Đang có "một giấc mơ Hàn" giữa lòng châu Á, giống như sự hào nhoáng được diễn tả trong các bộ phim truyền hình Hàn Quốc, thường phác họa cuộc sống hiện đại, giàu có và hãnh tiến, với những nhà tài phiệt, những tập đoàn kinh tế. Nhưng có một Hàn Quốc rất khác trong đôi mắt những nhà văn Hàn Quốc đương đại, những người sinh vào thời kỳ Hàn Quốc đang bước vào giai đoạn bùng nổ kinh tế. Thế hệ của họ là thế hệ chứng kiến những kỳ tích về thể thao cũng như văn hóa, với làn sóng Hallyu lan tỏa khắp thế giới, thể hiện được sức ảnh hưởng quyền lực mềm của mình một cách mạnh mẽ.
Kim Young-ha: Cây bút nổi bật
Sinh năm 1968, năm 1996 Kim Young-ha ra mắt tiểu thuyết đầu tay "Tôi có quyền hủy hoại bản thân", lập tức gây tiếng vang như là người báo tin cho nền văn học Hàn Quốc. Cuốn tiểu thuyết mỏng này đã giúp độc giả Hàn Quốc lúc bấy giờ cảm nhận được một tiếng nói bầu bạn của thế hệ mình. Được dịch sang tiếng Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Việt Nam, cuốn tiểu thuyết đã trở thành một vị đại sứ văn chương giúp thế giới hiểu thêm về một Hàn Quốc hiện đại.
Thừa thắng xông lên, ông cho ra đời hàng loạt tác phẩm tiểu thuyết và truyện ngắn, đáng kể nhất có thể nói đến tiểu thuyết "Chơi quizshow". Cuốn tiểu thuyết này có độ dài gấp 4 lần tiểu thuyết "Tôi có quyền hủy hoại bản thân", với nhân vật trung tâm là một thanh niên yếm thế trong xã hội Hàn Quốc hiện đại. Phải nói rằng Kim Young-ha đã bắt nhịp rất tốt đời sống xung quanh mình khi chọn điểm rơi cho tiểu thuyết "Chơi quizshow" đúng thời điểm những chương trình giải đố đang phủ sóng trên truyền hình. Độc giả Việt Nam khi đọc tiểu thuyết này có thể nhớ lại thời điểm hơn 10 năm trước, khi các "quizshow" như "Ai là triệu phú", "Rồng vàng"… đang lên ngôi.
Một số tác phẩm văn học của Hàn Quốc được xuất bản tại Việt Nam
Trong tác phẩm của mình, Kim thường đi tìm sự đồng điệu với người đọc bằng cách nắm bắt những vấn đề đương đại. Hồi nhỏ, ông bị ngộ độc khí than và bị mất tất cả ký ức trước năm ông 10 tuổi. Kinh nghiệm này được ông vận dụng để viết thành tiểu thuyết ngắn "Kẻ sát nhân", với nhân vật chính là một cụ ông bị mất trí lẫn lộn giữa hiện thực và trí tưởng tượng, dưới lốt vỏ của một câu chuyện trinh thám là thực tại bất an của những người già neo đơn sống lay lắt giữa dòng đời hối hả.
Hay như trong tập truyện ngắn "Anh đã trở về", mỗi truyện như một lớp vỏ hành được bóc tách dưới bàn tay của Kim Young-ha, để lộ ra một xã hội với đa phần là tầng lớp trung lưu chật vật trong cuộc mưu sinh, bấp bênh, chới với trong chính những tiện nghi và sự giàu có của chính nó.
Vươn xa với những khuôn mặt nữ
Không đợi đến khi Han Kang, bằng tiểu thuyết "Người ăn chay", trở thành người châu Á đầu tiên đoạt giải International Man Booker, văn học Hàn Quốc mới được chú ý. Nhưng kể từ lúc Han Kang đoạt giải, nền văn học này mới có sự tự tin rằng mình có thể sánh vai với những nền văn học trên thế giới trong tư thế đồng đẳng.
Trước Han Kang, nhà văn Shin Kyung-sook là người phụ nữ đầu tiên nhận giải Man Asian Literary với tiểu thuyết "Hãy chăm sóc mẹ", đây cũng là tác phẩm văn học Hàn Quốc được biết đến rộng rãi ở nước ngoài. Nguyên nhân cho sự phổ biến này có thể nó đã chạm được vào mẫu số chung của nhân loại chính là tình mẫu tử trong xu hướng những mối quan hệ gia đình đang dần phân rã và đánh mất đi truyền thống hiếu đạo vốn đã trở thành niềm tự hào của văn hóa Á Đông.
Trong một xã hội gia trưởng như ở Hàn Quốc, người phụ nữ hiện đại vừa chịu những áp lực của truyền thống vừa phải đương đầu với cuộc sống hiện tại. Các nhà văn nữ chính là những người tiên phong cất lên tiếng nói nữ quyền trong một thế giới đậm đặc nam tính được củng cố thêm bằng sự giàu có của một nền kinh tế phát triển.
Nữ nhà văn Hwang Sun-mi đã thể hiện khát khao tự do của mình thông qua một ngụ ngôn về loài vật: "Cô gà mái sổng chuồng". Câu chuyện về cô gà mái tự định danh bản thân, không muốn đến giờ rồi ăn, đến ngày là đẻ trứng, mà mơ giấc mơ tự do đi lại, dắt bầy con chu du thế giới, phải chăng cũng chính là mong muốn của bất kỳ người phụ nữ hiện đại nào.
Đa phần những nhà văn thuộc lứa này đang ở vào độ tuổi bốn mươi, độ tuổi chín muồi của văn nghiệp. Dù sáng tác rất sớm, số lượng tác phẩm của mỗi người chưa đến chục cuốn nhưng ngược lại sức lan tỏa của các tác phẩm lại vô cùng mạnh mẽ.
Quốc tế hóa
Nếu tiểu thuyết "Tro tàn sắc đỏ" xóa cái tên Pyun Hye-young được gạch đi để thay bằng một cái tên nghe rất Tây nào đó thì độc giả cũng không chút gợn nào. Quyển tiểu thuyết kể về một nhân vật không tên bị điều đến để diệt chuột ở một thành phố không xác định, chẳng gợi lên bất kỳ chỉ dấu nào về đất nước Hàn Quốc. Dường như những nhà văn Hàn đương đại đang cố gắng quốc tế hóa các sáng tác của mình, ranh giới quốc gia và dân tộc bị xóa nhòa, trở nên phổ quát, trọng tâm được mở rộng từ "nhân dân" thành "nhân loại".
Ngòi bút của họ hướng thẳng vào những "đại dịch" của con người hiện nay: dịch hạch trong "Tro tàn sắc đỏ" và một bệnh dịch tưởng tượng trong tiểu thuyết "28" của Jeong You-jeong. Dù trong tiểu thuyết "Một trăm cái bóng" của Hwang Jung-geun, bối cảnh thành phố Seoul nhưng Seoul ở đây là một Seoul phiếm chỉ có thể là bất cứ thành phố nào trên trái đất này, dẫu sử dụng yếu tố huyền ảo nó vẫn sóng sánh một hiện thực được tác giả nghiêm ngặt dựng lên.
Bình luận (0)