Sống ở TP HCM trong đợt dịch Covid-19 thứ 4, hẳn nhiều người đã trải qua tâm trạng lo lắng cho số phận mình và gia đình trước con số các ca dương tính tăng vọt từng ngày.
"Ai ở đâu, ở yên đấy" là hành động được ngành chức năng kêu gọi toàn dân để hợp tác chống dịch. Nhưng với những cây bút luôn đau đáu với số phận con người trong cơn bĩ cực thì khác, họ vẫn lao vào "mặt trận" bằng nhiều cách, dù biết trước rất khó tránh khỏi việc lây nhiễm căn bệnh quái ác này, để có thông tin nóng nhất phục vụ độc giả và phục vụ cả cho công tác chống dịch. Trần Thanh Bình là một trong những cây bút như thế.
Sách “Sài Gòn - Nhật ký cách ly” của Trần Thanh Bình
Thể loại viết nhật ký đã chứng tỏ rất đắc dụng khi Trần Thanh Bình sử dụng để ghi chép lại giai đoạn đặc biệt này của đời sống. Đó cũng là cách khiến người đọc dễ cảm được sức nóng và độ căng thẳng, dồn dập đến nghẹt thở của sự kiện, đúng với cảm giác khi con người ta phải đứng giữa ranh giới mong manh của sống/chết.
Quận Gò Vấp với làng hoa vốn bình yên và sôi động đáng yêu như thế, là nơi gia đình tác giả cư ngụ, bỗng chốc rơi vào tình trạng "nhà cách ly nhà, phố cách ly phố". Rồi đêm 28-5, TP HCM đã phải huy động nhân lực, vật lực khẩn trương xuyên đêm lấy mẫu xét nghiệm cho 50.000 người ở phường 15 của quận này. Mà không chỉ dừng lại đó, từ Gò Vấp, rồi quận 12, các ổ dịch bắt đầu bùng phát dữ dội.
Người TP HCM vốn chịu đựng giỏi với nhiều áp lực của đời sống nhưng có lúc vẫn không kịp nhận ra mình đã ở vào tâm dịch từ lúc nào. Nhưng chính ngay trong tâm dịch ấy, TP HCM đã bộc lộ rõ hơn là một thành phố đầy nội lực và hồn nhiên.
Nội lực không phải chỉ gói gọn trong chuyện là "đầu tàu" của cả nước về tỉ lệ đóng góp cho ngân sách, mà chính là sự đoàn kết, từ sự hào phóng đến hồn nhiên của người dân TP HCM thông qua việc cưu mang nhau, cưu mang cả con em các địa phương khác bị kẹt trong dịch. Tất cả đã tạo nên sức mạnh nội tại, cộng hưởng với sự hỗ trợ từ các nguồn lực khác để vượt qua những ngày tháng khó khăn nhất.
Honoré de Balzac - nhà văn hiện thực Pháp lớn nhất nửa đầu thế kỷ XIX - từng nói: "Nhà văn là người thư ký trung thành của thời đại". Gần 330 trang nhật ký được viết trong cuốn sách này đã cho thấy rõ điều đó. Trần Thanh Bình đã lựa chọn cho mình cách sống trong những ngày tháng bĩ cực nhất bằng việc: "Tôi lẫn vào đồng bào tôi mùa dịch Covid-19".
Bình luận (0)