Năm 1982, khi tôi đang làm phó đạo diễn cho đạo diễn Xuân Thành trong phim "Hạnh phúc ở quanh đây" (kịch bản: nhà văn Lệ Hằng) tại phim trường nội cảnh của Hãng phim Giải Phóng thì anh Lê Nguyên - biên tập của phim - đưa một thanh niên dáng người tao nhã, cặp kính trắng gọng vàng trí thức trên khuôn mặt góc cạnh quyết đoán mà nụ cười nhè nhẹ lúc nào cũng thấy trên môi, đến gặp và giới thiệu:
- Đây là anh Hồ Quang Minh, Việt kiều Thuỵ Sĩ vừa về nước, đến tham quan đoàn làm phim của hãng ta để tìm hiểu về hoạt động của một hãng phim nói riêng cũng như của ngành điện ảnh Việt Nam nói chung. Cậu giúp anh Minh nhé!
Tôi bắt tay Hồ Quang Minh, ánh mắt anh sáng lên sau cặp kính. Cuộc gặp gỡ làm quen diễn ra khá nhanh chóng nhưng lại mở đầu cho một tình bạn dài lâu với không ít niềm vui, nỗi buồn trải dài theo những bộ phim...
Đạo diễn Hồ Quang Minh và đạo diễn Việt Linh (Ảnh: FLAMINGO CINEMA CLUB)
Lúc ấy, căn nhà cũ kỹ nơi mẹ Minh trú ngụ trên đường Yersin, quận 1, TP HCM trở thành nơi các bạn yêu phim kinh điển phương Tây thường gặp gỡ thưởng thức- bằng phương tiện video vốn hiếm hoi và đặc quyền lúc đó - những kiệt tác của điện ảnh Nhật Bản như: "Rashomon", "Sống"... (của Akira Kurosawa); "Tổng Quản Sanso", "Câu chuyện dưới ánh trăng mờ sau cơn mưa"... (của Kenji Mizoguchi). Có thể nói, lần đầu tiên chúng tôi được thưởng thức những kiệt tác của bậc thầy Yasuhiro Ozu như phim "Chuyến đi Tokyo" cũng như phim của những đạo diễn khác mà chúng tôi không có điều kiện xem vào lúc đó. Tất cả đã được Minh giảng giải cặn kẽ, chi tiết bằng những kiến thức uyên bác và chiều sâu tâm hồn mong muốn chia sẻ, cống hiến cho giới làm phim trong nước những gì anh, chị, em không có điều kiện và cơ hội tiếp cận.
Sau đó, Hồ Quang Minh đã phải rời bục giảng để trở về với công việc chính thức của mình: làm phim. Bấy giờ để ra mắt, chào sân, Hồ Quang Minh bắt tay làm một bộ phim tài liệu ngắn mang tên "Phường tôi" theo gợi ý của nhà biên tập Lê Nguyên, mà chủ đích là giúp chàng nghệ sĩ Việt kiều có cơ hội tiếp cận cuộc sống quanh mình, qua đó nắm bắt lại mạch nguồn dân tộc.
Thời gian này, Minh tiếp tục đi theo đoàn làm phim "Hạnh phúc ở quanh đây" và tình bạn giữa hai chúng tôi càng thêm gắn bó (có lẽ vì tuổi tác không chênh nhau lắm - Minh lớn hơn tôi 2 tuổi, và nhất là được đào tạo trong cùng một hệ thống).
Trong những lần nghỉ ngơi giữa các cảnh quay, tôi hỏi thực sự Minh muốn làm gì? Anh cho biết cái chính anh về Việt Nam là để làm phim truyện với đề tài "chiến tranh Việt Nam". Cụ thể, anh muốn xây dựng một tam bộ khúc (trilogie) về chiến tranh Việt Nam. Rồi Minh hỏi tôi có biết tác phẩm văn học nào thích hợp và xuất sắc về mảng đề tài này không. Tôi nói có, sau đó giới thiệu Minh gặp nhà văn Nguỵ Ngữ với truyện ngắn phản chiến nổi tiếng trong chiến tranh mang tên "Con thú tật nguyền". Sau khi đọc Minh đồng ý và cùng với Nguỵ Ngữ viết kịch bản cùng tên, khi hoàn thành phim có tên "Karma".
Từ đó, Hồ Quang Minh có thêm một người bạn mới thân thiết là nhà văn Nguỵ Ngữ- người cùng với anh thực hiện kịch bản "Bụi hồng" (1996), phần thứ ba của tam bộ khúc về chiến tranh Việt Nam. Mãi đến năm 2004, phần thứ hai của tam bộ khúc mới chính thức hoàn chỉnh với bộ phim "Thời xa vắng" dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Lê Lựu.
Đáng chú ý, suốt trong thời gian bề bộn những dự án nêu trên, Hồ Quang Minh vẫn kịp cho ra đời, vào năm 1991, một tác phẩm ấn tượng khác cũng về đề tài chiến tranh chống nạn diệt chủng ở Campuchia mang tên "Trang giấy trắng". Bộ phim này đã vinh danh tên tuổi Hồ Quang Minh vào hàng những đạo diễn xuất sắc nhất châu Á.
Cũng ở bộ phim "Trang giấy trắng", giữa tôi và Hồ Quang Minh đã xảy ra một câu chuyện khó quên về cách ứng xử trước một vấn nạn tưởng chừng như đã huỷ hoại tất cả những gì mà tình bạn tốt đẹp đã vun đắp nhiều năm trước đó.
Khi bộ phim "Mê Thảo - Thời vang bóng" do tôi và Việt Linh chuyển thể từ tiểu thuyết "Chùa đàn" của nhà văn Nguyễn Tuân hoàn thành và được thông tin trên báo, nhà văn Lê Phương đã phản ứng với Hồ Quang Minh. Bởi lẽ, khi đưa bản chụp photocopy "Chùa đàn" cho Minh đem từ Hà Nội về TP HCM, Lê Phương có nói khi nào Hãng phim Giải Phóng làm phim theo tiểu thuyết này thì Lê Phương sẽ viết kịch bản. Nhưng bấy giờ, người viết là tôi (Phạm Thuỳ Nhân) chớ không phải Lê Phương! Lê Phương giận Minh về sự sai lời giao ước đó! Minh lại quay sang giận tôi vì cho rằng tôi đã qua mặt anh. Từ năm 1986, khi làm phim "Con thú tật nguyền", Minh đã trao cho tôi bản photocopy "Chùa đàn", bảo tôi đọc và cho anh ý kiến vì tôi là phó đạo diễn của anh. Tôi nói truyện này có thể làm nên một phim hay và nêu lên một vài điểm mấu chốt về thẩm mỹ để mang lại cho phim một dung nhan, một nội hàm tư tưởng khác. Sau đó hơn 8 năm không thấy Hồ Quang Minh làm gì, trong khi đạo diễn Việt Linh lại yêu cầu tôi phải viết kịch bản. Để tuân thủ tính pháp lý, tôi yêu cầu Việt Linh và Hãng phim Giải Phóng phải giải quyết vấn đề tác quyền với gia đình cụ Nguyễn Tuân. Sau khi có văn bản chấp thuận của người đại diện gia đình, tôi mới chấp bút viết đề cương gởi sang Paris cho Việt Linh. Nhiêu khê biết chừng nào!
Sau khi bộ phim "Mê Thảo - Thời vang bóng" hoàn thành và tạo được tiếng vang tốt, Minh bị áp lực, phê phán vì đã đưa "Chùa đàn" cho tôi, trong khi vào thời điểm đó, tác phẩm này của Nguyễn Tuân vẫn hãy còn giới hạn phổ biến, ít người biết tới.
Tôi còn nhớ vì giận mà Minh buột miệng mắng tôi là "sans conscience" (vô lương tâm) rồi bỏ đi một mạch. Những gì cần phải giải bày thì đã nói rồi, tôi không nói nữa. Tôi buồn bã nhìn theo Minh lên chiếc xe máy "cào cào" phóng đi mất hút.
Tôi và Hồ Quang Minh "không ngó mặt nhau" cũng được 4 năm kể từ phim "Mê Thảo - Thời vang bóng" đến phim "Trang giấy trắng". Một hôm, khi Hãng phim Giải Phóng chiếu "Trang giấy trắng" cho các nhà mua phim và phê bình xem lấy ý kiến, tôi ngồi bên ngoài khuôn viên uống cà phê một mình thì bất ngờ thấy Minh lái chiếc xe máy "cào cào" phóng ngang qua. Tôi nhìn theo thì thấy Minh không chạy thẳng mà quanh xe lại rồi đến chỗ tôi ngồi. Chuyện gì đây? Tôi không khỏi ngạc nhiên nhìn Minh và bình thản chờ đợi. Minh chống xe rồi tươi cười chào và hỏi tôi có khoẻ không. Tôi cũng tươi cười đáp lại, vừa mời Minh ngồi uống cà phê. Minh không uống cà phê mà uống nước cam như mọi khi. Vậy là cụm từ "sans conscience" không còn tồn tại trong chúng tôi nữa, chúng đã rơi rụng đi đâu rồi!
Sau đó, Minh hỏi tôi có xem phim "Trang giấy trắng" không. Tôi nói có, phim hay nhưng cái kết lại rập theo môtíp "Cuốn theo chiều gió" khi nàng O'hara Scarlet quay về điền trang của mình lúc chiến tranh chấm dứt. Minh cười, gật gù: "Tôi cứ băn khoăn về cái kết nhưng không biết hỏi ai, thấy Nhân tôi chợt nghĩ người đây rồi, thế là vòng xe lại. Bây giờ nghe Nhân nói, tôi biết cần phải làm gì. Cám ơn nhé". Tình bạn của chúng tôi lại hàn gắn nhanh chóng như thế vì chất keo trí thức và sự tôn trọng lẫn nhau!
Thế nhưng, từ đó Hồ Quang Minh và tôi không có cơ hội được gặp nhau nữa cho đến hơn 10 năm sau, khi kịch bản "Mùa dưa" của tôi được Hãng phim Giải Phóng đưa vào sản xuất vào năm 2014. Khi họp hội đồng nghệ thuật của hãng để chọn đạo diễn, tôi giới thiệu Hồ Quang Minh và được tất cả thành viên chấp thuận. Uy tín của Hồ Quang Minh qua những bộ phim mà anh đã thực hiện cho Hãng phim Giải Phóng như: "Con thú tật nguyền", "Bụi hồng", "Thời xa vắng", "Trang giấy trắng"... khiến không ai có thể nghĩ khác!
Thế là đoàn "Mùa dưa" gồm đạo diễn Hồ Quang Minh, biên kịch Phạm Thuỳ Nhân, diễn viên Phương Dung, chủ nhiệm Bùi Đức Tầm lên đường chọn cảnh suốt một dọc miền Nam Trung Bộ, từ Bình Thuận đến Phú Yên. Khi đến quê tôi ở thị trấn Phan Rí Cửa, đoàn dừng lại ăn cơm. Mẹ tôi đã dọn món canh chua cá nục nấu lá me non mà Minh rất ưa thích khi được ăn lần đầu tiên lúc đi chọn cảnh phim "Con thú tật nguyền" cách đó 30 năm (1984).
Mẹ tôi nghe nói Minh sẽ làm đạo diễn phim "Mùa dưa" nên rất vui. Bởi lẽ, đó là những kỷ niệm bà từng trải qua khi còn sống những ngày kháng chiến chống Pháp gian khổ tại Chiến khu Lê Hồng Phong.
Không ngờ, đó là bữa cơm cuối cùng của Hồ Quang Minh với chúng tôi. Và, bộ phim "Mùa dưa" cũng không bao giờ được Minh thực hiện nữa!
Vĩnh biệt!
Tôi được Hồ Quang Minh cho biết trước khi đến với điện ảnh, anh tốt nghiệp kỹ sư vật lý (1972), tiến sĩ khoa học kỹ thuật Trường Bách khoa liên bang Thuỵ Sĩ (1978). Thế nhưng, Minh lại mê điện ảnh nên anh ghi danh vào học tại Viện Điện ảnh Pháp ở Paris (1980) theo một chương trình 2 năm, chủ yếu là xem phim và thực hành làm phim. Do vậy, anh khá nhuần nhuyễn về các công đoạn, quy trình làm thế nào để thực hiện một bộ phim (truyện) từ khâu kịch bản, đạo diễn đến hậu kỳ, phát hành...
Khác với nhiều đạo diễn trẻ cùng trang lứa lúc ấy (33 tuổi), Minh lại rất vững vàng về mặt lý thuyết để có thể "đứng lớp" thuyết giảng về những nền điện ảnh lớn của thế giới như Mỹ, Pháp, Ý, Nhật Bản, Ấn Độ..., kèm theo đó là chiếu minh hoạ những bộ phim kinh điển của các nền điện ảnh này, phần lớn là phương Tây - rất hiếm hoi với giới nghệ sĩ điện ảnh chúng tôi vào thời điểm đó, vốn chỉ được xem phim các nước XHCN như Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên, CHDC Đức, Cuba, Tiệp Khắc...
Bình luận (0)