Có những nhà văn sinh ra để lưu giữ ký ức của một dân tộc, để không gì bị lãng quên. Đối với những người Đức nhập cư, W.G. Sebald là người trao truyền ký ức của họ. "Ký ức lạc loài" (Đăng Thư dịch, Phanbook và NXB Đà Nẵng ấn hành 2019) là tác phẩm ký thác những mảnh vụn đời sống của một thế hệ người nhập cư sau Đệ nhị Thế chiến.
Tính phi thể loại
Thật khó để định dạng rõ ràng thể loại của tác phẩm này. Là một tiểu thuyết, nó đầy ắp tư liệu hình ảnh, những ngày tháng. Là một hồi ký, nó bàng bạc tính hư cấu và những liên tưởng văn chương. W.G. Sebald đưa người đọc vào thế giới của những thước phim tài liệu, như một biên niên ký ghi nhận 4 cuộc đời song hành cùng nhau, đau thương cùng nhau và hủy diệt cùng nhau.
Bìa sách “Ký ức lạc loài”
Lần lượt trải qua 4 nhân vật: bác sĩ Henry Selwyn, Paul Bereyter, Ambros Adelwarth và Max Aurach, nhà văn tái hiện bức chân dung của những con người tha hương lưu lạc nơi đất khách, từng người mang theo trong mình gánh nặng quá khứ. Đối với họ, đời sống ở nơi chốn mới không khác chi sự lưu đày, khi mà những thương tổn xa xưa vĩnh viễn in hằn trong trí nhớ. Ký ức đối với họ "là một thứ ngu ngốc. Nó làm đầu óc ta choáng váng, chẳng khác gì ta không nhìn ngược về phối cảnh đang lùi xa dần của thời gian mà là nhìn xuống mặt đất từ một độ cao chót vót, từ trên một tòa tháp nào đó mà đỉnh đã chìm khuất trong mây".
Trên cái "độ cao chót vót" ấy, W.G. Sebald nhìn xuống quá khứ như nhìn xuống một vực thẳm, từ vực thẳm, những tiếng nói tưởng chừng bị chôn vùi bỗng vang vọng, sống động và chân xác như thể ở cái chốn thâm u của lịch sử ấy, những số phận lạc loài vẫn ngày ngày cất lên lời ai oán về những nỗi đau chiến tranh.
Có thể xếp W.G. Sebald vào những nhà văn Đức hậu chiến, mặc cho ông bắt đầu sự nghiệp văn chương khá muộn, dù rằng ông rời bỏ nước Đức khi tuổi đời còn rất trẻ và quyết định sống nốt phần đời còn lại ở nước ngoài. Dường như ông muốn giữ khoảng cách với quê hương, một khoảng cách vừa đủ để ông nhìn lại nó dưới thấu kính của mình. "Ký ức lạc loài" từ đầu đến cuối giữ một điểm nhìn trung lập, người kể chuyện giữ mối quan hệ nhất định với các nhân vật nhưng đồng thời lại có vẻ biết rất ít về những con người đã dần phai nhạt trên cuộc đời, thứ nhắc nhớ chỉ còn là những di vật từng thuộc về một ai đó đã tồn tại cứ khiến ta băn khoăn đến sự hiện hữu của họ.
Góc nhìn của thế hệ hậu chiến
Trong tác phẩm của W.G. Sebald, chiến tranh hiện lên chớp nhoáng. Khác với những nhà văn khác, ông không miêu tả một xã hội Đức rệu rã, hỗn loạn, đánh mất niềm tin không chỉ vì nỗi nhục thua trận trong chiến tranh mà còn bởi những giá trị về con người và nhân phẩm bị rạn vỡ. Ông sinh vào giai đoạn Thế chiến thứ hai đã đến hồi tàn, ông không trực tiếp trải qua cuộc chiến, không đứng hẳn về phía những kẻ chiến bại, không phát điên về nó. Ông trưởng thành trong một thời đại không thấy anh hùng, cho nên không khắc họa sự thiếu vắng lý tưởng ở các nhân vật của thời đại. Ông đối thoại với quá khứ bằng số liệu, ông lạnh lùng nhìn lại thế hệ cha ông với đôi mắt tinh tường và một tinh thần phán xét.
W.G. Sebald có người cha đi lính cho Đức quốc xã, trở thành tù binh chiến tranh, chỉ được thả vào năm 1947. Sinh năm 1944, ký ức chiến tranh hiện diện sâu sắc nhất trong đời ông chính là khi ở trường, ông được cho xem những bức ảnh về trại tập trung Holocaust. Từ đó Holocaust và nước Đức thời hậu chiến trở thành chủ đề lớn trong các tác phẩm của ông. W.G. Sebald làm công việc của một sử quan nhưng không mấy chú trọng vào toàn cảnh của lịch sử mà tập trung vào những nhân vật phụ, những tiểu cảnh lẩn khuất phía xa trong tổng thể của một bức tranh lớn.
Với cái nhìn nhẹ bẫng, ông bày biện ra trước mắt người đọc những vật chứng, bức ảnh một người đàn ông bắt bướm, một nghĩa trang hoang lạnh, một tờ báo cũ, một sơ đồ... Gabriel García Márquez từng nói: "Trong báo chí, một dữ liệu sai phủ nhận toàn bộ công trình. Ngược lại, trong tiểu thuyết, một chi tiết thật cũng tạo được sự tin cậy cho toàn tác phẩm". Sự tin cậy mà W.G. Sebald tạo được không chỉ đến từ những "vật chứng" được ông bày ra khắp cuốn sách mà còn từ chỗ các nhân vật của ông từ một tiểu sử cá nhân đã phổ quát thành mẫu số chung của những thân phận lưu dân, được tác giả khéo léo đan cài trong những trang sách. Giữa những trang sách như một mê cung của ký ức ấy, chiến tranh âm thầm len lỏi như một bóng ma truy đuổi con người, những thất vọng và đổ vỡ, sự thiếu quê hương được chất chứa trong một hình thức bình thản đến kỳ lạ.
Đáng được nhận giải Nobel Văn chương
Dù sống chủ yếu ở Anh, W.G. Sebald vẫn là nhà văn viết tiếng Đức, một thứ tiếng Đức mà các nhà phê bình nhận xét là cổ điển và cầu kỳ, nên nhà văn đã rất kỹ lưỡng theo dõi quá trình dịch tác phẩm của ông sang tiếng Anh. "Ký ức lạc loài" nằm trong bộ tứ: "Vertigo" (1990), "Ký ức lạc loài" (1992), "The Rings of Saturn" (1995) và "Austerlitz"(2001). Ông được nhiều nhà phê bình văn học ca ngợi là một trong những tác giả vĩ đại nhất lúc sinh thời, tuy nhiên, một tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng nhà văn năm 2001.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2007, Horace Engdahl, cựu thư ký của Viện Hàn lâm Thụy Điển, đã nhắc đến W.G. Sebald, Ryszard Kapuściński và Jacques Derrida là 3 nhà văn vừa qua đời gần đây, những người đáng được nhận giải Nobel Văn chương.
Bình luận (0)