Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đang soạn thảo dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND), nghệ sĩ ưu tú (NSƯT). Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Trịnh Thị Thủy, cho biết nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT thay thế Nghị định 89/2014/NĐ-CP và Nghị định 40/2021/NĐ-CP nhằm hoàn thiện, khắc phục những bất cập, mang lại cơ sở pháp lý đầy đủ hơn trong việc xét tặng danh hiệu.
Quy định mới này sẽ theo tiêu chí mang tính bao trùm, tránh bỏ sót. Bởi thực tế ở một số thành phố lớn, nhiều nghệ sĩ tài năng hoạt động tự do, không thuộc các đơn vị nghệ thuật công lập hoặc các nhóm nghệ sĩ xã hội hóa có nhiều đóng góp cho lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, ca múa nhạc và nhiều bộ môn nghệ thuật khác cần sớm được bổ sung để xét tặng danh hiệu.
NSND Minh Vương, NSND Thanh Tuấn, NSND Lệ Thủy (từ trái sang) trong ca cảnh “Quán gấm đầu làng”, trong chương trình chào mừng các nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT tổ chức tại TP HCM
Theo NSND Trọng Hữu, đây là yếu tố mới mở ra cơ hội được phong tặng cho nhiều người hoạt động nghệ thuật hơn. Việc bổ sung một số đối tượng hoạt động nghệ thuật nhằm bảo đảm quyền lợi cá nhân người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật là điều cần thiết. "Các thành phần sáng tạo âm thầm đứng sau những thành quả nghệ thuật rất cần được quan tâm. Họ không có cơ hội tham gia các hội diễn, liên hoan của riêng lĩnh vực mình làm như: thiết kế ánh sáng, đạo cụ, phục trang, hóa trang, đồ họa mỹ thuật... mà hiện nay còn có cả thiết kế hình ảnh với công nghệ mới" - NSND Trọng Hữu nói.
NSND Thanh Tuấn trăn trở: "Mỗi đợt xét tặng danh hiệu cần có sự cải tiến để tránh bỏ sót người có công lao đóng góp lớn. Những lời than trách, dư luận trái chiều mỗi lần xét tặng danh hiệu trong thời gian qua đã khiến người trong nghề làm văn hóa nghệ thuật cảm thấy chạnh lòng".
Không ít người trong cuộc đã tâm tư với tiêu chí đối với danh hiệu NSND bên cạnh các quy định chung, nghệ sĩ cần có ít nhất 2 giải vàng quốc gia, trong đó một giải vàng cá nhân hoặc có ít nhất 3 giải vàng quốc gia nếu không có giải vàng cá nhân. Trong trường hợp bản thân nghệ sĩ không có điều kiện tham gia các hội diễn, liên hoan nhưng đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp chung thì sẽ được xem xét trên tiêu chí nào?
"Không nên đợi đến khi báo chí lên tiếng, dư luận bàn tán về một số trường hợp có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật nhưng thiếu huy chương mới trình Thủ tướng quyết định mà cần phải có sự rà soát trước và vai trò của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật, các hội chuyên ngành có ý kiến ngay từ vòng thẩm định tại địa phương, để tránh làm tổn thương nghệ sĩ" - NSƯT Lê Thiện nêu ý kiến.
Trong lần sửa đổi nghị định này, đối tượng xét tặng danh hiệu được bổ sung "người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật" bên cạnh nghệ sĩ biểu diễn vẫn được xét tặng lâu nay. Đối với người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật phải có tác phẩm xuất sắc, có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật được công chúng yêu thích, có ít nhất 2 tác phẩm đoạt giải vàng quốc gia. Đối với danh hiệu NSƯT, cá nhân hoạt động nghệ thuật có ít nhất 2 giải vàng quốc gia, hoặc ít nhất 1 giải vàng quốc gia và 2 giải bạc quốc gia, hoặc 3 giải vàng quốc gia nếu không có giải vàng cá nhân đều được xét tặng.
Theo NSND Thoại Miêu, các nghệ sĩ đang làm công tác giảng dạy, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho văn hóa nghệ thuật cũng cần được quan tâm. Bà đề nghị cần có sự quan tâm đặc biệt đến những nghệ sĩ thuộc các thành phần sáng tạo văn hóa nghệ thuật truyền thống như: nghệ thuật dù kê của đồng bào Khmer; nghệ thuật hát bội, tuồng; nghệ thuật chèo, dân ca bài chòi...
Bình luận (0)