Nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, sáng 2-2, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức tái hiện sân khấu hóa lễ Nguyên đán thời Nguyễn.
Nguyên đán là một nghi lễ triều hội của triều Nguyễn, tổ chức vào ngày mồng một Tết với nghi thức thiết Đại triều ở điện Thái Hòa và thiết Thường triều ở điện Cần Chánh.
Hình ảnh tái hiện nghi thức Đại triều ở sân Đại triều
Đầu tiên là những nghi thức Đại triều ở sân Đại triều và điện Thái Hòa. Nhà vua xa giá từ điện Cần Chánh, ra Đại Cung Môn và lên điện Thái Hòa để thân hành chứng lễ…Trong buổi lễ, các quan sẽ dâng biểu chúc mừng nhà vua. Các quan truyền chỉ ban ân của vua trong dịp Nguyên đán với các nghi thức trang nghiêm…gắn với các tiết mục Đại nhạc, Tiểu nhạc.
Sau đó, vua rời khỏi điện Thái Hòa về lại điện Cần Chánh để tiếp tục các nghi thức Nguyên đán. Tại đây, các hoàng đệ và hoàng tử nhỏ tuổi, các thân công, hoàng tử sẽ lạy mừng vua. Tiếp đó là phần tuyên chỉ ban yến tiệc và thưởng xuân của nhà vua…
Dàn nhạc trong lễ Nguyên đán
Cuối cùng là các cuộc yến tiệc do vua ban sẽ diễn ra ở điện Cần Chánh và Tả Vu, Hữu Vu, Tả Đãi Lậu Viện, Hữu Đãi Lậu Viện.
Lễ Nguyên đán thời Nguyễn được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tái hiện dưới hình thức sân khấu hóa thực cảnh bằng thủ pháp đồng hiện. Có nghĩa là toàn bộ 2 nội dung của cả 2 lễ đều được dàn dựng tại 1 địa điểm là điện Thái Hòa, vừa phù hợp với thực tế vì không còn điện Cần Chánh vừa phù hợp với việc phục vụ du lịch.
Theo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, tái hiện này không phục dựng, phục hồi lễ Nguyên đán một cách nguyên bản vì nhiều điều kiện không cho phép cũng như không phù hợp yêu cầu thực tế. Vì vậy, yếu tố dẫn chuyện có ý nghĩa vừa nối kết, vừa thuyết minh, diễn giải và dẫn dắt nội dung để định hướng cho người thưởng lãm.
Các quan chầu ở sân chờ dâng biểu chúc mừng nhà vua
Dưới hình thức sân khấu hóa thực cảnh, nghi lễ này được tái hiện nhằm phát huy cả di sản vật thể và phi vật thể, đồng thời giới thiệu về những nét đẹp truyền thống gắn với Tết cung đình thuở xưa, trên hết là tinh thần nhân văn của tiền nhân.
Cần Chánh là ngôi điện dùng làm nơi thường triều của nhà vua trong Tử Cấm Thành. Tại đây, nhà vua tổ chức các buổi lễ thiết triều vào ngày 5,10, 20 và 25 âm lịch hàng tháng. Ngoài ra, Điện còn là nơi vua tiếp các sứ bộ quan trọng, nơi tổ chức các buổi yến tiệc trong dịp khánh hỷ.
Điện Cần Chánh xây dựng năm Gia Long thứ 3 (1804). Đây là ngôi điện có kết cấu gỗ lớn và đẹp nhất trong Tử Cấm Thành.
Điện đặt trên nền đài cao gần 1m, bó vỉa bằng gạch vồ và đá thanh. Diện tích gần 1000m2. Chính điện 5 gian, 2 chái kép, tiền điện 7 gian, 2 chái đơn. Toàn bộ khung gồm 80 chiếc cột bằng gỗ lim. Phần lớn kết cấu gỗ đều được chạm trổ tinh xảo, công phu, thể hiện trình độ kỹ thuật, mỹ thuật cao của kiến trúc truyền thống Việt Nam thế kỷ XIX. Trong Điện, ở gian giữa của nhà chính đặt ngự tọa, hai bên treo hai bức tranh gương thể hiện cảnh đẹp của Kinh đô và bản đồ các tỉnh trong nước. Điện còn là nơi trưng bày nhiều báu vật của triều Nguyễn .
Điện được tu sửa vào các năm 1827, 1850, 1899, vua Khải Định cho sơn thếp mới vào đầu thế kỷ XX.
Điện Cần Chánh bị cháy năm 1947, đến nay kế hoạch phục hồi Điện Cần Chánh đang được thực hiện.
Một số hình ảnh tái hiện lễ Nguyên đán
Quan chầu ở sân
Hình ảnh ở sân điện
Một vị quan dâng biểu
Tái hiện hình ảnh các quan quỳ bái nhà vua
Tấu trình nhà vua
Hình ảnh các vị quan được tái hiện ở lễ Nguyên đán
Lính gác ở lễ Nguyên đán
Các quan xếp hàng ngay ngắn theo phẩm bậc tại lễ
Vị trí vua ngồi ở điện Thái Hòa trong lễ Nguyên đán
Hình ảnh các lính gác được tái hiện ở lễ Nguyên đán
Bình luận (0)