Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Quảng (1920-2020), chúng ta không thể không nói đến thành tựu tiêu biểu của ông: Truyện đồng thoại. Ở thể truyện này, ông có 3 tập là "Cái mai" (1967), "Những chiếc áo ấm" (1970) và "Bài học tốt" (1975). Theo GS Phong Lê: "Toàn bộ thế giới đồng thoại của Võ Quảng chứa đựng một triết lý sống, một kinh nghiệm sống thật hồn nhiên mà sâu xa".
Những bài học giáo dục thiết thực, sinh động
Sinh thời, nhà văn Võ Quảng thường hay nhấn mạnh đến vai trò của văn học trong việc giáo dục tâm hồn cho thiếu nhi. Theo ông: "Tâm hồn là một việc ta thường ít chú ý, nhưng chính đó là nơi xuất phát mọi việc làm tốt đẹp và mọi hành động vĩ đại" (Cần những sáng tác tốt hơn nữa cho thiếu nhi). So với nhiều bộ môn khác, văn học có ưu thế là biết tìm ra những từ, những cách nói có khả năng lay động được tâm hồn bạn đọc. Với quan điểm như vậy, ông đã rất dụng công vào việc xây dựng hệ thống bài học giáo dục thiết thực, sinh động, đáp ứng yêu cầu phát triển nhân cách trẻ em.
Một số tuyển tập truyện thiếu nhi của Võ Quảng được xuất bản
Trong sáng tác, ngòi bút Võ Quảng có xu hướng vươn tới khái quát hiện thực đời sống thành một số triết lý có ý nghĩa giáo dục. Đó là một thực tế, hoàn toàn có thể kiểm chứng qua hầu hết thơ văn của ông, nhất là các truyện đồng thoại. Theo Võ Quảng, thể loại này sử dụng hình thức nhân cách hóa loài vật, phản ánh cuộc sống không theo quy luật tả thực. Do đó, "khi thực tế đã được khái quát cao, dễ mang ý nghĩa tượng trưng, mang triết lý sâu xa" (Truyện đồng thoại cho thiếu nhi).
Nội dung triết lý hình thành tự nhiên
Triết lý trong truyện đồng thoại Võ Quảng tồn tại ở cả hai hình thức hữu ngôn và vô ngôn. Ở dạng hữu ngôn, bạn đọc sẽ tìm kiếm từ trong lời thoại của một nhân vật nào đó, thường là nhân vật tích cực. Chẳng hạn, câu nói sau đây là của Ong Thợ nói với anh chàng Cút Lủi lười biếng: "Một lạng thực hành có giá trị bằng nghìn cân dự định" (Anh Cút Lủi). Hay đây là lời Cò Bạch thuyết phục Cóc Tía phải chịu khó quan sát thực tế để tránh hành động viển vông: "Một lần thấy sẽ thuyết phục ta hơn một trăm lần nghe" (Chuyến đi thứ hai)…
Ở dạng vô ngôn, tư tưởng triết lý hoàn toàn ẩn tàng qua các hình tượng của câu chuyện, số phận nhân vật chính. Trong trường hợp này, bạn đọc sẽ dựa trên sự phân tích diễn biến và chung cục số phận nhân vật để luận ra thông điệp mà nhà văn muốn truyền đạt. Ở truyện "Bài học tốt", bạn đọc sẽ bắt gặp một chú Rùa có "cái tính hay ngại", nhờ Ngựa đi hộ nên phải trả giá bằng một tai nạn khiến "mai bị vỡ ra nhiều mảnh". Sau tai nạn ấy, Rùa đã tự rút ra được bài học cho bản thân, không ngừng rèn luyện và "đã thắng trong cuộc thi với Thỏ". Với hình tượng nhân vật này, phải chăng nhà văn muốn chia sẻ với các em về sự cần thiết phải biết chiến thắng bản thân, trước khi có thể thắng bất cứ đối thủ nào khác. Với đồng thoại "Những chiếc áo ấm", ông không đơn giản chỉ nói về lòng trắc ẩn, sự chung tay của các con vật như Nhím, Bọ Ngựa, Ổ Dộc, Ốc Sên… trong việc may áo ấm giúp Thỏ chống lại ngày đông tháng giá. Sâu xa hơn, ông muốn nói về nghệ thuật liên kết, gắn nối các năng lực khác biệt lại với nhau để hiện thực hóa những mục đích tốt đẹp. Theo truyện, mỗi nhân vật chỉ giỏi một việc (Tằm: nhả tơ, Bọ Ngựa: cắt, Ổ Dộc: khâu…) nhưng chúng đã biết kết hợp hài hòa với nhau nên việc may áo cho Thỏ diễn ra thuận lợi. Câu chuyện đã gợi lên được một nhận thức thú vị về hiệu quả của kiểu liên kết hữu cơ, phát huy các năng lực ít nhiều khác biệt. Rõ ràng, tư tưởng này khác hẳn với lối sống thiên về liên kết máy móc, trọng cái giống mình vốn rất phổ biến trong cộng đồng cư dân nông nghiệp truyền thống.
Nhà văn Võ Quảng vốn nổi tiếng là người tinh thông chữ nghĩa, hiểu biết sâu rộng. Vì thế, nội dung triết lý trong các truyện đồng thoại của ông được hình thành một cách tự nhiên, hoàn toàn phù hợp với khả năng tiếp nhận của bạn đọc thiếu nhi. Cố nhiên, không phải mọi triết lý đều được các em lĩnh hội đầy đủ ngay trong quãng đời niên thiếu của mình. Truyện đồng thoại của Võ Quảng, do đó, luôn ngầm hẹn với bạn đọc những cuộc trở về với tuổi thơ để tiếp tục được hưởng niềm vui sống trong từng câu chuyện của nhà văn.
Chuyên tâm sáng tác cho thiếu nhi
Nhà văn Võ Quảng sinh năm 1920, tại làng Thượng Phước, xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc Thành phố Đà Nẵng). Ông bắt đầu nghề văn khá muộn, với tác phẩm đầu tay là tập thơ "Gà mái hoa" (NXB Văn học, 1957). Kể từ đó cho đến ngày mất (15-6-2007), ông chuyên tâm vào việc sáng tác cho thiếu nhi, được thừa nhận là người bộ hành chung thủy của văn học thiếu nhi Việt Nam.
Ông sáng tác đủ thể loại, nổi tiếng với các tác phẩm: "Mời vào", "Ai dậy sớm" (thơ), "Quê nội" (tiểu thuyết), "Những chiếc áo ấm" (truyện đồng thoại)… Ngoài ra, ông còn được đánh giá cao qua các bài tiểu luận phê bình văn học thiếu nhi.
Tác phẩm của ông được giảng dạy trong nhà trường, ngay từ bậc học mầm non.
Đóng góp của ông rất đa dạng, xứng đáng được tôn vinh là đại thụ của văn học thiếu nhi Việt Nam thế kỉ XX.
Bình luận (0)