Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là một trong những người cuối cùng cúi đầu trước linh cữu Giáo hoàng Francis, khép lại ba ngày đón dòng người nối dài từ khắp nơi trên thế giới.
Số lượng người đến viếng cố Giáo hoàng 88 tuổi người Argentina đã vượt xa con số 195.000 người từng đến tiễn biệt cố Giáo hoàng Benedict XVI vào năm 2022.

Biển người xếp hàng dài qua Quảng trường Thánh Peter để tỏ lòng thành kính với Giáo hoàng Francis. Ảnh: COURTESY
"Giáo hoàng Francis thật vĩ đại! Ngài yêu thương mọi người, mọi tôn giáo" - ông Igho Felici (53 tuổi, quốc tịch Ý) xúc động chia sẻ với ABS-CBN News sau khi được lần cuối được nhìn thấy Giáo hoàng Francis hôm 25-4.
"Chúng tôi yêu mến Đức Giáo hoàng, chúng tôi cảm thấy may mắn khi được gặp ngài lần cuối" - anh Michelle Alcaide, 35 tuổi, cũng đến từ Philippines, nói thêm khi đang xếp hàng.

Nhiều người đến viếng đã khóc khi tới viếng Giáo hoàng Francis. Ảnh: AP
Suốt cả ngày qua, dòng người đã chen chúc trên đại lộ Via della Conciliazione rộng lớn dẫn đến Vương cung thánh đường Thánh Peter. Người hành hương, khách du lịch và người dân Ý đang nghỉ lễ hòa lẫn thành một dòng người bất tận, tất cả cùng mang chung một lòng thành kính.
Thi hài Giáo hoàng Francis được đặt trong cỗ áo quan bằng gỗ đơn sơ. Ngài mặc áo lễ đỏ, đội mũ trắng, đi giày đen và đeo tràng hạt quanh ngón tay.
Nghi lễ đóng nắp quan tài đã được thực hiện riêng tư vào tối 25-4 (giờ địa phương).
Theo truyền thống Công giáo, một tấm khăn lụa trắng phủ lên gương mặt ngài và một túi nhỏ chứa đồng xu cùng huy chương đúc trong suốt 12 năm ngài làm giáo hoàng được đặt bên trong quan tài.

Nghi lễ trước khi đóng nắp quan tài cố Giáo hoàng Francis vào tối 25-4. Ảnh: Vatican News

Ảnh: Vatican News

Ảnh: Vatican News
Vatican cho biết an ninh đã được thắt chặt tối đa. Khu vực xung quanh Nhà thờ Thánh Peter bị phong tỏa, cấm máy bay không người lái, các tay bắn tỉa bố trí trên mái nhà, trong khi máy bay chiến đấu luôn trong trạng thái sẵn sàng.
Cảnh sát thiết lập thêm các chốt kiểm soát mới trong đêm 25-4.

An ninh được thắt chặt để bảo vệ những người tham dự lễ tang Giáo hoàng Francis. Ảnh: GIUSEPPE LAMI/EPA-EFE/SHUTTERSTOCK
Vatican cũng đã cấm chụp ảnh bên trong Vương cung thánh đường Thánh Peter nhằm duy trì sự trang nghiêm. Quyết định này được đưa ra sau khi nhiều người dân chụp hình bên linh cữu, gây lo ngại về trật tự và sự tôn kính.
Quảng trường Thánh Peter sẽ mở cửa trở lại vào lúc 5 giờ 30 sáng ngày 26-4 (giờ địa phương) để bắt đầu đón khoảng 200.000 người dự kiến tham dự tang lễ chính thức Giáo hoàng Francis.
Tổng thống Donald Trump nằm trong số 50 nguyên thủ quốc gia tham dự lễ tang cố Giáo hoàng Francis. Nhà lãnh đạo Mỹ tới Rome – Ý cuối ngày 25-4 trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ hai.
Hơn 130 phái đoàn nước ngoài khác cũng đã xác nhận tham dự tang lễ Giáo hoàng Francis, bao gồm Tổng thống Argentina Javier Milei, Hoàng tử Anh William …
Giáo hoàng Francis sẽ yên nghỉ trong một ngôi mộ đơn sơ, chỉ khắc vỏn vẹn dòng chữ "Franciscus", tông hiệu của Giáo hoàng Francis theo tiếng Latin.
Mọi người sẽ được viếng mộ cố Giáo hoàng Francis từ sáng Chủ Nhật ngày 27-4.

Tổng thống Donald Trump cùng Đệ nhất phu nhân Melania Trump trả lời nhanh giới truyền thông tại Washington hôm 25-4, trước khi rời Nhà Trắng đến Rome – Ý để tham dự tang lễ Giáo hoàng Francis. Ảnh: Jim Lo Scalzo/EPA-EFE/Shutterstock
Bình luận (0)