Ngay sau khi phúc khảo, vở đã tạo được thiện cảm với người xem khi tác giả đưa vào câu chuyện những thông điệp rất đời thường, dung dị mà không kém phần nóng bỏng bởi tính thời sự được cập nhật.
Câu chuyện kịch xảy ra tại một con hẻm ngay trung tâm TP HCM. Khu đất rộng lớn ở hẻm nhỏ có tuổi đời cả trăm năm của gia đình ông Bình. Ông cho cô Ngọc mượn đất bán quán cà phê nuôi chồng bệnh nặng; giúp chú Mười có bến chạy xe ôm; giúp Tài boléro mượn tiền mua dàn loa bán kẹo kéo... rồi một ngày, giám đốc công ty xây dựng đến muốn mua lại mảnh đất nhà ông Bình xây dựng cao ốc. Cuộc sống của con hẻm nhỏ xáo trộn. Tình người giữa cũ và mới, giữa giàu và nghèo khiến cho người xem chạnh lòng, day dứt. Ở đó còn có những tấm lòng nhân nghĩa, giúp đỡ nhau, làm việc thiện nguyện âm thầm, chẳng màng được vinh danh.
Tác giả Vương Huyền Cơ luôn trăn trở với cuộc sống, nhất là với TP HCM, nên kịch bản của chị chạm đến trái tim người xem. Vở kịch không chỉ khiến người xem rưng rưng với tính chân thành, đầy chất nhân văn của người TP mà còn ấm lòng trước những thực trạng của Sài Gòn hôm nay đã từng bước được khắc phục bởi cái tình của con người nơi đây. Vở còn cảnh báo nếu không biết trân quý những di sản của Sài Gòn thì đi cùng với sự phát triển trong xu thế hội nhập, những giá trị xưa cũ của Sài Gòn sẽ mất đi.
Đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu đã đưa khán giả đến với những bất ngờ, thú vị bởi sự chân thật, gần gũi mà người xem đều nhận ra chính mình và Sài Gòn đã có sự thân quen. Tiếng cười và nước mắt của vở diễn đã khiến khán giả nhận thấy chính mình trong câu chuyện, chính mình là nhân vật của mọi xung đột.
Vở kịch có sự tham gia của các diễn viên: Anh Tuấn, Lê Vinh, Thái Kim Tùng, Mai Phương, Thanh Tuấn… và sẽ là vở diễn chủ lực của rạp Công Nhân trong mùa Tết Mậu Tuất năm nay.
Bình luận (0)