Nhận được tin ông qua đời, đột ngột quá! Lòng buồn vì mất đi một đồng nghiệp lớn, một tấm gương đối với thế hệ viết mảng văn hóa - nghệ thuật như chúng tôi. Nhớ về ông, có quá nhiều ký ức đẹp, nhiều câu chuyện để kể.
"Người cầm bút phải biết phê bình"
Trong tôi vẫn còn lưu giữ mãi lời dặn dò của ông Đinh Phong lúc mới vào nghề báo, khi được tham dự lớp tập huấn dành cho phóng viên trẻ chuyên viết về văn hóa - nghệ thuật, có ông tham gia hướng dẫn. Ông đọc bài tôi và lắc đầu: "Cậu cứ khen... Người cầm bút phải biết phê bình".
Vài tháng sau, khi loạt bài phóng sự "Vén màn nhung, tá hỏa chuyện hậu trường" dài 5 kỳ của tôi đăng trên Báo Người Lao Động, được trao giải nhì thể loại phóng sự điều tra, gặp tôi, ông vỗ vai động viên: "Thế mới làm báo chứ! Hãy tiếp tục phát huy nhé!".
Nhà báo Đinh Phong. (Ảnh do gia đình cung cấp)
Từ đó về sau, mỗi lần gặp ông ở Hội Nhà báo TP HCM, khi ông là chủ tịch hội, các buổi nói chuyện về nghề, về quá trình tác nghiệp và cả những kỷ niệm khó quên của nghề báo được ông đúc kết thành những bài học quý. Cứ gặp các phóng viên trẻ là ông trao truyền, đầy nhiệt huyết mang gam màu tích cực.
Ông Đinh Phong là nhà báo năng nổ, đa năng từng kinh qua các mảng như nông nghiệp, kinh tế, bưu điện, công thương rồi sang quay phim, làm truyền hình, giảng dạy, công tác hội nhà báo... Đặc biệt, trong một thời gian dài được phân công theo dõi, viết tin - bài về ngành bưu điện, ông đã có nhiều bài viết về những người làm công tác giao liên thời kháng chiến chống Mỹ. Ông đã từng in tuyển tập các bài báo viết về giai đoạn này và quyển sách "Như là huyền thoại" trở thành những tư liệu tham khảo giá trị về nghề báo trên chiến trường mà các thế hệ làm báo trẻ sau này được học.
Ông kể sau khi học hết trung học phổ thông, ông xin về Báo Nhân Dân tập sự. Công việc ban đầu của ông chỉ là đọc bản thảo, bản in thử. Năm 1957, ông được học lớp báo chí. Ông may mắn được học với nhiều người thầy tên tuổi như Thép Mới, Hoàng Tùng, Xuân Thủy... Những ngày đầu làm báo, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, ông lấy bút danh là Chiến Phong với ý nghĩa là "ngọn gió chiến đấu". Khi về Quảng Ninh làm phóng viên thường trú, ông có tình cảm với người con gái họ Đinh nhưng cuộc tình thời trai trẻ không thành. Ông ghép tên mình với họ người con gái đó thành bút danh Đinh Phong.
Năm 1958, ông trở thành phóng viên Báo Nhân Dân, được phân công theo dõi, viết tin - bài về ngành bưu điện.
Kỷ niệm đáng nhớ trong nghề báo của ông là năm 1962, ông viết bài phóng sự "Mỗi ngày đường sắt tiến về Nam một cây số" với kỷ niệm được chụp ảnh Bác Hồ ngồi trên đầu máy tàu hỏa. Sau đó, ông xung phong vào miền Nam công tác, viết nhiều bài về những người làm giao liên hoạt động trên đường Trường Sơn và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Bài ca cổ "Dệt chặng đường xuân" của tác giả Anh Động ra đời cũng lấy chất liệu từ các bài báo của ông nên mới có những câu hát: "Giao liên cực lắm nhưng vui, chiều sang Tân Định, sáng rời Ϲô Tô. Ѕoi trăng nước bạc Ba Hồ, đêm vượt Ϲái Lớn, ngàу vô Vĩnh Bình...".
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, ông được gặp và viết về những giao liên làm nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội chủ lực từ ngoại ô tiến vào Sài Gòn.
Nhà báo Đinh Phong từng kể rằng thời làm báo của ông chỉ với chiếc máy ảnh, không có nhiều phương tiện như ngày nay. Vì thế, tất cả phải được luyện bằng "tinh thần thép", để trí nhớ trợ giúp mình viết nên nhiều phóng sự. Còn viết văn hóa nghệ thuật phải biết khen - chê đúng chỗ.
"Cha đẻ" của những chương trình nổi tiếng
Giai đoạn ông về làm Phó Giám đốc Đài Truyền hình TP HCM (HTV), mang tư duy của người làm báo, ông luôn tìm tòi cái mới, chính ông là "cha đẻ" của những chương trình tạo được hiệu ứng xã hội lớn: "Tiếng hát truyền hình", "Giải đua xe đạp cúp truyền hình", "Bản tin truyền hình", "Dưới ánh đèn sân khấu", "Vầng trăng cổ nhạc"... Tất cả những chương trình đó đã làm nên "thương hiệu" của HTV. "Chính ông đã mở lối cho hát bội xuất hiện thường xuyên trên màn ảnh nhỏ, để tôi có dịp nói về những nét cơ bản nhất của bộ môn này trong các chương trình thường thức về nghệ thuật truyền thống" - NSND Đinh Bằng Phi nói trong niềm xúc động.
Những điều trăn trở
Với gần 60 năm gắn bó với nghề, nhà báo Đinh Phong luôn nhìn nhận thế hệ trẻ ngày nay làm báo sướng hơn thời của ông: Môi trường đào tạo chuyên nghiệp, các phương tiện truyền thông hiện đại, nắm bắt tin tức nhanh nhạy. Điều ông trăn trở chính là nhiều phóng viên thiếu vốn sống thực tế và không dám phê bình cái xấu, dễ thỏa hiệp để "yên thân".
Khi trở thành Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM, ông tham gia giảng dạy báo chí ở một số trường đại học tại TP HCM cũng là muốn góp phần đào tạo đội ngũ làm báo trẻ.
Hơn 3 năm qua, căn bệnh tai biến mạch máu não khiến ông tiều tụy, không tự đi lại được, mọi sinh hoạt của ông đều do bàn tay người bạn đời chu toàn. Tuy vậy, mỗi lần gặp, ông vẫn kể về nghề viết báo. Những câu chuyện ông kể cứ nhẹ nhàng và bình dị, khiến tôi càng kính trọng một tấm gương sáng đã tận tụy, cống hiến không mệt mỏi cho nghề báo. Tôi nhớ hoài cái nắm tay của ông trong ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam gần đây, ông mong mỏi thế hệ viết báo hôm nay hãy nuôi dưỡng được ngọn lửa đam mê và biết dấn thân để góp phần làm đẹp cho đời.
Vĩnh biệt ông, người gieo mầm cho những ước mơ làm báo tử tế!
Nhà báo Đinh Phong tên thật Nguyễn Văn Túc, sinh năm 1938, quê quán: Thừa Thiên - Huế, đã từ trần lúc 8 giờ 45 phút ngày 17-9 (tức mùng 1 tháng 8 năm Canh Tý), hưởng thọ 83 tuổi. Linh cữu quàn tại Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP HCM. Lễ viếng từ 9 giờ ngày 18-9. Lễ động quan lúc 8 giờ ngày 20-9. An táng tại Nghĩa trang Thành Phố (huyện Củ Chi, TP HCM).
Các chức vụ kinh qua: Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM, nguyên Phó Giám đốc Đài Truyền hình TP HCM.
Huân chương Độc lập hạng ba, Huân chương Lao động hạng ba, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
Bình luận (0)