Mỗi dịp Tết đến, điều chị Hoàng Thị Thúy Hoa (công nhân làm việc tại một công ty ở KCX Linh Trung I, TP Thủ Đức, TP HCM) trông chờ nhất là công ty sẽ thưởng bao nhiêu, trả lương trước hay sau Tết, cho nghỉ bao nhiêu ngày… để mua vé xe và dự tính các khoản chi tiêu để về quê đón Tết.
Quê ở tận Thái Nguyên nhưng năm nào chị cũng cố gắng về quê ăn Tết bởi đây là dịp duy nhất trong năm, chị được ở cạnh chồng cùng cô con gái mới 7 tuổi. Chị kể, trước đây, cả hai vợ chồng chị đều làm công nhân tại TP HCM nên cứ cách 2 năm, vợ chồng chị mới về quê đón Tết một lần. Tuy nhiên, kể từ lúc dịch, cha mẹ chồng chị sức khỏe yếu đi, vợ chồng chị bàn bạc để chồng chị và con gái về quê sống cùng ông bà để phụng dưỡng còn chị ở lại làm việc kiếm tiền, cố gắng để con được ăn học đến nơi đến chốn.
Một mình ở TP HCM nên 2 năm nay chị Hoa đều cố gắng về quê ăn Tết để được sum họp. Chị kể, mỗi lần về quê rất tốn kém vì mọi chi phí đều tăng cao, giá vé xe bình thường chỉ xấp xỉ 1 triệu đồng nhưng dịp Tết sẽ tăng ít thấp nhất 50%, đó là chưa kể đường đi vất vả, có khi bị nhà xe "bán khách" giữa đường. Hơn nữa, công ty chị thường cho nghỉ Tết trễ (29 tháng Chạp) nên có năm, chị đã phải đón giao thừa trên xe. Dù vậy, năm nay, chị vẫn quyết định về quê. "Năm nào cũng hết Tết là hết tiền vì vậy để tiết kiệm tối đa, năm nay, ngoài phần quà của công ty, tôi không mua thêm bất cứ món quà cáp nào mà sẽ chuyển tất cả tiền thưởng Tết cho chồng để mua sắm cho ông bà, con cái và lo Tết ở nhà. Mình cũng nhẹ gánh, không phải lỉnh kỉnh đồ đạc về quê"-chị nói. Chị nói thêm quy định của công ty là mỗi tháng công nhân chỉ được nghỉ phép một ngày nên chị rất khó xin nghỉ dài ngày để về quê vào các dịp khác trong năm, còn nếu xin nghỉ không lương thì năm đó các khoản thưởng cũng sẽ bị ảnh hưởng. Đó là lý do chị chỉ về quê vào đợt Tết.
Dù trải qua một năm vô cùng khó khăn, nghỉ chờ việc không lương mấy tháng nhưng vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngọc Hoa (công nhân Công ty TNHH 3Q Vina, quận 8) mong ngóng từng ngày để được về quê ăn Tết cùng gia đình bởi cả hai người con của chị đều đang được ông bà nội ở An Giang chăm sóc. Chị Hoa kể, chưa có năm nào khó như năm nay, có giai đoạn cả hai vợ chồng đều thất nghiệp, không có tiền gửi về quê cho các con, vợ chồng chị cũng phải nhịn ăn nhịn mặc. "Dù khó, chúng tôi vẫn muốn được về quê ăn Tết để được gần các con. Vì vậy, vợ chồng tôi đều đang cố gắng làm việc để có tiền về quê"- chị Hoa tâm sự. Chị cũng nói thêm, năm nay chị sẽ ăn tết tiết kiệm nhất có thể để dành tiền lo cho con, thay vì đi xe ngoài, anh chị sẽ tự chạy xe máy để về quê.
Tương tự, các con đều gửi ông bà ngoại ở Hà Tĩnh nuôi nên năm nào chị Trần Thị Diệu, công nhân Công ty TNHH giày Dona standard Việt Nam (tỉnh Đồng Nai) cũng cố xoay xở để về quê. Chị kể từ khi hai vợ chồng chị ly hôn cách đây 4 năm, một mình chị gồng gánh nuôi con, vừa đi làm công nhân vừa đi buôn bán online để kiếm thêm. Đầu tắt mặt tối với công việc nên hai năm trước chị đã phải gửi con về quê cho ông bà chăm sóc. Chị kể dù hiện giờ có thể liên lạc với con dễ dàng nhờ có mạng xã hội nhưng cả năm không gặp, chị vẫn rất nhớ con nên Tết nay, chị nhất định phải về dù đường xa, đi lại vất vả, chi phí cũng đắt gấp đôi ngày thường. "Vì còn phụ buôn bán hoa Tết nên năm nay, dự tính sáng 30 Tết tôi mới về quê, về đến nhà là trưa mùng 1. Nghĩ đến đoạn đường về quê bị say xe rồi tình trạng nhồi nhét tôi cũng sợ nhưng để gặp được con, tôi chấp nhận vì ngày thường tôi rất khó để xin nghỉ phép về quê"-chị kể.
Bình luận (0)