Tác phẩm phong cách siêu thực của họa sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn
Triển lãm giới thiệu 28 bức tranh với phong cách vẽ đầy mê hoặc. Thế giới sáng tạo của Huỳnh Lê Nhật Tấn là hai chiều ngược của tâm thức, giữa thơ và nhạc.
Thơ đến với anh từ khá sớm, trong mỗi bài, qua năm tháng, nó chuyển động dần dần từ các ý tưởng rõ ràng cho đến các bài thơ mang hơi hướng siêu thực.
Hội họa đến với anh muộn hơn, chừng 10 năm trở lại đây, khi anh còn chú trọng nhiều đến việc diễn ý, gởi gắm các tình huống hiện sinh và phi lý thông qua các ký hiệu, biểu hiện. Đến những bức tranh gần đây, vẽ sau thời Covid-19, cũng đã bắt đầu có chất siêu thực.
Dù khác nhau về hình thức biểu hiện, nhưng về tâm thức, đọc thơ của Huỳnh Lê Nhật Tấn làm gợi nhớ đến thi sĩ Nguyễn Lâm (1943-2005), người sớm đưa thơ đến ngưỡng của siêu thực, nơi ý tưởng, âm điệu và ngôn ngữ gần như nhất thể với nhau.
Còn xem tranh thì lại gợi nhớ đến họa sĩ Trần Trung Tín (1933-2008), ông vẽ các tình huống bị chèn ép đến túng quẫn, nhưng vẫn tìm ra một tín hiệu lạc quan nào đó.
Huỳnh Lê Nhật Tấn cho biết: "Mùa Đông 2012, khởi đầu cho chủ đề Vết căn nguyên, tôi vẽ bức tranh mang tên Ngược chiều kéo dài miên man, từng mảng màu ẩm ướt. Ở tâm trạng sầu não, tôi thấy nỗi đau va chạm cuộc đời. Hai khuôn mặt đàn ông, đàn bà hoang dã, con số 6, xoay vòng hoán vị giống nhau, và chúng chỉ là một - biến đổi suy niệm nhiều khía cạnh, có thể tinh thần suy sụp - về tượng dạng thất bại đời sống xã hội biến đổi giới tính. Ý nghĩ càng dày đặc, nó thổi lên mặt phẳng, diễn bày hội họa ngữ ngôn. Đã có vài người chia sẻ. Họ xem, tán thưởng, thấu hiểu, chạm phải tượng hình trong tâm can, sự trùng hợp. Sau đó, tôi quyết thường xuyên khởi điểm vẽ theo sợi dây đó, đi bấp bênh bằng vết màu đen mang dấu chấm [x]. Nghĩa là phải thấu cảm vấn đề nào đó, rồi tìm ra dấu tích xoi mói như đoản khúc, ý thơ siêu hình vậy, đứng trên trục tung, trục hoành, đường thẳng cong vút in trong trí não".
Huỳnh Lê Nhật Tấn sinh năm 1973. Sống và làm việc tại Đà Nẵng. Sau hai tập thơ tự do Men da (2009) và Que than (2017), anh vừa xuất bản tập sách mỹ thuật Vết căn nguyên (tháng 3-2022). Cả thơ và hội họa, Huỳnh Lê Nhật Tấn đều đến bằng con đường tự học và khổ luyện trong nhiều năm liên tục.
Bình luận (0)