Trong nền cổ nhạc Việt Nam, chưa có bài bản nào biến thành vọng cổ được như "Dạ cổ hoài lang". Bài "Dạ cổ hoài lang" của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1892 - 1976) ra đời cách đây 100 năm. Từ nền tảng của bài bản này, bài vọng cổ ra đời thống lĩnh sân khấu cải lương.
Nhà văn hóa Nam Bộ kỳ tài
Cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu sinh ra ở Nam Bộ. Theo NSND Huỳnh Nga, năm 9 tuổi, vì đói nghèo, cha của ông là cụ Cao Văn Giỏi đã cho ông vào chùa học chữ nho và làm công quả. Sau đó, ông có 4 năm ở Vĩnh Phước, được học đến lớp nhì nên giỏi Việt văn và Pháp văn. Năm 16 tuổi, ông được thụ giáo nghệ thuật từ thầy Lê Tài Khị, người được xem là hậu Tổ cổ nhạc.
Nhạc sĩ Cao Văn Lầu - tác giả bài “Dạ cổ hoài lang” Ảnh: TƯ LIỆU
Qua sự nghiên cứu và tìm hiểu, GS-TS Trần Quang Hải nhận định nhạc sĩ Cao Văn Lầu để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị, như: "Thu phong", "Minh loan thưởng nguyệt", "Chiết hoa", "Oanh vàng", "Bái đường", "Long châu", "Ái cầm", "Chim chiều", "Giọt mưa đêm", "Mai xuân", "Tơ vàng", "Hậu đình lê"… Những tác phẩm này toát lên lòng trung quân ái quốc, đồng thời khái quát rõ nét đời sống văn hóa người dân Nam Bộ qua lời ca, tiếng đờn mà ông gửi gắm vào đó.
Cố GS-TS Trần Văn Khê cũng từng nghiên cứu kỹ bài "Dạ cổ hoài lang", cho rằng: "… Nhờ tánh chất động, chữ xang dằn và già hơn một chút, chữ cống lại non và thấp hơn một chút làm cho cái buồn thêm rũ rượi, cho hơi thêm bay bướm, cho câu ca thêm mượt mà. Nó bao quát cả một vùng văn hóa Nam Bộ".
Theo nhạc sĩ - NSND Thanh Hải, chính trong ca từ đã có sự đa dạng về nhịp, bản chất "động", với một cấu trúc mở, đã khiến từ nhịp 2, dần dần tiến tới nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, rồi nhịp 32, nhịp 64…
"Cha của ông là nghệ nhân thổi kèn, đánh trống nhạc lễ, thầy tuồng cho gánh hát bội nên dễ thấy những ca từ như: "phu tướng", "kiếm sắc", "tin nhạn", "nghĩa tào khang", "én nhạn hiệp đôi"… trong bài "Dạ cổ hoài lang" và cả những ca từ dân dã như "lên đàng", "đừng lợt phai", "trở lại gia đàng"… Đó là ưu thế vừa đậm chất đời dân dã vừa sang trọng mang tính kinh điển" - NSND Đinh Bằng Phi đánh giá.
Tích hợp nghệ thuật kỳ diệu
Với sự tích hợp nghệ thuật kỳ diệu, bài "Dạ cổ hoài lang" có cấu trúc mở, mang sứ mệnh cao quý của một quá trình sáng tạo không ngừng để từ đó các thế hệ nghệ nhân bồi đắp thành bài vọng cổ - được xem là bài bản "vua" của sân khấu cải lương 100 năm qua.
Phân tích chiều sâu của bài bản này, NSND Thanh Hải cho rằng ở đó, cảm hứng nghệ thuật của người nghệ sĩ đã hòa chung với cảm thức của thời đại nên giai điệu, ca từ trong 20 câu hát nói lên tiếng lòng của tác giả, phản ánh niềm khao khát được sống hạnh phúc của người dân.
NSND Ngọc Giàu chính là người có công đưa bài bản này phổ biến đến mọi người khi bà nhờ nhạc sĩ Đức Trí phổ mới, để từ bài phối đó danh ca Hương Lan thể hiện, rồi lan truyền khắp nơi sau một thời gian ngủ yên trong quá khứ.
Nghệ sĩ Ngọc Giàu và Hương Lan ca “Dạ cổ hoài lang” tại chương trình kỷ niệm 90 năm bài bản này được lưu truyền Ảnh: THANH HIỆP
Đến nay, có thể nói "Dạ cổ hoài lang" là danh tác đã sống được tròn một thế kỷ. Nhờ được truyền bá sâu rộng trong học đường nên bất kỳ học sinh bậc nào cũng đều biết và có thể ca: "Từ là từ phu tướng, bảo kiếm sắc phán lên đàng…". Và cú hích sâu rộng nhất, mang tầm ảnh hưởng thời đại là từ sàn diễn kịch nói, chính vở kịch "Dạ cổ hoài lang" của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP HCM ra đời, đã có hàng ngàn suất diễn trong 20 năm qua, tô đậm thêm ý nghĩa của bài hát.
"Vinh dự của ê-kíp chúng tôi là nhờ tính tích hợp kỳ diệu của bài bản "Dạ cổ hoài lang" mà chúng tôi có thêm sáng tạo trong vở diễn. Theo tôi, "Dạ cổ hoài lang" là một tác phẩm kinh điển, có giá trị vĩnh cửu" - đạo diễn vở kịch "Dạ cổ hoài lang", NSƯT Nguyễn Công Ninh khẳng định.
Cố GS-TS Trần Văn Khê từng nhấn mạnh: "Trong nền cổ nhạc Việt Nam, chưa có bài bản nào biến thành vọng cổ được như "Dạ cổ hoài lang". Từ một sáng tác cá nhân đã trở thành sáng tác tập thể, sinh từ đầu thế kỷ, lớn lên sống mạnh khỏe, biến hóa thiên hình vạn trạng".
Ba nghệ sĩ có công quảng bá
Ba người có công lớn nhất trong việc quảng bá giai đoạn chuyển tiếp từ "Dạ cổ hoài lang" nhịp 4 với 20 câu, thành 6 câu vọng cổ nhịp 8, 12 rồi 32, 64 chính là nghệ sĩ Bảo Cao, Lư Hòa Nghĩa (tức Năm Nghĩa - cha của danh hài Bảo Quốc) và NSND "đệ nhất danh ca" Út Trà Ôn. Cụ thể, năm 1924, tăng lên 4 nhịp. Năm 1934 - 1944, tăng lên 8 nhịp. Năm 1945 - 1954, tăng lên 16 nhịp. Năm 1955 - 1964, tăng lên 32 nhịp và từ năm 1965 đến nay, tăng lên 64 nhịp.
Nhớ ơn bài "Dạ cổ hoài lang", ngày nay các thế hệ nghệ sĩ phải cùng nhau giữ gìn, phát huy tài nghệ để làm giàu hơn cho vườn hoa nghệ thuật.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 6-10
Kỳ tới: Khơi dòng cải lương tuồng cổ
Bình luận (0)