Ngày 9-9, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo khoa học "Tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh" nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh của ông (9.9.1872 - 9.9.2022). Hội thảo nhằm tri ân những đóng góp của nhà yêu nước Phan Châu Trinh trên các lĩnh vực, đặc biệt là tư tưởng về canh tân đất nước.
Hiến trọn cuộc đời cho đất nước
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nói rằng Quảng Nam tự hào là mảnh đất sản sinh ra các nhà duy tân với tư duy sáng tạo, đổi mới. Trong đó, tiêu biểu là nhà yêu nước Phan Châu Trinh, lãnh tụ của phong trào Duy Tân - một phong trào yêu nước sôi nổi, rộng khắp cả nước những năm đầu thế kỷ XX.
Hội thảo khoa học “Tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh” quy tụ hơn 200 đại biểu tham dự
Hơn 20 năm hoạt động cứu nước, nhà yêu nước Phan Châu Trinh đã cống hiến trọn cuộc đời cho nhân dân, cho dân tộc, dù bị giam cầm trong lao tù, vất vả lao động kiếm sống nơi đất khách quê người và lúc trở về cõi vĩnh hằng thì trong lòng vẫn mong dân tộc được độc lập, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
"Với tấm lòng yêu nước, thương dân ấy, nhân dân Việt Nam đã ghi tạc hình ảnh nhà yêu nước đi tiên phong trong phong trào canh tân, dân sinh, dân chủ. Ngày nhà yêu nước Phan Châu Trinh qua đời, cả nước để tang. Trong lịch sử Việt Nam từ trước đến lúc ấy, chưa có nhà chí sĩ yêu nước nào được quốc dân đồng bào tổ chức tang lễ trọng thể như vậy" - ông Lê Trí Thanh nhìn nhận.
Trình bày tham luận với chủ đề "Hơn nửa thế kỷ nghiên cứu về Phan Châu Trinh trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử", TS Nguyễn Văn Bảo - Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam - cho biết sau khi Phan Châu Trinh mất, tư tưởng, đường lối cách mạng của ông trở thành chủ đề được giới nghiên cứu quan tâm ở những góc độ khác nhau. Trong 2 năm 1964-1965, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử đã mở diễn đàn rộng rãi thảo luận về Phan Châu Trinh với 22 tham luận được đăng liên tục trên 11 số. Ngỡ rằng các thảo luận về Phan Châu Trinh đã khép lại thì từ năm 1979 đến nay, có thêm 14 tham luận của các nhà nghiên cứu đăng tải trên tạp chí này.
PGS-TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho rằng "chấn dân khí", "khai dân trí", "hậu dân sinh" là 3 thành tố cấu thành học thuyết dân chủ của Phan Châu Trinh, 3 thành tố này đều có quan hệ mật thiết với nhau.
Công việc đầu tiên phải là "chấn dân khí" để xóa đi mặc cảm tự ti của người dân nô lệ, kể cả quan chức, biết ý thức trách nhiệm của mình đối với vận mệnh dân tộc. "Chấn dân khí" thực sự có hiệu quả khi người dân hiểu đầy đủ sứ mệnh của mình thông qua quá trình "khai dân trí" trong môi trường học vấn tiên tiến. "Chấn dân khí" và "khai dân trí" là tiền đề bảo đảm cho công cuộc "hậu dân sinh" nhằm xây dựng cuộc sống mới, xã hội mới.
"Học thuyết dân chủ của Phan Châu Trinh không chỉ là khẩu hiệu dừng lại ở cải cách văn hóa, giáo dục trong hoàn cảnh một nước thuộc địa mà còn là một tuyên ngôn chính trị về một cuộc cách mạng xã hội" - PGS-TS Đỗ Bang phân tích.
Người có tầm nhìn xa
Phân tích luận điểm "Chi bằng học" của cụ Phan Châu Trinh, PGS-TS Trần Mai Ước - Chánh Văn phòng, giảng viên cao cấp Trường ĐH Ngân hàng TP HCM - cho rằng tư tưởng canh tân trong lĩnh vực giáo dục của nhà yêu nước Phan Châu Trinh không những đã tạo nên địa chấn, thức tỉnh, cải cách xã hội, nâng cao dân trí và dân quyền lúc bấy giờ mà những nội dung trong luận điểm ấy vẫn là bài học có giá trị và ý nghĩa đối với Việt Nam hiện nay.
"Đó là đề cao việc học, học là để nâng cao hiểu biết cho nhân dân, chống lối từ chương, nặng về khoa cử, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật… Có thể thấy Phan Châu Trinh là người có tầm nhìn mang tính hiện đại" - PGS-TS Trần Mai Ước đánh giá.
Nghiên cứu về quyền con người trong tư tưởng Phan Châu Trinh, TS Bùi Thanh Xuân - Viện Nghiên cứu Đông Nam Bộ, Trường ĐH Thủ Dầu Một - đúc kết rằng tư tưởng dân chủ, bảo vệ quyền con người của Phan Châu Trinh là ngọn đèn soi sáng, là sự thức tỉnh cho dân tộc ta bước ra khỏi chế độ quân chủ chuyên chế hàng ngàn năm.
"Dù cách ngày nay hơn thế kỷ nhưng giá trị tư tưởng về quyền con người của Phan Châu Trinh vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng được các thế hệ người Việt Nam tiếp thu, phát huy trong quá trình đổi mới, khẳng định giá trị của quyền con người trong cuộc cách mạng và trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước" - TS Bùi Thanh Xuân nêu ý kiến.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - con đường yêu nước, chủ nghĩa yêu nước của cụ Phan Châu Trinh có thể có những ý kiến trái chiều nhưng gần 1 thế kỷ qua, trong lòng người Việt Nam mọi thế hệ đều khẳng định cụ là người yêu nước, thương dân. Ông Dương Trung Quốc cho rằng cụ Phan Châu Trinh là người có tầm nhìn xa, rộng, những tư tưởng đổi mới, tư tưởng "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" vẫn còn giá trị thực tiễn sâu sắc đối với sự phát triển của đất nước hiện nay.
Ông Phan Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam - khẳng định cuộc đời, sự nghiệp và những di sản mà nhà yêu nước Phan Châu Trinh để lại cho chúng ta là những bài học sâu sắc và hết sức thiết thực, đó là tấm lòng suốt đời trọn vẹn vì nước, vì dân, quan điểm Duy Tân về học thuật, chủ nghĩa yêu nước, về vai trò của sĩ phu với thời cuộc…
"Phát huy các giá trị, tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh là việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, nhất là tư tưởng về xây dựng ý chí tự lực, tự cường, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, phát huy ý chí và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại" - ông Phan Việt Cường nhấn mạnh.
Nâng cấp Nhà Lưu niệm cụ Phan Châu Trinh
Ngày 9-9, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lễ dâng hương và thực hiện nghi thức khởi công dự án tu bổ, nâng cấp, mở rộng di tích địa điểm Nhà Lưu niệm cụ Phan Châu Trinh tại quê nhà của ông ở xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Dịp này, tại huyện Phú Ninh cũng diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch, trưng bày triển lãm hình ảnh hiện vật, tài liệu, sách báo liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của nhà yêu nước Phan Châu Trinh.
Bình luận (0)