhạc sĩ thăm dò người nghe trước khi tung bản nhạc chính thức của mình ra thị trường. Một khát vọng bước ra khỏi thế giới indie (underground) để lên dòng mainstream (ca sĩ biểu diễn trên sân khấu lớn được công chúng biết đến rộng rãi) của nhiều nghệ sĩ.
Điều này không quá bất ngờ khi hoạt động của các nghệ sĩ inide, underground hiện nay không thật nổi bật như xưa. Những địa điểm thưởng thức âm nhạc "chất lừ" quen thuộc trước nay như Acoustic, RFC… nay cũng đã "đổi màu" khi khán giả không còn được nghe nhiều những sáng tác mới mẻ, những sáng tạo độc lạ của ca sĩ underground như trước.
Thay vào đó là những bản cover, các bản hit (ăn khách) trên thị trường âm nhạc với nhiều phong cách biểu diễn khác nhau. So với phiên bản gốc được chăm chút kỹ lưỡng về cả hình ảnh, âm nhạc đầy xu hướng và truyền thông, các bản cover này bị lép vế bởi giọng ca indie vốn đã không xuất sắc so với ca sĩ dòng mainstream.
Băn khoăn giá vé
Hầu hết tác giả trẻ hiện nay đang loay hoay tìm thị trường cho chính mình. Vậy nên, triển lãm âm nhạc chính là kênh để nghệ sĩ tự quảng bá mình. Thế nhưng, giá vé 125.000 đồng (dù không quá cao) để được vào triển lãm, nghe những bản nhạc demo (có khi hay nhưng cũng có khi thật linh tinh) đang trở thành rào cản lớn trong việc thu hút công chúng, nhất là ở thời buổi ca khúc mới xuất hiện mỗi ngày và nhu cầu người nghe chưa quá cao như hiện tại.
Bình luận (0)