xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xây khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu 25 tỉ đồng

Bài và ảnh: QUANG NHẬT

Ông Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, cho rằng kinh phí 25 tỉ đồng để xây dựng là vừa phải chứ không quá lớn

Mấy hôm nay, người dân huyện Quảng Điền nói riêng và tỉnh Thừa Thiên - Huế nói chung phấn khởi khi nghe thông tin địa phương này đã có chủ trương đầu tư xây dựng Khu Lưu niệm nhà thơ Tố Hữu ngay tại quê hương của nhà thơ ở thôn Tân Xuân Lai, xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền).

Mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Ông Nguyễn Phương (73 tuổi, người gọi nhà thơ Tố Hữu bằng chú ruột) hiện sống tại thôn Tân Xuân Lai bảo rằng đó là ước vọng từ lâu không những đối với dòng họ ông tại quê hương mà còn của nhiều người dân xã Quảng Thọ. "Căn nhà tôi đã xây dựng hơn 40 năm và ngày ngày hương khói cho người chú nhưng nay đã xuống cấp nặng lắm rồi. Cuộc đời hoạt động và sáng tác thơ của chú tôi thì ai cũng biết nhưng nếu có khu lưu niệm để thờ cúng, trưng bày và giới thiệu sẽ có ý nghĩa rất lớn" - ông Phương tâm sự.

Dẫn ra khu vườn rộng nằm sát bên nhánh sông Bồ, ông Phương bảo khu đất này sắp tới đây sẽ được xây khu lưu niệm của nhà thơ. "Người ta đã di dời một số hộ dân, cắm mốc giới hết cả rồi. Khu lưu niệm kéo dài từ mép nhà tôi sang tới cạnh đường tỉnh" - ông nói.

Xây khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu 25 tỉ đồng - Ảnh 1.

Khu Lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nằm gần khu vực dự kiến xây Khu Lưu niệm nhà thơ Tố Hữu

Không những ông Phương, tới làng Tân Xuân Lai hỏi bất kỳ người nào cũng biết chủ trương xây Khu Lưu niệm nhà thơ Tố Hữu. Bà Nguyễn Thị Chất, một người bán hàng tạp hóa ven đường cạnh khu đất dự kiến triển khai xây dựng khu lưu niệm, bảo: "Tôi nghe họ nói khu vực quán tôi bán sẽ phải di dời để làm bãi đỗ xe của khu lưu niệm. Mặc dù cuộc sống có chút xáo trộn nhưng tôi thấy vui vì ước mong của người dân quê hương nhà thơ sắp thành hiện thực".

Trước đó, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Khu Lưu niệm nhà thơ Tố Hữu, tại thôn Tân Xuân Lai nhằm tri ân những đóng góp của ông cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng, xây dựng đất nước, góp phần giáo dục truyền thống và tạo điểm tham quan góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Kinh phí vừa phải?

Ông Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, cho biết sau khi được các sở, ngành góp ý kiến, địa phương đang hoàn chỉnh đề án để trình UBND xem xét, phê duyệt đầu tư. Theo ông Đức, dự án đang được giao cho Ban Đầu tư và Xây dựng khu vực Quảng Điền tiến hành các bước để chuẩn bị khởi công vào đầu năm 2019, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nhằm phục vụ dịp kỷ niệm 100 ngày sinh của nhà thơ Tố Hữu vào năm 2020 như kế hoạch của tỉnh giao.

Theo ông Đức, khu đất dự kiến xây Khu Lưu niệm nhà thơ Tố Hữu một phần diện tích hiện do xã quản lý, một phần do những người thân dòng họ của nhà thơ sử dụng. Khu vực này nằm cách Khu Lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chừng 1 km, đều thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền.

Xây khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu 25 tỉ đồng - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Phương (73 tuổi, người gọi nhà thơ Tố Hữu bằng chú ruột) chỉ khu đất dự kiến xây Khu Lưu niệm nhà thơ Tố Hữu

"Ý tưởng xây Khu Lưu niệm nhà thơ Tố Hữu là do huyện Quảng Điền xây dựng. Đây là một trong những nhà thơ cách mạng đầu đàn, từng giữ nhiều chức vụ, theo quy định là được xây khu lưu niệm. Hơn 10 năm trước, chúng tôi đã đề xuất nhiều lần nhưng chưa được. Bây giờ chúng tôi đề xuất lại. Qua nhiều lần lấy ý kiến của các sở, ngành, tiếp thu chỉnh sửa mới được tỉnh chấp thuận chủ trương nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ. Việc này Ban Bí thư cũng có kết luận, giao tỉnh làm nhà lưu niệm, trong đó thống nhất quy mô như địa phương đề xuất và vốn trung ương cấp, hoàn thành vào năm 2019" - ông Đức cho biết thêm.

Theo ông Đức, khu lưu niệm nhằm xây dựng nhà lưu niệm, nhà thờ, các chòi thơ là không gian trưng bày tư liệu cuộc đời hoạt động, sáng tác thơ của Tố Hữu để tuyên truyền cho thế hệ sau. Các cơ quan, trường học có nơi tìm hiểu về cuộc đời cũng như thơ ca của nhà thơ Tố Hữu. Bên cạnh đó, đây là nơi sẽ tổ chức các hội thảo, hoạt động của các trường học trên địa bàn liên quan đến Tố Hữu nên mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và địa phương mong muốn xây dựng từ rất lâu.

"Nói quy mô lớn thì không đúng lắm, kinh phí 25 tỉ đồng chỉ vừa phải. Nếu chỉ làm nhà thờ sẽ không có ý nghĩa, phải có chỗ lưu niệm, trưng bày để các thế hệ sau về đó biết được cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ như thế nào. Nếu so sánh với nhà lưu niệm của người này người khác thì rất khập khiễng, ở đây là công trình mang giá trị nhân văn, văn hóa thì không thể đong đếm được" - ông Đức khẳng định. 

Không để nảy sinh tiêu cực

Người đứng đầu UBND huyện Quảng Điền nói rằng mong muốn của chính quyền địa phương là làm được càng nhiều càng tốt, không phải đề xuất xây dựng để nảy sinh tiêu cực hoặc ảnh hưởng đến các chương trình, kế hoạch khác. "Quá trình làm có rất nhiều cơ quan, cộng đồng giám sát, kiểm định, việc tiêu cực đâu phải dễ xảy ra. Các hoạt động chính sách, an sinh xã hội của địa phương vẫn như kế hoạch mọi năm, không ảnh hưởng" - ông Đức cho biết thêm.

Theo phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án có diện tích khoảng 4.220 m2, bao gồm xây mới nhà lưu niệm, nhà thờ, 3 chòi thơ (22 m2/nhà). Bên cạnh đó sẽ xây dựng các hạng mục phụ trợ, như đường vào và bãi đỗ xe, sân đường nội bộ, kè bờ sông Bồ và bến nước, không gian cây xanh, sân vườn... với tổng mức đầu tư dự kiến 28 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 25 tỉ đồng.

Vinh quang của thi nhân

Trong chuyến thăm Hàn Quốc hồi đầu năm, nhân sự kiện Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018, phái đoàn nhà văn quốc tế chúng tôi có dịp đến thăm khu lưu niệm nhà văn Lee Hyoseok, người được xem là một trong những nhà văn tiên phong của văn học hiện đại Hàn Quốc.Dù cuộc đời ngắn ngủi (ông sinh năm 1907 và mất năm 1942) nhưng những tác phẩm mà Lee Hyoseok để lại đã góp phần hiện đại hóa văn học xứ kim chi.

Khu lưu niệm ông tọa lạc trên một ngọn đồi, cách Seoul nhiều giờ đi ôtô. Từ trên đồi nhìn xuống, cảnh vật bốn bề tuyết phủ tô một màu trắng dày đặc lên khung cảnh thôn quê gợi nhớ đến bối cảnh truyện ngắn nổi tiếng nhất của ông "Khi hoa kiều mạch nở" (tập truyện cùng tên đã được dịch sang tiếng Việt, được NXB Trẻ ấn hành năm 2011).

Khuôn viên khu lưu niệm khá rộng, với một bức tượng đồng của Hyoseok đang phơi mình dưới tuyết. Công trình chính vẫn là ngôi nhà nhỏ, nơi trưng bày thủ bút cũng như các tác phẩm của nhà văn. Ấn tượng nhất trong ngôi nhà thoạt nhìn bình thường như bao ngôi nhà khác, chính là một không gian nhỏ, chừng vài mét vuông, phục dựng lại căn phòng nơi sinh thời nhà văn đã ở đó viết nên các tác phẩm bất hủ của mình. Một chiếc bàn gỗ bình thường, vài quyển sách, một chiếc dương cầm đã đậy lại, một cây thông Noel do đích thân nhà văn trang trí, thể hiện sự hiện đại và hướng tới phương Tây của ông lúc bấy giờ… Phần lớn ngôi nhà dành để trưng bày các tác phẩm của ông và tuyệt đối không có bài báo vinh danh nào được treo, không có tấm bằng khen nào được đặt trang trọng, chỉ có những tác phẩm nằm lặng im đời đời ở đó, chứng tích cho một giai đoạn sơ khởi của văn học Hàn Quốc.

Vinh quang của một nhà văn chính là chỗ đó: Những tác phẩm để lại. Những giai thoại văn chương, những mối tình giữa giai nhân và thi sĩ chẳng qua chỉ là chút sắc màu tô thêm lên những thước phim tài liệu về cuộc đời một văn nhân. Thứ khiến hậu thế nhớ về họ, làm hậu thế mê say cả khi người viết nó không còn trên thế giới này nữa, đấy chính là những tác phẩm. Chỉ cần tác phẩm sống thì nhà văn còn sống, dẫu nơi lưu trữ những tác phẩm ấy có trong một cung điện, một viện bảo tàng hay chỉ trong căn nhà nhỏ trên một ngọn đồi hoang vu đi nữa.

Ngôi nhà lưu niệm văn nhân Lee Hyoseok của Hàn Quốc được thành lập và điều hành bởi con trai nhà văn. Ấy vậy, nó trở thành một địa chỉ văn hóa mà những giáo sư đại học Seoul thấy rằng phải nhất thiết giới thiệu với những nhà văn quốc tế. Ngôi nhà vùng quê ấy không làm suy giảm tầm vóc của văn chương Lee Hyoseok, cũng như tình cảm của hậu thế dành cho ông.

Từ chuyện khu lưu niệm của nhà thơ Lee, tôi muốn nói rằng chắc chắn khu lưu niệm vài chục triệu hay vài chục tỉ đồng cũng không thay đổi vị trí của Tố Hữu trong lịch sử thơ ca cách mạng Việt Nam. Xây khu lưu niệm cho Tố Hữu phải hợp với thơ Tố Hữu, nhà thơ mà lúc sinh thời luôn khẳng định rằng thơ ca mình xuất phát từ quần chúng, viết cho quần chúng như những vần thơ trong bài "Từ ấy" sáng tác hồi năm 1938, tròn 80 năm trước, lúc Tố Hữu còn trẻ và lý tưởng:

"Tôi đã là con của vạn nhà/ Là em của vạn kiếp phôi pha/ Là anh của vạn đầu em nhỏ/ Không áo cơm, cù bất cù bơ..."

Huỳnh Trọng Khang

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo