Bộ sưu tập (BST) Thu - Đông 2020 của Gucci mới ra mắt gần đây tại Tuần lễ Thời trang Milan tạo nên luồng tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng Gucci ra mắt những thiết kế thảm họa. Không ai còn nhận ra sự tinh tế, sang trọng với tinh thần cổ điển đậm chất Phục Hưng của nhà mốt danh tiếng của Ý này bởi những bộ cánh kết hợp nhàm chán, có phần già dặn.
Xóa mờ định kiến giới tính
Không phải đến khi ra mắt BST thời trang Thu Đông 2020, nhà tạo mốt Alessandro Michele, giám đốc sáng tạo của Gucci từ 2015 đến nay và cũng là người vực dậy Gucci sau cơn khủng hoảng trước đó, mới vấp phải những ý kiến trái chiều. Trước đó, khi quyết định đổi kiểu chữ cho logo Gucci, ông cũng đã nhìn thấy không ít nụ cười "xem thường" của người khác. Nhưng ít ai biết rằng chữ viết nguệch ngoạc hay loạt thiết kế gồm váy baby doll, cổ áo peter pan, áo len thêu màu sắc hay phụ kiện hộp đựng sữa... đều mang ý nghĩa gợi nhớ tuổi thơ của mỗi người, trong đó có Alessandro Michele. Hình ảnh mẫu nam mặc váy là hướng đi mới của thương hiệu này nhằm tôn vinh Kurt Cobain với tinh thần Grunge cùng trang phục mang dấu ấn đậm nét của rocker huyền thoại. Ngoài ra, hãng này cũng muốn sử dụng các thiết kế trong BST Thu - Đông 2020 để ngụ ý rằng: "Sự đa dạng nam tính không ràng buộc khuôn mẫu".
Hình ảnh mẫu nam mặc váy chính là hướng đi mới của thương hiệu Gucci
Mẫu thiết kế váy dành cho nam tại New York fashion week 2020 Ảnh: Elle
Thời trang không có lằn ranh phân biệt giới tính và sự sáng tạo trong thời trang cũng không có giới hạn. Đây chính là tinh thần chung của nhiều nhà thiết kế khi định hướng nên xu hướng thời trang năm nay. Nhà mốt Kim Jones của thương hiệu Dior tạo nên một định nghĩa nam tính mới. Ông muốn mang đến nhiều cảm xúc hơn trong thời trang nam đã nhàm chán suốt thời gian qua nên đã phối những bộ suit chỉn chu đi với loạt áo khoác opera của nữ với bông hoa xếp tầng lạ mắt, đôi găng tay dáng dài… được biến tấu phù hợp với nam giới bằng chất liệu cứng cáp. Giới thời thượng nhận ra chút gì đó ngông cuồng được giám đốc sáng tạo Dior sắp xếp một cách trật tự, tỉ mỉ để người mặc cảm nhận được sự thoải mái, dễ chịu với những bộ cánh nhiều họa tiết song vẫn đậm tinh thần thời trang cao cấp. Pier Paolo Piccioli của Valentino kết hợp tinh thần streetwear cùng cảm hứng nghệ thuật hội họa khi phô trương sự nổi bật bằng tông màu cam, hòa quyện túi xách đeo chéo dáng hộp và shopping bag trên trang phục in hoa lãng mạn hay áo phao oversized mang tinh thần thời trang cao cấp. Những câu slogan âm hưởng đường phố được Valentino làm mới lại bằng các nét vẽ tinh tế của một nghệ sĩ hội họa.
Tờ Vogue nhận định 2020 là năm có nhiều chuyển biến trong thời trang. Thông qua những BST Thu - Đông 2020 vừa được trình làng, không chỉ Kim Jones mà nhiều nhà mốt danh tiếng khác đều hướng đến mục tiêu xóa mờ định kiến giới tính trong thời trang theo cách tài tình nhất. Họ đã tạo ra một trào lưu mới khi cởi bỏ ý niệm "sự nam tính" và giá trị hiện hữu trong thời trang. Đây được đánh giá như sự cấp tiến không phải ai cũng có thể đưa vào thiết kế nhằm thể hiện tính nữ bên trong, song đâu đó tinh thần mạnh mẽ vẫn là chủ đạo.
Tiếng nói cá nhân
Không cố "gồng mình" theo xu hướng, các nhãn hiệu thời trang từ cao cấp đến trung cấp hay bình dân đều cố gắng cất tiếng nói của cá nhân mình với xu hướng của riêng họ. Phục trang không thể cất lên tiếng nói mạnh mẽ nếu không có các yếu tố khác như ai là người mặc nó và câu chuyện đằng sau mỗi thiết kế. BST của Marine Serre lấy cảm hứng từ những vấn đề con người đang gặp phải, nổi bật là thông điệp bảo vệ môi trường qua cách phối những lớp áo len không theo quy luật nào hay chiếc váy trông như được cắt ghép từ các mảnh vải khác nhau. Yves Saint Laurent (YSL) đưa lên sàn diễn một BST mang đậm hơi thở thời trang những năm 1980 với chất liệu da bóng nhiều màu sắc gây chú ý. Nhà thiết kế này hướng mọi tác phẩm của mình theo hướng ủng hộ phong trào Me Too rất riêng. Trong khi đó, xuyên suốt 77 thiết kế trong BST "Dior Haute Couture Xuân - Hè 2020", nhà tạo mốt Maria Grazia Chiuri tái hiện trọn vẹn vẻ đẹp và sức mạnh của những nữ thần Hy Lạp cổ qua màu sắc, phom dáng và kỹ thuật thủ công tinh xảo. BST đề cao việc tôn vinh vẻ đẹp phái nữ và sức mạnh nữ quyền. Với BST "Ký ức - Memories", nhà tạo mốt Anh quốc Riccardo Tisci của Burberry lại truyền đi thông điệp bền vững và sự chia sẻ trách nhiệm gìn giữ môi trường của thời trang với việc giảm thải carbon, đồng thời lên kế hoạch trồng lại cây ở các khu vực bị tàn phá bởi cháy rừng ở Úc. Dolce & Gabbana tiếp tục khẳng định sự thanh lịch, quyến rũ và có tính ứng dụng cao trong các mẫu thiết kế của mình với nhiều thiết kế đa dạng, từ chiếc áo khoác len dày cộm, chân váy dệt kim lấp lánh đến bộ đầm xuyên thấu quyến rũ. Hầu hết trang phục đều màu đen - một quyết định khá lạ lẫm đến từ Dolce & Gabbana. Gam màu đơn giản này mang mục đích nhấn mạnh sự lành nghề của những người thợ thuộc nhà mốt Ý.
Nhà thiết kế Donatella Versace khẳng định: "Versace không muốn giới trẻ hoài niệm về quá khứ để rồi trở nên bảo thủ". Vậy nên, bà đã cho ra mắt những bộ trang phục tối giản với màu đen làm chủ đạo, phong cách preppy (váy đồng phục xếp pli, giày gót thấp, váy suôn…; họa tiết kẻ sọc thủy thủ, tông màu pastel) cùng những trang phục in họa tiết neon sặc sỡ cực kỳ ấn tượng. Thương hiệu Bottega Veneta đã tạo nên một BST dành cho thế hệ millennial (những người trẻ sinh năm 1980 đến 1998), với mục đích "kết nối lễ phục và phong cách đường phố".
Còn Moschino lại tìm thấy nhiều điểm tương đồng giữa xã hội hiện đại (phong cách đường phố Harajuku) và vẻ đẹp hoàng tộc Pháp thế kỷ XVII.
Tất cả những điều này khẳng định thời trang 2020 sẽ không có một xu hướng cụ thể. Thay cho sự bó hẹp của xu hướng chính là tinh thần thích gì mặc nấy, miễn sao bộ trang phục thể hiện được tiếng nói, nâng cao thần thái và tạo nên cá tính riêng cho người mặc là đủ. Một bộ đồ chất liệu da nhân tạo thể hiện xu hướng thời trang bền vững và bảo vệ động vật (cruelty-free) đầy chất chơi của Givenchy hay bộ cánh chấm bi đầy tính hoài niệm của Dries Van Noten, Tory Burch, Michael Kors, Moschino, Lanvin, Maison Margiela, Celine… đều trở thành "mốt" trên đường phố nếu người mặc thấy thích.
Dấu ấn nữ quyền
Prada với BST "Sự hào nhoáng siêu thực" mang tuyên ngôn nữ quyền. Hay Fendi đem lại những thiết kế cho người phụ nữ "mạnh mẽ, độc lập và tự do trong nét đẹp nữ tính truyền thống". Khái niệm đấu tranh nữ quyền tại đế chế Dior tiếp tục được khắc họa sắc nét. Hình ảnh bông hoa xuất hiện liên tục từ áo khoác, giày tây cho đến túi xách gợi nhớ đến cuộc đấu tranh nữ quyền đầu tiên trên thế giới mang tên "Flower Power", bằng việc sử dụng những bông hoa xinh đẹp, nữ giới kêu gọi chấm dứt chiến tranh. So với cách đấu tranh trực diện và ồn ào kiểu in slogan lên áo đầy tính thương mại như trước đây, cách làm "ẩn dụ" của thời trang hiện nay mang nhiều ý nghĩa hơn.
Bình luận (0)