Cảm mến Hoạn Thư? Một nhân vật đã biến thành tính từ diễn tả những cơn ghen tuông hay tính ghen người vợ. Nhưng nếu không cảm mến Hoạn Thư hẳn thi sĩ Bùi Giáng đã không ra đề bài này cho học sinh "Trong hai người Thúy Kiều và Hoạn Thư, anh muốn chọn ai làm vợ?" và để giải cái đề bài ấy, chính Bùi Giáng cũng phải "phân vân" chọn lựa để rồi kết luận: "Dù sao ta cũng nên nhớ rằng nếu cần chọn một người tình để mà yêu thì ta nhắm mắt chọn Kiều, nhưng nếu phải chọn một người để cưới làm vợ thì ta nên sáng suốt chọn Hoạn Thư. (Nói thế, kể cũng hơi tếu đấy)".
Tếu táo, cà rỡn mà vẫn sâu sắc, vẫn thành kính đi hết chữ nghĩa Nguyễn Du, vui đùa nhưng lúc nào cũng có thái độ khiêm nhường, độ lượng với cả những nhân vật thường bị xem là phản diện. Chính thái độ đó đã làm cho hai tiếng "luận đề" rơi bớt cái vẻ ngoài đạo mạo, khoa cử để mang dáng vẻ của một công trình phê bình văn học hài hòa, cân bằng. Dẫu Bùi Giáng có phóng ngòi bút của mình ra xa đến đâu đi nữa, có liên hệ với triết học cổ kim, Đông - Tây đến đâu thì nó vẫn nằm trong vòng cương tỏa của những vấn đề mà ông đặt ra.
Bìa sách “Tuyển tập luận đề” của Bùi Giáng
Nhưng Bùi Giáng đặt ra vấn đề gì? Đó là bản ngã của Kiều, là những mâu thuẫn, là giá trị luân lý của "Truyện Kiều"… Qua từng vấn đề đó, ông khai mở cho người đọc bước vào thế giới của "Truyện Kiều", như thể dắt tay ta đi, chỉ từng khung cảnh, nhận mặt từng nhân vật hay nói đúng hơn là đọc lại một tác phẩm kinh điển quen thuộc dưới sự hướng đạo của thi sĩ Bùi Giáng, để phá vỡ hết các định kiến tồn tại trước đó, ngõ hầu nhìn được "bản lai diện mục" của tác phẩm.
Trong "Tuyển tập luận đề" của Bùi Giáng không chỉ nói về Truyện Kiều của Nguyễn Du. Tác phẩm còn bình "Chinh phụ ngâm", thơ Bà Huyện Thanh Quan, truyện thơ Phan Trần, Lục Vân Tiên, Quan Âm Thị Kính. Nhưng riêng phần phân tích "Truyện Kiều" đã chiếm gần nửa dung lượng của tác phẩm, thậm chí khi phê bình các tác phẩm trên, ông cũng thường nhắc Nguyễn Du, nhắc "Truyện Kiều" như một so sánh.
Bùi Giáng không bỏ quên ai trong tác phẩm này. Nhân vật nào cũng có một địa vị nhất định trong lòng ông và bằng những luận cứ rõ ràng, ông thuyết phục ta dừng lại đôi chỗ, ngẫm nghĩ lại đôi điều để thấy rằng trong chữ nghĩa kia ẩn tàng ẩn mật, trong các nhân vật kia không thể dùng những định nghĩa chính diện - phản diện, thiện - ác mà thâu tóm hết bản chất.
Nguyễn Du từng hoài nghi tự vấn hậu thế 300 năm nữa có ai còn khóc cho Tố Như. Nhưng 200 năm sau ngày ông mất, Nguyễn Du không những tìm được người khóc cho ông mà còn có được người cười cùng ông: nụ cười Bùi Giáng, nụ cười thấu hiểu.
Bình luận (0)