Nhiều nhà phê bình gọi tiểu thuyết "Từ điển Khazar" (Trần Tiễn Cao Đăng dịch) của nhà văn Milorad Pavic là "tiểu thuyết đầu tiên của thế kỷ XXI" dẫu tác phẩm này được xuất bản từ năm 1984.
"Kỳ thư" của thế kỷ XXI
"Từ điển Khazar" như tên gọi của nó, là cuốn từ điển viết về dân tộc Khazar, được cấu trúc như một từ điển theo thứ tự của bảng chữ cái, là "tiểu thuyết - từ điển gồm 100.000 từ". Chính vì thế, trong mỗi ngôn ngữ khác nhau, người đọc của mỗi bản dịch sẽ có trình tự đọc "Từ điển Khazar" khác nhau như Milorad Pavic từng chia sẻ: "Bản gốc "Từ điển Khazar" in bằng chữ Cyrillic kết thúc bằng đoạn trích tiếng Latin: "sed venit ut illa impleam et confirmem, Mettheus". Bản dịch tiếng Hy Lạp kết thúc bằng câu: "Tôi đã nhận ra ngay rằng có đến ba nỗi sợ trong tôi chứ không chỉ một". Bản tiếng Anh, Do Thái, Tây Ban Nha và Đan Mạch "Từ điển Khazar" kết thúc bằng câu: "Khi người đọc quay trở lại, mọi thứ diễn ra theo thứ tự ngược lại và Tibon tiến hành sửa chữa bản dịch dựa trên ấn tượng khi nghe kẻ khác vừa đi vừa đọc to bản dịch ấy…". Không những thế, vì là "tiểu thuyết - từ điển" nên người đọc có thể chọn mục từ mình muốn đọc, đọc nhảy cóc, đọc xuôi hay đọc ngược, thậm chí "đọc chéo" theo lời khuyên của tác giả mà vẫn không thay đổi nội dung của tác phẩm.
Bìa cuốn tiểu thuyết “Từ điển Khazar” xuất bản tại Việt Nam
Làm được như thế là bởi "Từ điển Khazar" được xây dựng dựa trên cấu trúc mở, với những văn bản phân mảnh và kết hợp lại dựa trên sự chủ quan của độc giả, cũng như những dị biệt của từng ngôn ngữ. Khái niệm về đoạn đầu và đoạn cuối tác phẩm không còn cố định theo nghĩa thông thường nữa mà thay đổi, khiến cho tiểu thuyết này trở thành vòng tròn bất tận, không có đầu và không có kết trong chừng ấy trang sách. Nghĩa là trong cái hạn hữu của vật chất là trang giấy chứa đựng cái vô hạn của câu chuyện.
Cách đọc này cho phép người đọc dự phần nhiều hơn vào một tác phẩm văn học. Thay vì chỉ duy nhất một cách đọc văn bản, tiểu thuyết hậu hiện đại cho phép người đọc được chọn lựa cách thức đọc một tác phẩm hay nói như nhà văn Raymond Queneau là "một truyện kể theo cách riêng của bạn". Bằng cách đó, con đường của tiểu thuyết không còn bó hẹp trong một lối đi mà có hàng ngàn dự phóng khác nhau, gây hứng thú cho cả người đọc lẫn người viết.
Được sinh ra như đứa trẻ
Sức hấp dẫn của "Từ điển Khazar" không chỉ đến từ cấu trúc đặc biệt của nó mà còn bởi câu chuyện hoang đường mà Milorad Pavic kể lại về cách cuốn "Từ điển Khazar" được hình thành qua hàng ngàn năm. Biến tiểu thuyết này thoát khỏi cái kỹ thuật nặng nề, khô cứng mà trở nên bay bổng, đầy thơ mộng bởi sức hấp dẫn của những truyện kể, gợi nhắc đến bộ kỳ thư của nhân loại "Ngàn lẻ một đêm" và Milorad Pavic không khác chi nàng Seherazat, mê hoặc người đi qua từ câu chuyện này đến câu chuyện khác hay ở đây là từ mục từ này qua mục từ khác.
Được cấu tạo từ 3 quyển sách: "sách đỏ", "sách xanh" và "sách vàng" viết bởi 3 tôn giáo khác nhau (Cơ đốc giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo) xung quanh sự kiện được gọi là "luận chiến Khazar". Tại sự kiện lịch sử đó, từng cuốn sách kể lại câu chuyện của mỗi tôn giáo về cách họ thuyết phục quốc vương cho phép dân Khazar cải đạo theo tôn giáo của mình.
Chính ở đây, Milorad Pavic đẩy người đọc tiến xa hơn, không còn tiếp thu văn bản một cách thụ động mà buộc họ phải dự phần vào việc suy luận, tùy theo mỗi độc giả sẽ có một đáp án riêng của mình. Thậm chí, nếu hỏi Milorad Pavic, rốt cuộc người Khazar đã cải đạo nào thì chắc ông cũng lắc đầu nói không biết. Điều này khiến ta nhớ đến tác phẩm "Trong rừng trúc" của Akutagawa Ryunosuke (1892-1927) hay "Cô dâu hay con hổ" của Frank R. Stockton (1834-1902) ở chỗ truyện không chỉ có một kết thúc mà quan trọng người đọc quyết định tin vào lời chứng nào và chọn kết thúc mà mình thấy hài lòng nhất.
Milorad Pavic biến tiểu thuyết trở thành một sinh thể sống động chứ không còn là một văn bản chết của giấy và mực. Như chính ông từng trả lời trong một cuộc phỏng vấn: "Tiểu thuyết được sinh ra hệt như một đứa trẻ". Câu nói này, không chỉ ví von cách nhà văn "thai nghén" ra tác phẩm mà còn ở chỗ "đứa trẻ" đó có một sinh mệnh riêng, những dự phóng riêng vượt ra khỏi tầm kiểm soát của "cha mẹ", những tác giả không có nhiệm vụ quyết định thay độc giả tương lai của tác phẩm.
Tiêu biểu cho văn chương hậu hiện đại
Milorad Pavic sinh năm 1929, nhà văn người Serbia. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông từng được nhiều lần dự đoán là ứng cử viên sáng giá của Serbia cho giải Nobel Văn chương.
Các tiểu thuyết của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng và được các nhà phê bình trên thế giới đánh giá cao bởi những sáng tạo độc đáo, kích thích độc giả. Ngoài "Tiểu thuyết - từ điển gồm 100.000 từ", "Từ điển Khazar", Milorad Pavic còn có các tiểu thuyết độc đáo khác: "Tiểu thuyết ô chữ", "Phong cảnh vẽ bằng trà" (1988); "Tiểu thuyết - đồng hồ cát", "Mặt trong của gió"(1991) và "Tiểu thuyết - bài tarot", "Mối tình cuối ở Constantinople" (1994).
Cũng giống như nhà văn Italo Calvino của Ý hay Jorge Luis Borges của Argentina, ông được xem là nhà văn tiêu biểu cho văn chương hậu hiện đại.
Bình luận (0)