Nhà văn Vũ Tú Nam tên thật là Vũ Tiến Nam, sinh ngày 5-10-1929, quê ở Nam Định, là em ruột của nhà thơ Vũ Cao, tác giả bài thơ "Núi đôi" nổi tiếng, vừa mất ngày 9-9-2020 tại Hà Nội.
Gắn bó với cái nguồn "nhân dân"
Hành trình trở thành nhà văn của Vũ Tú Nam bắt đầu từ năm 1947 khi vào bộ đội, ông công tác tại Báo Chiến sĩ (Liên khu IV), Quân đội nhân dân, Văn nghệ quân đội. Từ 1959 đến 1995, ông lần lượt làm Thư ký Tòa soạn Báo Văn học, Văn nghệ, Giám đốc NXB Tác phẩm mới, Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam (khóa IV), Đại biểu Quốc hội (khóa IX) và Ủy viên BCH Hội Nhà văn từ khóa I đến khóa IV.
Dù đóng vai trò quản lý, tập hợp và phát triển đội ngũ viết văn trong cả nước nhưng ông vẫn dành nhiều tâm huyết cho sáng tác văn học. Ông sở trường ở nhiều lĩnh vực, chẳng hạn về lý luận phê bình, ông có tập "Đọc một số truyện ngắn gần đây" (1961), tuyển thơ dịch "Có và không có" (2003); với thơ, ông đã in các tập "Hoa lá trong vườn" (2007), "Túc tắc" (2009) nhưng công chúng hâm mộ ông vẫn là mảng văn xuôi. "Bên đường 12" là tập truyện đầu tay của ông in năm 1950, được Giải nhất văn xuôi Trại Văn nghệ Lam Sơn (Liên khu IV). Sau đó, ông tiếp tục có tập truyện "Sống với thời gian hai chiều" (1983), "Mùa xuân và tiếng chim" (1985)…
Theo nhà nghiên cứu văn học Trần Hữu Tá, truyện ngắn "Sống với thời gian hai chiều" lần đầu tiên in trên Báo Văn nghệ số 16 (17-4-1982) tạo nên dư luận một thời cũng là dấu ấn độc đáo và phong cách tiêu biểu của nhà văn Vũ Tú Nam: "Qua câu chuyện có vẻ riêng tư: chuyến về làng sau hơn 20 năm xa quê với nhiều tâm trạng ngổn ngang phiền muộn của ông An - một cán bộ già sắp đến tuổi nghỉ hưu, Vũ Tú Nam như muốn nói với người đọc: để giải quyết những chuyện phức tạp, không vui của đời sống, phải trở về gắn bó với cái nguồn "nhân dân" trong sáng, cao đẹp, rất giàu năng lượng tinh thần - một nhân dân "không biết có tuổi già"; vừa tiêu biểu cho tầng tầng lớp lớp văn hóa truyền thống vừa tiêu biểu cho sức mạnh của đạo lý cách mạng hiện đại". Câu chuyện của ông An không lỗi thời, vẫn còn ý nghĩa nhân văn mà tác giả đã gửi gắm.
Nhà văn Vũ Tú Nam Ảnh: Tư Liệu
"Thế là Văn Ngan thoát tội"
Theo thời gian, có thể người ta quên đi tác phẩm này, kia âu cũng là lẽ thường tình đối với bất kỳ nhà văn nào. Thế nhưng theo tôi, dấu ấn của tác phẩm "Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công" có sức sống còn bền lắm. Đây chính là tập sách tạo nên tên tuổi ông và cũng dẫn đến cho ông nhiều phiền toái. Dù viết cho thiếu nhi nhưng lúc bấy giờ đã có ý kiến trái chiều, đến bây giờ nhìn lại, ta có thể nhìn thấy dấu vết ấu trĩ của phê bình văn học một thời.
Năm 1962, tác phẩm "Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công" của Vũ Tú Nam in trên Báo Văn nghệ. Đó là câu chuyện của chàng Ngan biết bay một tí, biết chạy một tí, biết bơi một tí, biết hát ồ ề một tí, tức là cái gì cũng biết nhưng chỉ mới biết đầu cua tai nheo, không đâu vào đâu nhưng làm việc gì cũng dối trá vì thế thất bại là lẽ đương nhiên.
Sau khi sách in ra, có ý kiến trái chiều về nội dung, phàn nàn nọ kia và cũng có thể dẫn diễn suy diễn này nọ rất nặng nề. Sau đó, Viện Văn học có tổ chức hội thảo về tác phẩm này, nhà phê bình Hoài Thanh chủ trì. Có người nặng lời rằng tác giả có thành kiến với con ngan là do… không thích xơi thịt ngan; có người còn quả quyết xây dựng hình tượng con ngan ấm ớ như thế là… "phá hoại chính sách chăn nuôi"; lại có người "trầm trọng hóa vấn đề" là viết cho trẻ em thì không nên xây dựng nhân vật tiêu cực, không khéo chúng bắt chước Văn Ngan và Văn Ngỗng… Trước nhiều ý kiến khác nhau, tác giả có lời "nói lại", sau đó nhà phê bình Hoài Thanh kết luận một cách nhẹ nhàng.
Qua những việc này, nhà văn Vũ Tú Nam có viết lá thư gửi cho một số cán bộ lãnh đạo. Rất may, bấy giờ, đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đọc tác phẩm này, ông bảo: "Truyện của Vũ Tú Nam viết có ích, trẻ con hay người lớn đều đọc được". Chưa hết, trong một cuộc họp với giới báo chí, ông Thanh có nói với tờ báo đã viết bài phê phán "Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công" là không nên viết tiếp nữa. Nhờ vậy, mọi việc mới xuôi chèo mát mái. Khi kể lại chuyện này, nhà văn Vũ Tú Nam thở phào nhẹ nhõm: "Thế là Văn Ngan thoát tội".
Về tác phẩm này, NXB Kim Đồng in lần đầu tiên vào năm 1963, đến năm 1986 mới tái bản với số lượng 81.000 bản! Sau đó, còn tái bản nhiều lần nữa. Đặc biệt đã dịch ra tiếng Nga, có điều dịch giả không rành con cốc (một loài chim bắt cá) nên dịch ra… con cóc; và họa sĩ Nga đã vẽ minh họa con cóc bé tẹo đang dìm gã Ngỗng Kều xuống hồ!
Từ tác phẩm "Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công", giới văn nghệ yêu thương đặt cho nhà văn Vũ Tú Nam biệt danh "Văn Ngan tướng công". Ngoài tài năng sáng tác, ông còn là vị lãnh đạo văn nghệ sống có tình, tốt bụng, có tấm lòng tốt đối với anh em sáng tác nhiều thế hệ...
Gia đình nghệ sĩ hiếm hoi
Nhà văn Vũ Tú Nam cùng quê với nhạc sĩ Văn Cao, ở Nam Định; bố ông đậu tú tài, cũng làm thơ. Có lẽ ở Việt Nam ít có gia đình nào có ba anh em trai đều là những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như gia đình nhà văn Vũ Tú Nam. Nhà thơ Vũ Cao với bài thơ "Núi đôi" sống mãi trong lòng bạn đọc, nhà văn Vũ Tú Nam và nhà thơ Vũ Ngọc Bình chuyên làm thơ cho thiếu nhi. Vợ nhà văn Vũ Tú Nam là nhà văn - nhà báo Thanh Hương, nguyên Tổng Biên tập Báo Phụ Nữ Việt Nam.
Vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam có hai người con: Vũ Huy, sinh năm 1955 là NSƯT, họa sĩ thiết kế điện ảnh hàng đầu; Vũ Hương Giang hiện là dịch giả.
Ông bà tặng tôi ba cuốn sách đã xuất bản: "Trước trang giấy trắng", "Hồi ức tình yêu qua những lá thư" và cuốn "Là tôi, Hà Anh" (do chính siêu mẫu Hà Anh, cháu nội nhà văn viết).
Tôi đọc "Hồi ức tình yêu..." của Thanh Hương - Vũ Tú Nam và tự bảo mình rằng có lẽ ít có ai ở xứ ta đem xuất bản những bức thư tình riêng tư như thế. Đọc kỹ, tôi mới hay không chỉ là chuyện tình yêu đôi lứa, tình yêu vợ chồng mà trong đó chính là tấm lòng, trách nhiệm, cách thức... nuôi dạy các con của hai vợ chồng nhà văn qua những thăng trầm của cuộc sống, rất sinh động và có sức thuyết phục không phải chỉ cho một thời...
Dương Kỳ Anh
Bình luận (0)