TP HCM không chỉ phấn đấu trở thành thành phố đầu tàu kinh tế mà còn là trung tâm phát triển văn hóa của cả nước trong thời đại hội nhập; nơi tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại; tạo ra những sản phẩm văn hóa, tác phẩm nghệ thuật vừa tiên tiến vừa đậm đà bản sắc dân tộc. Vậy nên, khi chúng ta bàn về xây dựng hình ảnh "Công dân kiểu mẫu" TP HCM, không thể không đề cập vấn đề quan trọng là xây dựng môi trường nuôi dưỡng văn hóa phù hợp từ chính trong tâm hồn của cư dân nơi này.
Không gian văn hóa và hệ sinh thái
Khi tôi qua Mỹ trong chuyến tham quan do Bộ Ngoại giao Mỹ mời, người hướng dẫn đoàn nói rằng nếu đã tới nước này, ai yêu âm nhạc thì hẳn phải một lần đặt chân đến TP Kansas, bang Missouri. Tại sao?
Nơi ấy, chúng tôi đã được đến thăm một "di tích" của nhạc jazz còn sót lại. Đó là ngôi nhà màu hồng, tường xây bằng gạch đỏ sậm, phía trên cao ghi dòng chữ lớn "Mutual Musicians - Foundation Inc". Ngôi nhà này có từ năm 1904, cũng nhỏ thôi, gợi nhớ đến một bar rượu.
Bước vào trong, sau khi nhìn các hình ảnh liên quan sự ra đời của thể loại nhạc này, từ năm 1920, chúng tôi đã bước lên một cầu thang gỗ cũ kỹ. Tầng này, sàn cũng bằng gỗ, là một sân khấu biểu diễn và quanh tường chỉ có thể là hình ảnh những tên tuổi lừng danh như Count Basie, Charlie Parker, Mary Lou Williams... cùng nhiều nghệ sĩ khác từng biểu diễn tại đây.
Nói nôm na, lợi thế và sở trường của cư dân nơi này do biết gìn giữ lẫn phát huy nên đã níu chân du khách năm châu đó thôi.
Nhìn về TP HCM, ta thấy gì?
Trước hết, về nghệ thuật biểu diễn, ta biết có những loại hình nghệ thuật mới ra đời từ thế kỷ XX như cải lương, kịch nói, nhạc trẻ… mà Sài Gòn - TP HCM là cái nôi nuôi dưỡng và phát triển. Nay, dấu tích ban đầu của nó ở đâu? Thế hệ hôm nay và du khách phương xa có thể tham quan nơi nào?
Sài Gòn - TP HCM còn là vùng đất tiêu biểu cho sự hiếu học, vậy trường thi Gia Định là đâu mà cụ Đồ Chiểu từng lều chõng ứng thí? Di chỉ khảo cổ học xưa nhất của Sài Gòn có niên đại khoảng 2.500 năm hình thù thế nào, nay ta xem ở đâu?...
Đường sách TP HCM là một trong những không gian văn hóa cần có cho thành phố. (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)
Những câu hỏi này nêu lên ngẫu hứng, chỉ là một vài gợi ý nho nhỏ; các nhà quản lý văn hóa của thành phố có thể trả lời một cách đầy đủ nhất. Chắc chắn thế.
Di tích chỉ là di tích nếu người đương thời không biết đến và chính quyền quản lý không có chiến lược lâu dài để phát huy tác dụng của nó nhằm giáo dục cho thế hệ hôm nay và mai sau.
TP HCM chưa có nhiều không gian văn hóa để nuôi dưỡng và phát triển tâm hồn. Chúng ta có Đường sách nhưng cần có thêm những không gian cho các loại hình văn hóa - nghệ thuật khác như sân khấu, âm nhạc... đủ sức cuốn hút công chúng để tạo nên hệ sinh thái văn hóa. Ở đó, văn hóa - nghệ thuật chuẩn mực nuôi dưỡng tâm hồn, giáo dục nhân cách thông qua tác phẩm nghệ thuật; từ đó hình thành lớp công chúng dung dưỡng văn hóa - nghệ thuật có giá trị hướng thiện và nhân văn.
Nói đến phương Nam, cụ thể là Sài Gòn - TP HCM, là nói về đặc trưng sông nước (Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về). Chúng ta đã vận dụng thế nào để vừa thu hút khách du lịch vừa hướng đến sự hưởng thụ tinh thần của chính cư dân nơi này? Và, tất nhiên theo hợp lẽ về nếp sống của người Việt Nam xưa nay, cho dù hiện đại hóa, công nghiệp hóa, công nghiệp 4.0... cũng không bỏ qua yếu tố tín ngưỡng và tâm linh.
Có thể nói, hàng loạt vấn đề đã đặt ra mà các cấp chính quyền phải lưu ý đến nếu muốn tạo ra môi trường văn hóa góp phần giáo dục, vun đắp những tâm hồn dung chứa cái đẹp, giá trị nhân văn.
Cần chung tay
Chúng tôi cho rằng bất kỳ ai hễ yêu Sài Gòn - TP HCM đều có thể đóng góp tích cực.
Sực nhớ về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - một trong những nhân vật kỳ tài của lịch sử Việt Nam, giữa lúc xã hội có nhiều thay đổi, xáo trộn, cụ dựng quán Trung Tân làm nơi đàm đạo ngay tại làng xã của mình. Không vì điều gì to tát, "đao to búa lớn" mà chỉ để mọi người cùng đến, cùng trao đổi, thấm nhuần đạo đức: trung, hiếu, tín, nghĩa; thấy của không tham, thấy lợi không tranh; vui với việc nghĩa, rộng lượng với mọi người, thành tâm với công việc. Nếu được phép, chúng tôi xin gọi đó là "mô hình", vậy thời đại này có thể làm theo được không khi mà cơ chế có cả hệ thống chính trị đến từng phường, từng khu phố?
Muốn có "mẫu số chung", trước mắt cần có vai trò của nhà nước. Vai trò đó là gì? Câu trả lời là chúng ta có thể tìm thấy từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa: "Điều chỉnh và hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với tính đặc thù của văn hóa - nghệ thuật. Bổ sung chính sách kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa".
Ở đây, chúng tôi rất tâm đắc cụm từ "tính đặc thù" khi nhìn về văn hóa nói chung, văn hóa các vùng miền nói riêng - hiểu rộng ra không thể tất cả vận hành máy móc theo kiểu rập khuôn, y chang nhau, mà trong sự đồng nhất về môi trường văn hóa từ Nam chí Bắc vẫn cần có đặc trưng của từng địa phương. Nói như thế không phải là phân biệt mà rất biện chứng khi chúng ta ý thức cùng tạo ra sự đa dạng, phong phú trong đời sống văn hóa.
Có thể nói với vùng đất này, chúng ta sở hữu "mỏ vàng" đa dạng từ khảo cổ, văn hóa, lịch sử đến kinh tế đã và đang ẩn chìm dưới lớp sóng thời gian. Ai là người có trách nhiệm đánh thức nếu không là vai trò của nhà nước? Vai trò đó cần thể hiện thế nào? Nghị quyết vừa dẫn đã "bật đèn xanh" chính là: "Điều chỉnh và hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp". Vấn đề là chúng ta có mạnh dạn, có dám chịu trách nhiệm thực hiện vì lợi ích của môi trường văn hóa hay không?
Nói như thế ắt có người cho rằng suy nghĩ này quá thụ động vì chỉ mong chờ nhà nước. Đúng thế. Song, vẫn chưa đầy đủ nếu chúng ta bỏ qua vai trò của từng cá nhân, cá thể, vì chính lực lượng này quyết định sự thành công. Hơn bao giờ hết, nhà nước cần kêu gọi sự đóng góp của nhân dân, cùng chung tay hiến kế.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-4
Bình luận (0)