Hơn 200 hình ảnh và hiện vật quý đợt 1 của từng giai đoạn phát triển của 3 đơn vị này sẽ được trưng bày, giới thiệu đến công chúng tại nhà hát. Độc đáo nhất sẽ là hình ảnh của Đoàn Cải lương Nam Bộ trên đất Bắc trong những năm 1955-1975.
Từ sau ngày Hiệp định Genève được ký kết năm 1954, đất nước bị chia cắt thì sân khấu cải lương cũng phải tồn tại và hoạt động trong 2 hoàn cảnh khác nhau. NSƯT Ca Lê Hồng nhắc lại sự kiện đặc biệt đáng nhớ cho ngành nghệ thuật cải lương là cuộc tập họp các văn nghệ sĩ miền Nam tập kết ra Bắc để thành lập Đoàn Cải lương Nam Bộ.
Nhà giáo Ưu tú Mạnh Dung và NSƯT Phi Điểu nâng niu một bức ảnh quý sẽ được trưng bày tại Phòng Truyền thống Nhà hát Trần Hữu Trang
"Phải kết nối truyền thống, tìm tòi cải tiến mở ra diện mạo mới, hướng tới văn minh hiện đại, cải cách để tồn tại và phát triển nhưng không làm mất đi đặc trưng tự sự, trữ tình" - NSƯT Ca Lê Hồng cho biết.
Thấm nhuần phương châm và định hướng đó, Đoàn Cải lương Nam Bộ đã ra sức phấn đấu, khắc phục những khó khăn. Lợi thế lớn là Đoàn Cải lương Nam Bộ có được một đội ngũ nghệ sĩ giỏi nghề như: NSND Tám Danh, Ba Du, nghệ sĩ Năm Phỉ, NSND Phùng Há, nghệ sĩ Bảy Nhiêu, NSND Năm Châu, NSND Bảy Nam... Cùng các tên tuổi khác như Ngọc Thạch, Triệu An, Thanh Hương, Hoàng Sa, Ngọc Hùng... và các nghệ sĩ phía Bắc như: Ái Liên, Kim Xuân, Tiêu Lang, nhạc sĩ Ba Bằng (đờn cò), Năm Bá (đàn bầu), Văn Thường (đờn kìm), Hiếu Nam (đàn cello), Cẩm Hiệp (đàn Tam thập lục)... đã dàn dựng biểu diễn nhiều tác phẩm trong phong trào "Tiếng hát át tiếng bom", phục vụ bộ đội ở biên giới.
"Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, các nghệ sĩ này là nòng cốt trong việc xây dựng Nhà hát Trần Hữu Trang và tham gia giảng dạy tại Trường Nghệ thuật Sân khấu, nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM, có thể kể như: Tấn Nghĩa, Ngô Thị Hồng, Hoàng Khanh, Ca Lê Hồng, Thanh Hạp, Lê Thiện, Tú Lệ, Phi Điểu, Thanh Xuân, Thành Ý..." - soạn giả Việt Thường nhắc lại.
Tại triển lãm, khán giả sẽ được xem lại hình ảnh các vở tiêu biểu của Đoàn Cải lương Nam Bộ như "Kiều Nguyệt Nga", "Máu thấm đồng Nọc Nạn", "Võ Thị Sáu", "Thạch Sanh", "Khuất Nguyên", "Tình riêng nghĩa cả", "Nam Kỳ - 40", "Tiếng súng đầu xuân", "Đường phố Sài Gòn dậy lửa"; hình ảnh các nghệ sĩ Đoàn Văn Công Giải phóng từ chiến khu với nhiều vở tuồng, vai diễn và những cuộc hành quân, biểu diễn bên hầm chống bom tại đất thép Củ Chi.
Bình luận (0)