NSND Bạch Tuyết và NSƯT Thoại Mỹ trong chương trình vinh danh các nữ nghệ sĩ thành công với những vai diễn để đời trên sân khấu cải lương
Dư âm của vở cải lương "Tiếng trống Mê Linh" được gia đình NSƯT Bảo Quốc thực hiện nhân kỷ niệm 64 năm ngày thành lập thương hiệu Thanh Minh, Thanh Nga vẫn được khán giả yêu sân khấu và học sinh, sinh viên bình luận sôi nổi. NSND Bạch Tuyết đã khen ngợi các nghệ sĩ thế hệ kế thừa của giải HCV Trần Hữu Trang như: Thanh Hằng, Thanh Thanh Tâm, Phương Hồng Thủy, Ngọc Huyền, Thoại Mỹ, Vân Hà, Cẩm Thu… đã thể hiện xuất sắc các vai diễn anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm. Đó là những nhân vật: Hai Bà Trưng, Triệu Thị Trinh, Bùi Thị Xuân, Dương Vân Nga, Ỷ Lan, Thánh Thiên, Lê Chân, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Thị Định… những vai diễn là chất liệu sống động để các soạn giả sáng tác kịch bản cải lương.
Học sinh, sinh viên chúc mừng NSƯT Thoại Mỹ
"Công chúng vẫn nhớ tài năng của cố nghệ sĩ ưu tú Thanh Nga khi chị diễn vai Thái hậu Dương Vân Nga. Đứng ở góc độ so sánh giữa chị và thế hệ trẻ sẽ rất khập khiễng. Vì hào quang của cố nghệ sĩ Thanh Nga với vai Trưng Trắc quá lớn. Thế nhưng, xét về mặt nỗ lực của các nữ diễn viên đã từng thể hiện thành công vai Trưng Trắc, sẽ thấy họ đã có nhiều sáng tạo mới xứng đáng là hậu bối của NSƯT Thanh Nga" – NSND Bạch Tuyết khen tặng các nữ nghệ sĩ trẻ.
NSƯT Thanh Ngân vai Thái hậu Dương Vân Nga
Đầu tiên phải kể đến sự xuất hiện thật bản lĩnh của nghệ sĩ Thanh Hằng khi đạo diễn Việt Hùng tái dựng vở "Tiếng trống Mê Linh" (tác giả Vĩnh Điền) năm 1997 trên màn ảnh nhỏ HTV. Thời đó, NS Thanh Hằng đã tạc được ấn tượng bên cạnh một Thi Sách do NSƯT Thanh Tuấn thể hiện. Chất lãng tử hào phóng trong ca diễn của NSƯT Thanh Tuấn là điểm tựa để NS Thanh Hằng tạc vào tâm trí khán giả một Trưng Trắc gần gũi, mộc mạc.
NSND Bạch Tuyết trình bày chủ đề ca ngợi tấm gương nữ anh hùng lịch sử tại Trường PTTH Nguyễn Hiền, quận 7, TP HCM trong chương trình 100 năm sân khấu cải lương
"Từng ánh mắt, cử chỉ, sự nén lòng trước cơn đau thắt khi hay tin chồng bị giặc bắt đã thể hiện nỗi niềm của một người phụ nữ chịu nhiều gian truân trong đường đời mà từ đời sống của chính mình, Thanh Hằng đã đưa vào nhân vật sự chịu thương, chịu khó, vượt qua thử thách để bám lấy nghề" – NSƯT Thanh Tuấn khen ngợi.
NS Cẩm Thu và Tâm Tâm có nhiều vai diễn nữ anh hùng dân tộc được khán giả yêu mến
Với NS Thanh Hằng, nói về vai Trưng Trắc, chị tâm sự: "Cô Thanh Nga diễn để đời nhiều vai, trong đó Trưng Trắc là một phần tự hào đối với nghề nghiệp của bất cứ một nữ diễn viên trẻ nào mới vào nghề. Thần sắc của cô Nga, mình chỉ thừa hưởng một chút xíu cũng đủ để gọi là mừng vì đó là dấu hiệu của "tổ đãi", nói chi đến việc được đóng một vai để đời của cô".
Kế đến người thể hiện vai Trưng Trắc và các nữ nhân vật lịch sử xuất sắc còn phải kể đến NSƯT Phương Hồng Thủy. Cách đây không lâu, trong chương trình "Đêm huyền diệu" do đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc dàn dựng, vai Trưng Trắc chỉ là một lớp độc diễn nhưng thắm đượm niềm trăn trở trước cơn sinh ly tử biệt. Lớp quấn khăn tay tế sống Thi Sách, NSƯT Phương Hồng Thủy không khóc nhưng người xem quặn đau vì tiếng lòng bất khuất của người phụ nữ đặt nợ nước lên trên tình riêng.
NSƯT Phương Hồng Thủy và NSƯT Út Bạch Lan
Dứt câu hò, chuyển hơi ai, ánh mắt chị bừng lên một niềm tin như sâu lắng bên trong là nỗi thắt lòng của người vợ vĩnh viễn phải xa chồng sau khi chính tay mình vung hồi trống trận. Khi ấy, bàn tay run run tuốt kiếm rồi thét lớn câu tiến quân được NSƯT Phương Hồng Thủy thể hiện đầy tinh tế và cảm động.
Thời đó, bên trong cánh gà hội trường Bảo tàng Phụ Nữ Nam Bộ, NSƯT Diệu Hiền và Thanh Nguyệt công nhận: "Phương Hồng Thủy đã cảm được vai diễn, nhập vào hồn của nhân vật rất tốt", hay nói theo lời tiên đoán linh cảm của NSND Ngọc Giàu: "Ai đóng vai của NSƯT Thanh Nga phải thắp hương khấn nguyện để vai diễn nhập vào thì mới đạt". Và theo lời bà, các NS Thanh Hằng, Phương Hồng Thủy rồi sau này đến NSƯT Thanh Ngân mỗi khi nhận vai diễn của cố NSƯT Thanh Nga, họ đều đến Nghĩa trang nghệ sĩ Gò Vấp viếng mộ người nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh.
NS Mộng Tuyền và NS Phượng Liên
NSƯT Thanh Ngân kể: "Tôi đã khấn nguyện NSƯT Thanh Nga hãy phù trợ cho mình có thêm niềm tin để tiếp bước sáng tạo của cô. Tôi đồng cảm sâu sắc với kịch bản cải lương mang tính kinh điển như: "Thái hậu Dương Vân Nga", "Tiếng trống Mê Linh"…của sân khấu cải lương. Tôi là thế hệ kế tục những gì các tiền bối đi trước đã làm".
Và với tinh thần cầu tiến đó, NSƯT Thanh Ngân đã có một vai Trưng Trắc xứng với nỗ lực của một diễn viên trẻ.
Mặt khác, phải thừa nhận NSND đạo diễn Trần Ngọc Giàu đã dành nhiều đất diễn và khai thác chi tiết tâm lý vai diễn, giúp NSƯT Thanh Ngân xâu chuỗi một cách có hệ thống những trạng thái tâm lý thay đổi liên tục trong vai Trưng Trắc.
NSND Ngọc Giàu và NS Phượng Liên trong vở "Kiều Nguyệt Nga"
Có điều làm cho khán giả băn khoăn, giá như các nữ nghệ sĩ đừng cố bắt chước dáng đi, dáng đứng và cả những câu chữ nhấn nhá của nghệ sĩ Thanh Nga thì sẽ thực hiện được sự kế thừa sáng tạo mà giới chuyên môn và khán giả mong muốn. "Dường như khi đã quá thần tượng một nghệ sĩ nào, bản thân diễn viên trẻ khó rứt ra khỏi hình ảnh quen thuộc đó. Ví như ngày nay nét diễn của Quế Trân ít nhiều giống nghệ sĩ Bạch Lê, bên kịch có một dạo NS Kiều Oanh đã từng đồ y nguyên nét diễn NSND Hồng Vân, rồi sau này Kiều Linh đồ theo Kiều Oanh, hoặc NS Vũ Đình Toàn, Đại Nghĩa diễn rất giống NSƯT Thành Lộc, diễn viên Hoàng Vân Anh diễn giống NS Ái Như... Các em phải mạnh dạn tìm cái riêng trong cách diễn của mình, đó là mong muốn của chúng tôi" - NSND Ngọc Giàu nhận xét.
"Dòng đời vẫn trôi đi, sân khấu rồi sẽ có nhiều thế hệ tiếp nối sáng tạo một vai Trưng Trắc và các nữ anh hùng dân tộc đại diện cho người phụ nữ Việt Nam bất khuất, kiên cường. Các nghệ sĩ trẻ rồi sẽ có người làm nên những vai diễn để đời. Nhưng để xứng đáng là hậu duệ của thế hệ đi trước khi cải lương đã tròn 100 năm thì mỗi bản thân người nghệ sĩ phải luôn rèn luyện và tôn kính những bài học xuất phát từ cái Tâm làm nghệ thuật" – NSND Ngọc Giàu nhắn nhũ.
Học sinh Trường PTTH Nguyễn Hiền, quận 7, TP HCM say mê theo dõi chương trình Kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương
Bình luận (0)