Ở tập mới nhất của chương trình truyền hình thực tế "Thử thách trốn thoát", thông điệp bảo vệ môi trường đã được lồng ghép vào chương trình thu hút sự chú ý của khán giả.
Lồng ghép giá trị nhân văn
Năm người chơi của "Thử thách trốn thoát" - gồm Tuấn Trần, Hari Won, Trương Quỳnh Anh, Song Luân và Hà Việt Hoàng - nhận được thông điệp "Sống chung với ngập" và trải nghiệm được chiếc lồng kính bão táp. Song Luân cho biết: "Cảm giác ở trong chiếc lồng kính này giống như mình đi ra một hành tinh khác mất hết cây cối, thiếu không khí và bão táp rất nguy hiểm".
Với điều kiện sống khắc nghiệt trong chiếc lồng kính đã giúp mọi người hiểu được tầm quan trọng của cây xanh, nạn chặt phá rừng sẽ khiến môi trường sinh thái bị ảnh hưởng nghiêm trọng. "Thử thách trốn thoát" còn đưa ra những tình huống cảnh báo nguy cơ ô nhiễm môi trường như chiếc "Mặt nạ thời trang" giúp phòng ngừa khí thải, khói bụi, hóa chất độc hại… do chính con người tạo ra.
Chương trình “Thử thách trốn thoát” với thông điệp bảo vệ môi trường, đang thu hút người xem. (Ảnh: TRẦN THANH HUY)
Những thông điệp mà chương trình "Thử thách trốn thoát" gửi đến là nhằm kêu gọi ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng, cùng chung tay xây dựng môi trường sống "xanh - sạch - đẹp", chung tay góp sức để trái đất trở thành ngôi nhà chung của nhân loại.
"Nếu bây giờ chúng ta không biết bảo vệ môi trường thì đời con cháu sẽ sống khổ sở như vậy đó mọi người" - Trương Quỳnh Anh kêu gọi.
Mỗi tập phát sóng của "Thử thách trốn thoát" đều mang đến một thông điệp ý nghĩa. Nếu tập mới nhất là về bảo vệ môi trường thì trước đó là nạn bạo hành trẻ em; ở các tập tiếp theo, người xem sẽ thấy nhiều vấn đề thời sự khác lồng ghép vào các thử thách, chẳng hạn chuyện bạo hành học đường. Tất cả đều là những vấn đề thời sự được công chúng quan tâm.
"Sao nhập ngũ" cũng là một chương trình truyền hình thực tế có sức hút lớn với khán giả truyền hình hiện nay. Sự chú ý đó không chỉ nằm ở tên tuổi người nổi tiếng tham gia mà còn do chương trình đem đến nhiều hình ảnh, câu chuyện nhân văn về sự khó khăn, hết mình của người lính. Nhờ vậy, người xem có cái nhìn thiết thực hơn về đời sống quân đội.
Nhìn chung, không còn quá chú trọng vào các màn tranh cãi, mâu thuẫn để tạo kịch tính, nhiều chương trình truyền hình thực tế đang cố gắng tự nâng tầm bằng việc lồng ghép những giá trị nhân văn, giáo dục, trí tuệ.
Trở lại với quỹ đạo "tử tế"
Không chỉ đơn thuần là một cuộc thi về nhan sắc, với tên gọi "Tôi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam", cuộc thi chú trọng nhiều đến yếu tố trí tuệ bên cạnh nhan sắc của các thí sinh. Sau vòng thi sơ khảo, 70 thí sinh được chọn sẽ tập trung trong 1 tháng để tham gia các hoạt động đồng hành và ghi hình cho chương trình truyền hình thực tế này.
Mười thí sinh có số điểm thấp nhất sau mỗi vòng thi sẽ phải đối mặt với vòng thi "Loại người" trong mỗi tập phát sóng. Đây là phần thi tập trung vào kỹ năng giao tiếp, ứng xử và tiếng Anh. Để tiếp tục được đồng hành, các thí sinh sẽ phải nỗ lực hết mình để giành cơ hội bước tiếp vào vòng trong. Năm thí sinh sẽ bị loại khỏi cuộc thi sau mỗi tập. Sau quá trình thử thách này, chỉ còn 40 thí sinh xuất sắc nhất chính thức vào vòng chung kết.
Ban Tổ chức cuộc thi cho biết "Tôi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam" đang dần hướng đến các tiêu chí tiệm cận với Miss Universe, không chỉ tìm kiếm những cô gái có vẻ đẹp ngoại hình, trí tuệ, truyền cảm hứng mà còn có khả năng đưa hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với thế giới.
Ở "Cơ hội cho ai" - chương trình truyền hình thực tế về việc làm - qua 3 mùa phát sóng không chỉ giúp người lao động tìm được việc mà còn cung cấp cho giới trẻ, người lao động những kỹ năng trả lời phỏng vấn xin việc, xử lý tình huống. Câu chuyện của những thí sinh đi tìm việc cũng có tác dụng truyền cảm hứng. Chương trình còn mang lại ý nghĩa to lớn cho xã hội khi giải quyết câu chuyện việc làm ở giai đoạn tình hình kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch.
Chương trình truyền hình thực tế là một phần không thể thiếu trong danh mục giải trí của khán giả. Đã có thời gian khán giả chán ngán với những kịch bản kệch cỡm, khiên cưỡng mà nhà sản xuất cố tình đưa vào chương trình để câu view. Sự quay lưng của khán giả khiến các chương trình truyền hình thực tế phải trở lại quỹ đạo "tử tế" cần có, thay vì câu kéo người xem bằng chiêu trò.
Bình luận (0)