Hưởng ứng tuần lễ "Sách của người làm báo", diễn ra từ ngày 17 đến 22-6, Nhà Xuất bản (NXB) Trẻ tổ chức sự kiện giao lưu "Nhà báo viết sách" vào ngày 18-6 với sự tham gia của 4 nhà báo: Dương Thành Truyền, Nguyễn Khắc Cường, Hồ Huy Sơn và Trung Nghĩa.
Chia sẻ thú vị, chân tình
Sự điêu luyện trong sử dụng ngôn ngữ, trải nghiệm phong phú, cùng với cách quan sát cuộc sống sắc sảo - tất cả tạo nên thế mạnh khi một nhà báo viết sách. Hiện nay có nhiều tác giả là nhà báo tại TP HCM đã viết đa dạng thể loại, từ thơ đến văn xuôi, từ sách cho trẻ em đến người trưởng thành.
Buổi giao lưu “Nhà báo viết sách” diễn ra ngày 18-6 tại Đường sách TP HCM
Nhà báo Dương Thành Truyền bộc bạch: "Các bạn hãy cứ viết sách đi. Hãy viết nhật ký, viết về những gì diễn ra quanh ta, viết về mẹ ta. Hãy ngồi vào bàn và viết, bắt tay vào viết, vì tất cả đều là cuộc sống, tất cả đều đáng được kể lại. Hơn hết, viết còn là một cách để tự học".
Theo nhà báo Dương Thành Truyền, nói đến sách của nhà báo thì cũng có rất nhiều loại sách. Đó có thể là thơ, văn hay là biên khảo. Nếu là sách biên khảo thì nhà báo đã trở thành nhà nghiên cứu, có thể gọi là học giả và đó là một loại lao động khác. Nếu là các tác phẩm báo chí tập hợp lại thành một cuốn sách, đơn thuần vẫn là tác phẩm báo chí.
"Có thể loại chung giữa báo và văn, như nhà báo Hồ Huy Sơn viết tạp văn, nhà báo Trung Nghĩa viết du ký. Nhà báo luôn sống trong thời cuộc, sống giữa dòng chảy thông tin. Các thông tin trở thành chất liệu hoặc khơi gợi cảm xúc cho nhà báo, thúc giục nhà báo viết nên tác phẩm. Thông tin đó có thể là các câu chuyện thời sự, những câu chuyện về cuộc sống, về con người và nhà báo ghi lại những câu chuyện thành sách, để nó có sức sống bền lâu hơn, có đời sống dài hơn một bài báo" - nhà báo Dương Thành Truyền nói thêm.
Nhà báo Hồ Huy Sơn bày tỏ: "Làm nghề báo, tôi được lắng nghe nhiều câu chuyện từ các nguồn thông tin khác nhau, tất cả đều rất thú vị. Nhà báo luôn sống trong thông tin, ngập trong thông tin như thế. Khi làm nghề báo, tôi có cơ hội nhìn vấn đề từ nhiều chiều, nhiều góc độ. Nghề báo giúp chúng ta có cách nhìn cuộc sống một cách không thiên lệch, không định kiến để có thể kể lại câu chuyện một cách đa chiều cho mọi người".
Nhà báo Nguyễn Khắc Cường cho rằng viết báo hay viết sách đều giống nhau ở chữ "viết". Điều quan trọng ở một tác phẩm là phải viết làm sao cho hấp dẫn với người đọc. Các tác phẩm báo chí thường sử dụng ngôn ngữ sự kiện. Từ thực tiễn, nhà báo có chất liệu để tạo nên những câu chuyện điển hình, có tính chất khái quát và chuyên chở một thông điệp lớn hơn, từ đó mà cuốn sách hình thành.
Ở một góc nhìn khác, nhà báo Trung Nghĩa quan tâm đến sách chuyên ngành báo chí - thể loại hiện ở Việt Nam chưa nhiều và những tác phẩm dạng này (ví dụ loạt sách của nhà báo Đỗ Đình Tấn tại NXB Trẻ) là những tư liệu quý cho thế hệ đi sau.
Sách của người làm báo
Có thể nói, buổi giao lưu "Nhà báo viết sách" rất có giá trị với các bạn muốn theo nghề báo, đang làm trong ngành truyền thông - marketing hoặc đơn giản là muốn nghe những chia sẻ thú vị từ trải nghiệm dày dạn của các nhà báo.
Bằng chứng là rất đông bạn đọc đã tham gia buổi giao lưu với nhà báo Lại Văn Long thông qua tác phẩm "Hồ sơ lửa" - bộ tiểu thuyết hình sự nhiều tập nhất Việt Nam được thực hiện trong 30 năm (1992 - 2022), giải thưởng Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống lần thứ IV (2017 - 2020); nhà báo Lê Minh Quốc với tác phẩm "Chào thế giới bây giờ con đã đến" - giải C Giải thưởng Sách quốc gia 2020; nhà báo Bùi Phan Thảo với tác phẩm "Những ngọn khói về trời" Giải thưởng Hội Nhà văn TP HCM 2022, Giải Mai Vàng của Báo Người Lao Động năm 2022 về văn hóa - nghệ thuật; nhà báo Bùi Tiểu Quyên với tác phẩm "Cà Nóng chu du Trường Sa" - Giải thưởng Văn học thiếu nhi - Hội Nhà văn TP HCM 2022, Giải Mai Vàng của Báo Người Lao Động 2022, giải C Giải thưởng Sách quốc gia 2022; nhà báo Hoàng Hải Vân - nguyên Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Thanh Niên - giao lưu với độc giả về cuốn "Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng", xoay quanh những câu chuyện chưa kể về nhà tình báo Đặng Trần Đức (ông Ba Quốc)...
Tuần lễ "Sách của người làm báo" được tổ chức nhằm hưởng ứng việc phát động của Bộ Thông tin và Truyền thông về "Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam", tôn vinh sách, cổ vũ và phát triển phong trào đọc sách trong đội ngũ những người làm báo tại TP HCM, đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo Việt Nam" do Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp phát động đang được các cơ quan báo chí triển khai thực hiện.
Bình luận (0)