NSƯT Ngọc Nga, Nguyễn Hoàng chúc mừng năm mới người thầy đáng kính của nghệ thuật hát bội - NSND Đinh Bằng Phi
NSND Đinh Bằng Phi đã trải qua nhiều cái Tết năm Hợi nhưng ông vẫn nhớ nhất xuân Đinh Hợi cách đây đúng 12 năm. Khi đó là năm 2007, khi TP HCM mở rộng phong trào đưa sân khấu vào học đường. Ông được Đoàn Nghệ thuật Hát bội TP HCM mời làm cố vấn chương trình này, đồng loạt tổ chức nhiều đêm chuyên đề sân khấu hát bội tại Nhà văn hóa Thanh Niên và các trường học.
'Đã từ lâu rồi, sự xuất hiện của những gánh hát bội không còn được người ta chờ đợi, cho nên khi học sinh nghe tiếng trống chầu, háo hức chào đón những nghệ sĩ bước ra từ sự lặng lẽ của cuộc sống đời thường, họ bỗng trở thành ông hoàng, bà chúa, cuốn hút các em. Năm Hợi đó là năm tôi đặt nhiều kỳ vọng vào công tác đào tạo nguồn nhân lực cho hát bội" – NSND Đinh Bằng Phi hào hứng kể.
"Vua hát bội" Đinh Bằng Phi - Ảnh: Thanh Hiệp
Ông nhìn nhận điện thoại thông minh đã thay đổi cuộc sống con người. Tại TP HCM - nơi được xem là trung tâm văn hóa của cả nước - đã xuất hiện nhiều bộ môn nghệ thuật mới xuất phát từ nước ngoài. Vì thế, giới trẻ ít có cơ hội tiếp xúc những bộ môn nghệ thuật truyền thống, trong đó có hát bội.
Các chuyên đề mà Sở VH-TT TP HCM tổ chức năm 2007 đã mở ra cho các học sinh biết rằng tại TP vẫn còn những gánh hát bội lặng lẽ tồn tại. Ngoài Đoàn Nghệ thuật Hát bội TP HCM (nay là Nhà hát Nghệ thuật Hát bội), giữa lòng TP, sàn diễn của nghệ sĩ vẫn là sân đình, sân miếu. Qua cái Tết năm Hợi đó, một lớp học về hát bội đã cho ra nghề 17 diễn viên trẻ. Họ đã nỗ lực hóa thân vào những vai diễn khó, đồng thời góp phần mang lại thành quả nghệ thuật cho các vở tuồng được dựng mới, mang nhiều sáng tạo của thế hệ trẻ như: "Tây Sơn nghĩa hiệp", "Thăng Long trống trận", "San Hậu", "Phàn Lê Huê", "Chung Vô Diệm"...
Bức chân dung NSND Đinh Bằng Phi trong vai Quan Công
NSND Đinh Bằng Phi kể về cuộc đời nghệ sĩ hát bội khi tấm màn nhung khép lại. Các gánh hát bội hầu hết đều có học trò của ông, ban đêm có thể là những ông hoàng, bà chúa lộng lẫy, uy nghi trên sân khấu thì buổi sáng, họ trút bỏ lớp xiêm y đủ màu sắc, trở về với những bộn bề của cuộc sống.
Kỳ vọng vào một mùa xuân mới sẽ mang sân khấu hát bội đến gần hơn với khán giả trẻ là niềm tin của NSND Đinh Bằng Phi
Để có thể đủ ăn, đủ ấm, họ phải làm thêm nhiều nghề từ bán khoai lang, bán vé số, chạy xe ôm, nhận giao hàng… Nghệ sĩ hát bội gần như không có mùa xuân. Họ hát những ngày cận Tết, có những hội đình tổ chức đón năm mới ở làng quê và nghệ sĩ hát bội cùng ăn Tết với dân làng.
Năm 2007, ông đưa một đoàn làm phim người Pháp theo nghệ sĩ hát bội đón Tết với nông dân Đồng Tháp, cũng gói bánh tét, làm nem chả, nướng gà dưới các ụ rơm, uống rượu nếp than…Nghệ sĩ hát bội nghề nào cũng biết, nhất là làm bếp rất giỏi. Khi xưa ông cha họ đi hát đình, hát miễu đều phải biết làm mồi nhậu cho quan lớn, để quan chiếu cố mà cho đoàn hát ở lại diễn lâu hơn nên nghề nấu nướng cũng ngang nghề ca hát.
Các bạn Pháp thích thú ăn món chuột đồng quay lu, canh khổ qua dồn cá thác lác mà các nghệ sĩ hát bội như: Kim Thanh, Ngọc Khanh, Ngọc Dung, Sỹ Tốt, Nguyễn Hoàng, Công Khanh… trổ tài chiêu đãi. Thêm vào đó, dân làng miệt Xẻo Quýt, Cao Lãnh, Tháp Mười, ai cũng có thể chế biến những món Tết cực kỳ ngon và hấp dẫn hơn là món ăn tinh thần từ sân khấu hát bội. Đoàn làm phim đến từ Paris phấn khởi, không tin rằng sức lan tỏa của hát bội lại lớn mạnh đến thế và nghệ thuật khi đã bám rễ thì không chết dù áp lực cuộc sống bủa vây.
NSND Đinh Bằng Phi giới thiệu các học trò của ông trên sân khấu Nhà văn hóa Phú Nhuận năm 2007 - năm Đinh Hợi
Năm Hợi này, tiếng trống chầu đến với học sinh vắng dần. Đời nghệ sĩ hát bội trong đôi mắt đã mờ của NSND Đinh Bằng Phi ngày càng khắc nghiệt hơn những đao gươm trên sân khấu. Bởi tìm được những hội đình mời hát bội về diễn ngày một khó. Họ thích đưa tấu hài, cải lương tuồng cổ, có nơi còn đưa cả múa lửa vào diễn thì cái nghèo đã luôn khiến con em nghệ sĩ hát bội ám ảnh.
NSND Đinh Bằng Phi vui mừng khi có một thế hệ diễn viên trẻ đam mê hát bội
Cũng chính những năm tháng phiêu bạt trên những chiếc ghe hát xuôi dòng khắp nơi biểu diễn, "vua hát bội" nhớ mùa xuân năm Hợi vì chính ông đã nhận biết từ bước ngoặc TP HCM hướng đến công chúng trẻ, những năm tháng "ăn gạo chợ, uống nước sông" khiến người nghệ sĩ dù gian khổ vẫn chung sức, đồng lòng để đào tạo một thế hệ diễn viên, một thế hệ khán giả trẻ biết trân quý hát bội.
"Tết năm nay tìm gặp những nghệ sĩ hát bội để biết mỗi người đều phải tự bươn chải cho cuộc sống, người vẫn còn chạy xe ôm, người chuyển từ buôn bán sang làm móng tay dạo vì hết vốn, nhưng dù vất vả thế nhưng họ không bao giờ có ý định bỏ nghề hát bội, chỉ mong sao TP HCM sẽ đưa sân khấu hát bội đến gần hơn với lớp trẻ. Đó chính là niềm kỳ vọng của mùa xuân năm Hợi mà tôi vẫn còn tồn tại để ước mơ" – ông nhắn nhủ.
Biết rằng quỹ thời gian của mình không còn nhưng ông vẫn sẽ tiếp tục cống hiến, làm những chuyên đề hát bội cho lớp trẻ để sân khấu học đường mở ra những khao khát giữ gìn cùng các thế hệ nghệ sĩ hát bội, cho tinh hoa của ông cha không bị rơi rụng theo thời gian.
Các diễn viên hát bội tặng hoa tri ân thầy - NSND Đinh Bằng Phi mùa xuân năm Đinh Hợi
Bình luận (0)