Tác phẩm hội họa danh tiếng "The scream" của danh họa Na Uy Edvard Munch
Được vẽ năm 1893, "The Scream" không chỉ nổi tiếng thế giới bởi màu sắc và tay nghề của danh họa người Na Uy Edvard Munch mà còn thu hút bởi không ai hiểu một cách rõ ràng thông điệp mà nó chuyển tải.
Rất nhiều lời đồn đoán và giải mã được đưa ra trong suốt 120 năm qua nhưng dường như không có giả thuyết nào đủ sức chinh phục công chúng.
Nhiều người, từ dân thường đến nghệ sĩ, đều muốn tìm hiểu cặn kẽ về bầu trời rực rỡ trên đầu của nhân vật trong tranh. Vào năm 2004, giới thiên văn Mỹ nhận định bầu trời trong tác phẩm của Edvard Munch là phản ánh bầu trời bị bụi đỏ nhuốm màu từ trận phun trào của núi lửa Krakatoa năm 1883 (Indonesia).
Mới đây, kết quả nghiên cứu của giới khoa học đến từ các trường đại học Rutgers-New Brunswick, Oxford và Đại học London được công bố trên bản tin của Hiệp hội Khí tượng Hoa Kỳ có vẻ thuyết phục.
Theo đó, giới khoa học kết luận bầu trời trong bức tranh "Tiếng thét" ánh lên sắc đỏ, vàng là từ những đám mây xà cừ lóng lánh (Nacreous cloud). Mây xà cừ là một dạng mây hiếm, được hình thành ở những khu vực cực kỳ lạnh của tầng bình lưu thấp, ở độ cao 15.000 - 25.000m.
Nhà nghiên cứu bên tác phẩm
Theo miêu tả, mây xà cừ trông giống như những tấm màng mỏng, cuộn lại rồi bung ra, trải rộng khắp rồi bỗng co lại trên bầu trời nhá nhem sáng tối. Trong điều kiện nhiệt độ xuống cực thấp (-78 độ C), các đám mây nhiều dạng khác nhau được hình thành, phân loại theo trạng thái vật lý và thành phần hóa học. Độ cong của bề mặt Trái đất sẽ giúp các đám mây nhận ánh sáng hắt lên từ chân trời và phản xạ lại mặt đất, tạo nên hiện tượng mây xà cừ. Khó để có thể nhìn thấy mây xà cừ vào ban ngày. Chúng thường dễ quan sát hơn vào lúc hoàng hôn hay bình minh.
Các chuyên gia lý giải rằng khi đám mây xuất hiện vào thế kỷ XIX, chúng đang từ trắng đột ngột chuyển sang ráng đỏ đã khiến tác giả và người có mặt ở đó sợ hãi. Gương mặt thất thần cùng với khẩu hình mô tả người chứng kiến đang thét to vì sợ hãi là những gì được tác giả miêu tả trong bức danh họa.
Hiện tượng mây xà cừ
"Những gì mà nhân vật trong bức tranh làm là đặt 2 bàn tay của mình che tai để không nghe thấy tiếng hét của nhiều người khi nhìn thấy hình ảnh kinh hoàng trên bầu trời" - các nhà khoa học lý giải.
Với lý thuyết này, "Tiếng thét" không chỉ là một bức họa mà còn là tài liệu khoa học về hiện tượng đám mây xà cừ hiếm gặp của thiên nhiên.
Bình luận (0)