NSƯT Minh Vương trong vai cụ Nguyễn Sinh Sắc - vở "Tổ quốc cuối con đường"
* Phóng viên: Để nhận vai diễn này, ông đã từ chối tham gia ban giám khảo Liên hoan Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2018 do Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức từ ngày 5-9 tại Long An và TP HCM? Cảm xúc của ông khi quyết định như vậy?
- NSƯT Minh Vương: Đầu tiên là tôi vui mừng vì nhiều năm rồi mới có đạo diễn mời tham dự liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Trong sự nghiệp nghệ thuật của mình, tôi có hai lần tham gia hội diễn (trước đây tên gọi của sân chơi này là Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc – PV) với hai vở "Rạng ngọc Côn Sơn" và "Kẻ ngoại tình". Cả hai đều đoạt HCV.
Lần này đến với liên hoan, tôi không nhắm đến việc đoạt HCV vì luôn muốn dành những vai hay cho đàn em. Tuy nhiên, sau khi đọc kịch bản và thấy nhân vật Nguyễn Sinh Sắc xuất hiện rất ít nhưng là mấu chốt tinh thần của vở diễn, tôi đã nhận lời. Còn việc từ chối tham gia ban giám khảo liên hoan sân khấu năm nay là vì tôi tham gia vở diễn này nên không thể ngồi tự chấm thi cho chính mình. Hơn nữa, tôi bị kẹt chấm thi vòng chung kết xếp hạng của giải Chuông vàng vọng cổ do HTV tổ chức nên không thể phân thân mà nhận nhiều việc.
NSƯT Minh Vương và Tấn Giao trong vở "Tổ quốc cuối con đường"
* Ông nhận xét thế nào về vở diễn "Tổ quốc cuối con đường"? Vai diễn của ông chỉ xuất hiện chưa đến 10 phút, đó là một kỷ lục?
- Vở diễn thể hiện giấc mơ của nhân vật Nguyễn Ái Quốc khi bị giam trong nhà lao tại Hồng Kông trên hành trình bôn ba tìm đường cứu nước. Nhân vật đã gặp lại cha mình và nghe những lời dạy của ông trước niềm khát vọng tìm sự ấm no, độc lập cho dân tộc. Vai diễn chỉ 10 phút là lần đầu tiên tôi thể hiện nhưng đó là 10 phút nhân vật trăn trở cùng vận mệnh đất nước vào thời điểm đó. Niềm khát vọng đủ sức mạnh nội lực được truyền từ lòng yêu nước, thương dân của cụ Nguyễn Sinh Sắc đến con trai của mình...
Tôi thích kịch bản của Nguyễn Thu Hạnh do soạn giả Hoàng Song Việt chuyển thể - một vở diễn viết về lãnh tụ nhưng không khô khan, hô hào tuyên truyền mà đi sâu vào tình cảm của các nhân vật trước vận nước. Lần này, tôi và NSƯT Thanh Điền đã hỗ trợ các diễn viên trẻ của vở như Tấn Giao, Mỹ Hằng, Hải Yến, Tú Quyên, Tấn Phát, Thanh Long…
NSƯT Minh Vương, Thanh Điền, Tấn Giao và diễn viên Tú Quyên sau suất diễn vở "Tổ quốc cuối con đường"
* Sàn diễn cải lương đang cần nhiều kịch bản mới đủ sức lôi kéo khán giả đến rạp. Theo ông, để vở diễn đến với khán giả sau khi tham dự liên hoan thì cần phải làm gì?
- Sau suất diễn này, tối 15-9, vở sẽ diễn thêm một suất nữa để trưa 16-9 dự liên hoan cũng tại rạp Công Nhân. Sau đó, LĐLĐ TP HCM đã tạo điều kiện để vở diễn được đưa đến khán giả công nhân tại khu chế xuất, khu công nghiệp. Một tín hiệu vui khi vở diễn được đưa đến đối tượng khán giả ít có cơ hội đến rạp xem, còn lại các suất diễn của vở vẫn bán vé tại rạp Công Nhân. Để kéo khán giả đến với vở diễn, chúng tôi luôn chú trọng đến yếu tố hấp dẫn, lôi cuốn.
NSƯT Minh Vương và NS Kim Phương trong vở "Tổ quốc cuối con đường"
Bình luận (0)