Nhiều nghệ sĩ bỏ công sức, tiền bạc đầu tư làm web drama (phim dài tập phát miễn phí trên mạng) với đủ thể loại. Minh Hằng, Tuấn Trần, Việt Hương… là những nghệ sĩ mới nhất công bố sản phẩm, dự án web drama của mình. Trước đó, khán giả đã được thưởng thức hàng loạt các web drama khác nhau của nghệ sĩ Việt trên YouTube hoặc các nền tảng mạng miễn phí như Pops, tạo nên trào lưu của làng giải trí Việt.
Đua nhau làm web drama
Nhà sản xuất, diễn viên Minh Hằng cho biết cô đầu tư 6 tỉ đồng cho web drama "Kẻ săn tin" (6 tập). Nhà sản xuất kiêm diễn viên Việt Hương cũng mới ra mắt dự án web drama "Yêu lại từ đầu" đề cao tình nghĩa và sự thấu hiểu trong mối quan hệ vợ chồng. Đây không phải web drama đầu tiên của Việt Hương khi cô từng cho ra mắt rất nhiều tác phẩm dạng này trên kênh YouTube của mình: "Sài Gòn, anh yêu kem", "Trật tự mới", "Về quê ăn Tết"… Là diễn viên trẻ nhưng Tuấn Trần cũng dốc sức đầu tư tiền tỉ cho web drama "Xin chào papa". Một số web drama gần đây có "Bánh bèo hữu dụng" do Huỳnh Tuấn Anh đạo diễn chiếu trên Pops sau web drama "Phượng khấu". Web drama "Nhà trọ có quá trời phòng" phần 2 của Nam Thư, "Đại kê chạy đi" của Hồng Vân, "Bố già" của Trấn Thành.
Hình ảnh trong web drama “Kẻ săn tin” của Minh Hằng. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Trước đó, hàng loạt các web drama khai thác chủ đề về thế giới giang hồ, xã hội đen chiếm đóng YouTube kể từ thành công của "Thập tam muội" của Thu Trang: "Vi Cá tiền truyện" của Quách Ngọc Tuyên, "Chết thì chịu" của Việt Hương, "Thập tứ cô nương" của Nam Thư… Các chủ đề kinh dị, ma quái pha trộn hài hước cũng được các nghệ sĩ dàn dựng, như "Hài ma" của Kiều Linh, "Thần chết tập sự" của Tuấn Trần, "Quỷ linh nhi" của Trịnh Kim Chi…
Người trong giới nhận định web drama bùng phát là tất yếu khi mạng xã hội phát triển, thu hút nhiều khán giả theo dõi. Web drama không bị kiểm duyệt như phim chiếu rạp hoặc truyền hình, chỉ cần tuân thủ quy định chung của nền tảng phát sóng. "Nghệ sĩ thỏa sức đam mê, thể hiện những hình tượng nhân vật đặc biệt mà họ không dễ có cơ hội được mời. Trong thời gian dịch bệnh, sau khi trở lại, lượng công việc cho nghệ sĩ không phải nhiều, các web drama cũng là cơ hội để họ thử sức. Tôi thấy đây là tín hiệu đáng mừng, tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ khán giả" - diễn viên Kiều Trinh nhận định.
Nghệ sĩ trẻ xem web drama là cơ hội để tiếp cận khán giả, tạo thêm danh tiếng cho mình để có được vai diễn trên sân khấu, điện ảnh, truyền hình. Còn nghệ sĩ sản xuất nói thông qua web drama, họ cũng đo được độ quan tâm của khán giả đối với chủ đề mình chọn, từ đó tiến thêm bước nữa là làm thành phim chiếu rạp như trường hợp phim "Chị 13: Phần kết Thập tam muội" hay "Pháp sư mù" từng làm.
Cạnh tranh khốc liệt
Kể từ sau thành công của các web drama đặt nặng yếu tố chất lượng, như "Thập tam muội", "Ai chết giơ tay"… web drama Việt chuyển sang giai đoạn đầu tư chỉn chu từ kịch bản đến diễn viên, hình ảnh, âm nhạc, bối cảnh.
Nếu web drama không tạo được sức hút thì lượng xem ít, thua lỗ là chuyện thường. Các tác phẩm nội dung mỏng, thời lượng ngắn cũng dần không còn chỗ đứng mà nhường chỗ cho tác phẩm có chất lượng không thua kém phim chiếu rạp. Hiện nay, nhiều nhãn hàng từ thẩm mỹ viện, mỹ phẩm, game, đồ uống… bắt đầu quan tâm đến loại hình giải trí này, bỏ vốn đầu tư cùng nghệ sĩ làm web drama lồng ghép quảng bá sản phẩm của mình hoặc tài trợ chính như trường hợp web drama "Kẻ săn tin" của Minh Hằng hay "Yêu lại từ đầu" của Việt Hương. Những sản phẩm được nhãn hàng đồng hành này càng phải đề cao chất lượng để tăng sức hút.
Không chỉ cạnh tranh quyết liệt với nhau, web drama Việt còn cạnh tranh khốc liệt với web drama ngoại mà nhất là của Trung Quốc. "Nhiều nghệ sĩ thử sức với web drama khiến cho mức độ cạnh tranh sản phẩm này trên thị trường tăng lên. Cạnh tranh tăng buộc họ phải đầu tư tác phẩm chỉn chu hơn" - diễn viên Thanh Trúc cho biết.
Yếu tố làm nên chất lượng của sản phẩm không chỉ ở dàn diễn viên, hình ảnh, âm nhạc mà còn nằm ở phần kịch bản, chủ đề. Phim "Bố già" của Trấn Thành nhận nhiều lời khen bởi câu chuyện nhân văn, lời thoại rất đời. Phim "Nhà trọ có quá trời phòng" có tình tiết hài hước, vui nhộn nhưng duyên dáng. Tuy nhiên, cũng có những sản phẩm có nội dung nhân văn như "Cân mẹ" của Việt Hương, đầu tư 1,7 tỉ đồng (3 tập), lại thất bại đáng tiếc bởi câu chuyện được kể theo lối mòn, thiếu đột phá mới lạ.
Web drama "Tô An ký" được Adam Lâm đầu tư 2 tỉ đồng nhưng không thu hút nổi 1 triệu lượt xem mỗi tập. Nguyên nhân được cho là nội dung kịch bản chưa đủ xuất sắc, thuyết phục khán giả dù quy tụ dàn diễn viên có tiếng.
Một thách thức không nhỏ cho web drama Việt là xu hướng dễ thay đổi của khán giả, buộc nghệ sĩ phải tư duy liên tục nếu không muốn lỗi thời, kém sức hút. Giới chuyên môn nhận định web drama đang thịnh hành và ngày càng chuyên nghiệp hơn khi có sự tham gia của các nền tảng chính quy chứ không chỉ phụ thuộc chủ yếu vào mạng xã hội YouTube như trước. Tuy nhiên, đây không phải thị trường dễ dàng kiếm tiền, đòi hỏi sự đầu tư chu đáo, làm nghề đúng nghĩa nếu không muốn thất bại thảm hại.
Cần kiểm soát web drama
Web drama tăng số lượng nhưng hiện tại không bị kiểm soát nội dung bởi cơ quan quản lý nhà nước, thông qua các hội đồng thẩm định quốc gia và địa phương. Đa phần, các nghệ sĩ làm web drama đều đầu tư chỉn chu và nhận thức rõ đúng sai. Tuy nhiên, một số bộ phận nhỏ cũng lợi dụng kẽ hở để câu khách bất chấp. Nhằm ngăn chặn những sản phẩm vi phạm về nội dung, nhiều ý kiến đề xuất cần luật hóa cụ thể trong Luật Điện ảnh (sửa đổi), để kiểm soát phim chiếu mạng này. Bà Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam - nói: "Với các phim đang phổ biến tràn làn trên internet - thường gọi là web drama, luật không điều chỉnh và cơ quan quản lý cũng không tính tới, trong khi nhiều phim chiếu mạng có đến hàng chục triệu lượt xem, gấp nhiều lần phim chiếu rạp".
Bình luận (0)