Ông được giới sân khấu cải lương đặt tên là "ông hoàng sân khấu" với đúng nghĩa: ca hay, diễn giỏi, phong thái đĩnh đạc của một ngôi sao lớn và trên hết là tình yêu nghệ thuật thật và đẹp.
Nhớ ông Bảy Đờn "Người ven đô"
Cách đây không lâu, khi tôi đến thăm tác giả Minh Khoa, cha đẻ của tác phẩm sân khấu "Người ven đô", ông đã khen ngợi cặp đôi nghệ sĩ thượng thặng đã làm nên sức hút mãnh liệt cho vở diễn cách mạng trên sân khấu Đoàn Cải lương Sài Gòn 1, đó là "đệ nhất danh ca" Út Trà Ôn và "ông hoàng sân khấu" Thành Được. Hai nhân vật: Bảy Đờn (Thành Được) và Tám Khỏe (Út Trà Ôn) là điển hình cho nhân dân xứ sở 18 thôn vườn trầu (huyện Hóc Môn, TP HCM hiện nay) bảo vệ các chiến sĩ cách mạng.
Vở diễn "Người ven đô" đã khắc vào lòng những khán giả mê sân khấu cải lương dấu ấn khó phai về câu chuyện thấm đẫm tình người, tình yêu quê hương, đất nước xoay quanh việc vợ chồng ông Bảy Đờn, ông Tám Khỏe đã chịu đựng nhiều đau xót trong đời mình để bảo vệ ông Sáu Hộ - nhân vật có ảnh hưởng lớn đến chiến công của bộ đội ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
“Ông hoàng sân khấu” Thành Được và “sầu nữ” Út Bạch Lan. (Ảnh: TƯ LIỆU)
Tác giả Minh Khoa đánh giá cao sự sáng tạo của đội ngũ diễn viên đoàn Sài Gòn 1 giai đoạn sau ngày đất nước thống nhất. Nhân vật Bảy Đờn qua tài năng diễn xuất của nghệ sĩ Thành Được khi bị móc mù mắt để "làm gương" cho dân làng vì tội chống Mỹ, ông đã diễn rất ấn tượng.
Cho tới nay, nhắc đến tác phẩm nổi tiếng này, khán giả vẫn không quên hình tượng nhân vật Bảy Đờn khi đã mù vẫn dõng dạc chỉ thẳng mặt quân thù nói những lời tâm nguyện thay cho nhân dân xứ 18 thôn vườn trầu, hướng về những chiến công của bộ đội Cụ Hồ.
Trước đó, cũng trên sân khấu Sài Gòn 1, nghệ sĩ Thành Được đã diễn thành công vai Trương Định trong vở "Bình Tây đại nguyên soái" của tác giả - NSND Nguyễn Thành Châu, tạo thêm dấu son trong lòng khán giả về một nhân vật sử Việt oai hùng.
Cả 2 tác phẩm này đều được Hội Sân khấu TP HCM đề cử trong danh sách xét tặng Giải thưởng Tác phẩm sân khấu tiêu biểu TP HCM (1975 - 2025) hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Một kép hát đào hoa
Năm 2009, khi tôi sang Mỹ đã được một người bạn đưa đến nhà hàng của nghệ sĩ Thành Được tại San Jose, bang California để thăm ông. Lúc đó ông còn khỏe, trong cuộc trò chuyện ngắn với buổi cơm thân mật, ông đã kể lại nhiều kỷ niệm khó quên về quãng đời nghệ thuật tại quê nhà. Đối với ông, những vai diễn đều được gửi gắm ít nhiều tâm sự của người nghệ sĩ, vì thế ông không diễn mà hóa thân, vì trong mỗi tính cách nhân vật đều có một phần đời đầy chông gai, gian khó của đời nghệ sĩ.
Gọi ông là kép hát đào hoa hay "ông hoàng sân khấu" đều chỉ là những ngôn từ tô điểm cho sứ mệnh mà ông đeo đuổi, đó là làm đẹp cho đời qua thánh đường sân khấu. Tôi nhớ ông ví von nếu có thật một Lĩnh Nam ngoài đời trong câu chuyện "Sân khấu về khuya" của NSND Nguyễn Thành Châu thì đó chính là ông - cũng tài hoa, cũng từng làm bầu, cũng có vợ là đào chánh - "sầu nữ" Út Bạch Lan và cũng gãy đổ hôn nhân. Ông yêu thích nhân vật Lĩnh Nam ở chỗ biết nhìn ra cái sai và quay lại với Giáng Hương để làm lại sự nghiệp.
Ông cho rằng chính nghệ thuật được nhân sinh hóa trong từng tác phẩm của NSND Nguyễn Thành Châu đã cho ông kim chỉ nam để làm nghề từ khi có được cơ may học hỏi ở người thầy này. Ông kính trọng và xem khuynh hướng sáng tác của thầy với tiêu chí "Thật và Đẹp" là lối đi không chỉ cho riêng ông mà cho cả các đồng nghiệp. Sau ngày đất nước thống nhất, ông đầu quân về Đoàn Cải lương Sài Gòn 1, tại đây còn có NSND Nguyễn Thành Châu, NSND Phùng Há, NSND Ba Vân…Những chuyến lưu diễn phục vụ người dân vùng quê, các vai diễn thành danh của ông cũng hình thành trong khoảng thời gian này.
Nghệ sĩ Tú Trinh - nghệ sĩ trong nước duy nhất có mặt trong chương trình giã từ sân khấu của nghệ sĩ Thành Được tại Mỹ năm 2010 - đã kể: "Lúc đó ông xúc động khi mời tôi lên sân khấu phát biểu. Ông nắm chặt tay tôi và nói nhỏ: "Anh Hai không ngờ em đến tham dự chương trình của anh Hai". Rồi tôi nhắc về những kỷ niệm của ông với sàn diễn cải lương mà cho tới thời điểm hiện nay không ai diễn qua các nhân vật: Thi Đằng (vở "Tiếng hạc trong trăng"), Tùng ("Nửa đời hương phấn"), Võ Minh Thành ("Đời cô Lựu"), Tô Điền Sơn ("Khi hoa anh đào nở")…" - nghệ sĩ Tú Trinh xúc động nhắc lại.
Điều khiến các nghệ sĩ sân khấu bất ngờ hơn khi "sầu nữ" Út Bạch Lan sang Mỹ du lịch năm 2010, ông và bà đã hội ngộ tại nhà hàng của ông, họ cùng ca diễn với các đồng nghiệp trích đoạn "Nửa đời hương phấn", đó là lần cuối cùng khán giả được gặp Tùng và Hương trên sân khấu.
"Không ai có thể ngờ, ông ra đi ngay trong ngày giỗ lần thứ 7 của "sầu nữ" - người vợ một thời ông yêu thương, cả hai đã tạo nên nhiều mối tình đẹp trên sân khấu cải lương. Cả hai là tấm gương lao động nghệ thuật nghiêm túc, khao khát sáng tạo cho thế hệ trẻ" - soạn giả Hoàng Song Việt bày tỏ.
Bình luận (0)