Ngoài ra, kỹ thuật này còn được dùng để sản xuất nước uống và tưới tiêu nông nghiệp.
Ý tưởng "vắt mây" đang được thử nghiệm tại quần đảo Canary - Tây Ban Nha, tận dụng "biển mây" đầy độ ẩm treo lơ lửng trên khu vực. "Những năm gần đây, Canary đã bị sa mạc hóa nghiêm trọng và chúng tôi mất rất nhiều rừng do hoạt động nông nghiệp. Tới năm 2007-2009, biến đổi khí hậu đã góp phần làm bùng lên các đám cháy lớn tại những khu rừng vốn thường xuyên ẩm ướt" - ông Gustavo Viera, Giám đốc kỹ thuật dự án Life Nieblas do nhà nước tài trợ, cho biết.
Theo ông Viera, Life Nieblas (niebla: sương mù, theo tiếng Tây Ban Nha) ra đời và nhận được sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu. Mục đích của dự án là tìm kiếm các phương pháp cung cấp nước cho những khu vực núi non mà không cần xây dựng cơ sở hạ tầng hay sử dụng nhiên liệu hóa thạch để khai thác nước ngầm từ giếng sâu.
Mô phỏng cách lá các loài nguyệt quế bản địa thu nước từ sương mù, các nhà khoa học dựng những tấm lưới nhựa trên đường đi của gió. Khi gió thổi sương mù qua lưới, các giọt nước tụ lại và rơi xuống thùng chứa bên dưới, sau đó được dùng để tưới cây giống cho đến khi có đủ lá tự thu thập nước.
Gió rất quan trọng trong mô hình này song chính nó lại trở thành vấn đề khi phá hủy tất cả phần khung lưới, chỉ trừ những chi tiết nhỏ nhất. "Chúng tôi đã phát triển một hệ thống mô phỏng lá thông. Các lá kim loại mỏng trên khung vừa thu nước hiệu quả vừa cho phép không khí lưu thông qua. Hệ thống kiểu này dễ ứng dụng ở nhiều địa điểm và cũng dễ vận chuyển" - ông Viera nêu cách giải quyết.
Trong mô hình này, nước được tháo ra tự động mà không cần nguồn cấp năng lượng, cũng không phát thải CO₂. Ngoài ra, không cần dùng hệ thống cơ khí nào để vận chuyển nước, không cần điện để vận hành tưới tiêu và không phải khai thác mạch nước ngầm hay sông suối; chỉ cần nguồn năng lượng duy nhất để xây dựng các bộ thu và đưa chúng vào vị trí.
Một kỹ thuật hơi khác cũng đang được áp dụng để tái tạo rừng tại một mỏ đá bỏ hoang ở Garraf, khu vực đồi núi phía Nam Barcelona - Tây Ban Nha. Ông Vicenç Carabassa, nhà khoa học trưởng của dự án kiêm chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu sinh thái - Ứng dụng lâm nghiệp thuộc Trường ĐH Tự trị Barcelona, cho biết: "Chúng tôi sử dụng bộ thu nước cá nhân, loại thiết bị dùng ngăn các loài ăn cỏ ăn cây non. Chúng thu nước mưa và sương nặng hạt vào các buổi sáng mùa hè, đồng thời tạo bóng râm".
Theo ông Carabassa, sương mù lý tưởng cho kỹ thuật này là loại xuất hiện ở nhiều vùng Địa Trung Hải và phía Bắc Bồ Đào Nha. Ngoài quần đảo Canary, nhiều khu vực khác cũng áp dụng cách thu nước từ sương mù, như ở Chile và Morocco. Chẳng hạn, báo Guardian cho biết phương pháp "vắt mây" đang góp phần cung cấp nước uống và nước tưới cho ngôi làng ven biển Chungungo ở tỉnh Coquimbo - Chile. Trong khi đó, ở đảo quốc Cape Verde, các bộ thu nước Life Nieblas kết hợp với khung gỗ làm tại địa phương hiện đem lại 1.000 lít nước/ngày, dùng tưới cây trồng và cho gia súc uống.
Khẳng định lợi ích của phương pháp này, ông Viera nhấn mạnh tại hẻm núi Barranco del Andén ở Gran Canaria - Tây Ban Nha, 35,8 ha rừng đã được tái tạo. "Chúng tôi đã phục hồi khả năng hấp thụ carbon từ khí quyển của rừng và ước tính dự án hấp thụ khoảng 175 tấn CO₂/năm" - ông Viera thông tin.
Theo Guardian, dự án Life Nieblas không chỉ tiết kiệm nhiên liệu hóa thạch, giảm phát thải CO₂ mà còn ít tốn kém và sử dụng ít nước hơn các phương pháp phục hồi rừng truyền thống.
Bình luận (0)