NS Tuấn Dũng hóa thân vai "Tam bánh giò" rất thành công
"Tam bánh giò" là tên của nhân vật giang hồ trong giới đặt cho Tam - vai diễn mới mà Tuấn Dũng thể hiện. Dù nhỏ con nhưng có võ, biết cách lèo lái để băng nhóm xã hội đen không đụng chạm nhau địa bàn. Thế nhưng lợi dụng sự vắng mặt của Hùng râu, một đại ca lớn hơn Tam, "Gấu Panda" đã cướp địa bàn của Tam, gây nên trận hổn chiến.
Để cứu anh em trong băng nhóm không đổ máu trước sự xâm chiếm này, Tam đã tìm một diễn viên chuyên đóng vai quần chúng tên Dương, có ngoại hình và khuôn mặt rất giống Hùng râu nhằm hù dọa nhóm "Gấu Panda". Không ngờ chính sự vắng mặt quá lâu trên giang hồ của Hùng râu đã khiến sự xuất hiện của Dương khấy động thế giới chuyên buôn bán ma túy, hàng quốc cấm mà cầm đầu lại là "Bố già" khét tiếng độc ác cùng với Ma Ya – một trùm xã hội đen tại Bangkok.
Bô ba: Tuấn Dũng, Di Dương và Lạc Hoàng Long tạo dấu ấn đẹp cho vở kịch "Đại ca mình đi đâu thế?"
Chọn đề tài náo kịch pha một chút hình sự, điều tra, vở diễn tạo được tiếng cười và những phút giây lắng đọng. Đáng mừng là sân khấu kịch Phú Nhuận lần đầu tiên giao hẳn vở kịch tết cho ê kíp diễn viên trẻ nhằm tạo cơ hội để họ tỏa sáng.
Tuấn Dũng với vai diễn duyên dáng, mang lại tiếng cười sâu sắc cũng chính là đồng tác giả với Huỳnh Thiện Trung. Tuấn Anh – anh ruột của Tuấn Dũng – con trai nghệ sĩ Tuấn Tú (đoàn cải lương Huỳnh Long) làm đạo diễn.
Tuấn Anh cũng có một vai diễn khá nặng ký, đó là vai Bố già trong vở kịch này, kẻ cầm đầu các băng nhóm và vẽ nên kịch bản mất tích của Hùng râu, nhằm giúp bà Ma Ya trả thù cho cái chết của con trai mình mà Hùng râu là thủ phạm.
Di Dương hóa thân hai tính cách trong một vai diễn rất độc đáo
Di Dương – cậu học trò của NSƯT Hữu Châu thật sự tỏa sáng trong vở kịch này khi anh một lúc diễn hai tính cách, tâm lý khác nhau với hai gương mặt Hùng râu và Dương. Phong cách diễn xuất tinh tế, chững chạc đã là một dấu son mới trong hành trang nghệ thuật của một diễn viên đi lên bằng sự nỗ lực không ngừng, xứng danh là học trò của một nghệ sĩ gạo cội có nhiều cống hiến cho sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực trẻ của làng kịch nói phía Nam.
Bỏ qua những ồn ào không đáng có, biết cắt đi những đoạn diễn hài có phần quá nhây nhưa, tin chắc vở kịch này sẽ là một vở diễn thu hút đông đảo khán giả trong dịp tết Nguyên Đán Kỷ Hợi. Nơi mà nghệ sĩ Tuấn Dũng đã dồn nhiều tâm trí cùng với anh trai mình tạo thêm một vở kịch của ê kíp diễn viên trẻ đã được đào tạo tại Sân khấu Kịch Phú Nhuận. Có thể nói sau vở "Xóm lũ" của Tuấn Dũng khá thành công trong năm 2018, anh đã chào năm mới bằng một vở kịch mà anh đặt nhiều tâm huyết.
Vở kịch mang lại tiếng cười với sự tung hứng duyên dáng của dàn diễn viên trẻ Kịch Phú Nhuận
NSƯT đạo diễn Trần Minh Ngọc đã nhận xét vở diễn mang lại cái nhìn toàn diện khi các học trò của sân khấu kịch Phú Nhuận đã nỗ lực tạo vị trí cho mình sau quá trình học tập. "Được làm nghề và trải nghiệm là điều đáng quý. Nhưng lại đem sự trải nghiệm đó góp vào kịch mục diễn tết lại đáng khen ngợi. Tôi đánh giá cao nỗ lực của Tuấn Dũng và ê kíp, em nổi tiếng trên thị trường game show và truyền hình thực tế, nhất là dấu ấn của giải Á quân "Cười xuyên Việt" 2016, nhưng khi về với kịch dài em vẫn giữ phong độ, hóa thân rất tài tình, cuốn hút người xem, đó là điều nên gìn giữ" – NSƯT đạo diễn Trần Minh Ngọc đã nhắn nhũ.
Tuấn Dũng và anh trai - đạo diễn Tuấn Anh trong vở kịch "Đại ca mình đi đâu thế?"
Bình luận (0)