Từ vùng đất thuần nông, nơi đây nhanh chóng trở thành địa chỉ cung ứng hoa cho nhiều địa phương.
Tháng cuối năm, sau những ngày mưa, trời hửng nắng. Con đường từ ngã ba sông Vệ về xã Nghĩa Hiệp (thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) một bên là dòng sông nước đục ngầu, một bên là những vườn trồng hoa cúc, hoa hồng trải dài.
Sống được với nghề
Anh Lê Văn Lam (ngụ thôn Hải Môn, xã Nghĩa Hiệp) có nhà ở bên đường liên thôn. Anh đang kê lại những chậu hoa từ gốc đến ngọn lá xanh rờn, phía trên bắt đầu lấm tấm nhiều nụ kim.
Thấy tôi, anh cười, nói: "Mấy bận nghe đài báo bão cũng lo lắm. Nhưng rồi chỉ mưa gió kéo dài. Đến thời điểm này không có lụt lớn nên nhà vườn không phải lo kê chậu lên cao. Cũng nhờ không có lụt lớn nên hoa năm nay khá tốt. Ban ngày mình lo chăm bón, sửa cành. Đêm xuống thì giăng đèn nên cả thôn, cả xã sáng như sao sa để kìm hoa lại, không cho nở sớm. Thời tiết cứ như này mãi thì Tết năm nay hoa đẹp lắm".
Không chỉ anh Lam, mà chủ của những nhà vườn ven sông Vệ đang rất hy vọng hoa Tết năm Ất Tỵ sẽ đẹp hơn nhiều.
Vùng trồng hoa ven sông Vệ gồm xã Nghĩa Hiệp, Nghĩa Mỹ của thị trấn Sông Vệ. Đã thành lệ, hằng năm đến tháng 2 âm lịch là nhà nhà lo mua khuôn đúc chậu rồi đem phơi trong sân nhà, bên lối đi. Đến trung tuần tháng 8 âm lịch thì "chung một đường kẻ trước người sau" lên xứ sương mù Đà Lạt mua cây giống đem về trồng.
Thuở ban đầu, nơi đây chỉ vài hộ lên Đà Lạt chơi, thấy bà con trồng hoa cúc bèn mua ít về trồng trong vườn nhà. Ai ngờ, hoa lấy giống từ xứ sương mù trồng trên đất phù sa ven sông Vệ trong sự chăm bón của bà con đã vươn cành trổ hoa, sắc hoa vàng rực rỡ.
Cứ vài người trồng được thì người khác hỏi thăm rồi trồng. Và cứ thế, cứ thế, việc trồng hoa cúc lan ra cả làng. Nghĩa Hiệp trở thành làng hoa lúc nào không hay.
Rồi cũng chẳng ai còn nhớ, từ Nghĩa Hiệp - vùng cuối sông Vệ, hoa cúc lan dần lên thị trấn Sông Vệ rồi đến Nghĩa Mỹ, tạo nên làng hoa trải dài ở bờ Bắc sông Vệ. Thậm chí còn lan qua bờ Nam là xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức. Thấy quê nhà đất hẹp, một số nhà vườn trẻ tuổi ở ven sông Vệ bèn vào thị xã Đức Phổ hoặc ra huyện Bình Sơn thuê đất trồng hoa.
Bà con trồng được hoa, trước kia khi Tết đến xuân về là đem lên chợ sông Vệ, chợ Nghĩa Mỹ bày bán. Sau đó được đà, mở rộng ra toàn tỉnh rồi vươn đến các tỉnh miền Trung. Lệ thường, cuối tháng 12, tư thương các huyện trong tỉnh và các tỉnh đổ về đặt cọc mua hoa. Đến khoảng 20 tháng chạp là đến thanh toán tiền nong cho nhà vườn, rồi thuê xe chở hoa về bán.
Người trồng hoa chỉ chờ đến ngày đó để kết thúc sự bận rộn với nghề, có ít tiền để mua sắm chi dùng khi Tết đến xuân về. Chỉ tính riêng ở Nghĩa Hiệp, hiện có hơn 600 hộ trồng hoa, chủ yếu là cúc. Tết năm ngoái, doanh thu 43 tỉ đồng.
Thấy nghề trồng hoa đem lại nguồn thu nhập khá cho dân, địa phương đã lập hồ sơ. Rồi đến tháng 1-2023, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) công nhận nhãn hiệu hoa Nghĩa Hiệp. Tiếp đến tháng 5-2023, nhà vườn Võ Văn Vân với bộ hoa cúc, hoa hồng và dạ yến thảo đã được công nhận sản phẩm OCOP.
Những thông tin này là sự động viên rất nhiều đối với người trồng hoa vùng ven sông Vệ. Bởi có nhãn hiệu, thương hiệu thì càng có điều kiện để cây hoa vươn dài ra các tỉnh để bà con sống được với nghề trồng hoa.
Kỳ công
Hoa cúc được cho là đẹp thì hoa phải lớn, sắc vàng tươi và đặc biệt là từ gốc đến ngọn lá phải xanh. Chính vì vậy, nhà vườn phải cố gắng giữ lá chân của chậu.
Mùa đông mưa nhiều, nhà vườn lo kiểm tra rồi bơm thuốc chống nấm. Khi trời đang nắng, mưa trút xuống là sau đó nhà vườn vội vàng bơm nước tưới hoa. Người ở xa tới thấy lạ kỳ, bởi trời mưa mà vẫn bơm vẫn tưới. Nhưng cách làm này mới giải phóng hàm lượng axít cao trong nước mưa đã bám vào cây. Nếu làm chậm trễ thì cây nẫu cánh, rụi ngọn, có ra hoa cũng chẳng đẹp.
Nhưng để có những chậu hoa cúc mãn nhãn người mua thì không chỉ có thế. Vùng trồng hoa nằm ở hạ lưu sông Vệ, nên mùa mưa bão, nước từ thượng nguồn đổ về dâng lên, quét vô làng có năm gây ngập sâu.
Nhà vườn sau những cơn lũ mới nghĩ cách tận dụng chậu hoa cũ úp lại, rồi kê chậu hoa mới trồng lên trên. Nhưng con nước sông Vệ có năm như trêu ngươi nhà vườn, lại dâng cao hơn một chút. Nhà vườn bèn đúc thêm chậu nhỏ kê thành hai tầng rồi mới đặt chậu hoa lên.
Có người trồng cả vài ngàn chậu nên vợ chồng bỏ công không xuể, bèn nghĩ cách lên chợ sông Vệ mua ghế nhựa, thùng nhựa (loại đựng sơn), khi nước dâng lên thì dùng để kê chậu hoa. "Trồng được hoa bán ra thị trường đã khó. Nhưng thị trường hoa theo thời gian cũng chịu sự cạnh tranh gay gắt" - chị Nguyễn Thị Nga ở thôn Đông Mỹ, xã Nghĩa Hiệp, bộc bạch.
Từ chậu có đường kính 50 cm, bà con chuyển sang đúc chậu có đường kính lên 70 cm hoặc 1 m để khách hàng mua đặt trong sân nhà biệt thự, trong sân vườn của cơ quan công sở. Thị trường hoa càng phong phú thì chậu hoa cúc phải đẹp và giá cả cũng phải mềm hơn.
Anh Trần Quang Trung ở thôn Đồng Viên, xã Nghĩa Hiệp, sau khi lên Đà Lạt mua cây giống hoa cúc từ cơ sở nuôi cấy mô chuyển về, bèn đem giâm cành, trồng để bán cho bà con xung quanh cũng như một số cơ sở trồng hoa cúc ở tỉnh ngoài. Ông Trương May ở thôn Hải Môn, thấy hoa cúc bị cạnh tranh nhiều thì vừa trồng hoa cúc vừa trồng hoa hồng để có bán quanh năm, nhất là Tết đến xuân về.
Không chỉ trồng hoa hồng, bà con còn trồng hoa mào gà, vạn thọ. Những loài hoa dung dị này cũng được nhiều khách hàng đón nhận để trang điểm sân vườn. Âu cũng là cách tìm về dấu xưa.
Rồi cũng từ nghề trồng hoa, một số hộ dân ở thôn Thế Bình, xã Nghĩa Hiệp chuyển sang làm cơ sở đúc chậu hoa cây kiểng. Ngoài những mẫu đúc sẵn, bà con còn nhận đúc những mẫu chậu theo ý của người tiêu dùng, góp phần làm nên sự đa diện của làng hoa.
Phát triển du lịch xanh
Cũng từ việc trồng hoa cúc, chị Trần Thị Thanh Hà ở thôn Đồng Viên, xã Nghĩa Hiệp ra tỉnh Bắc Giang học hỏi kỹ thuật làm trà từ loài hoa cúc kim bông nhỏ rồi về trồng hoa trên diện tích 300 m2 ở gần trụ sở UBND xã.
Từ kết quả ban đầu, chị mở rộng vùng trồng hoa cúc với diện tích 3.000 m2. Khác với việc trồng hoa để bán, trồng hoa làm trà phải chọn nơi đất sạch, không được phun thuốc trừ sâu và công đoạn xử lý hoa ướp trà phải đem sấy nhiệt hoặc sấy lạnh mới giữ được dưỡng chất và sắc màu của hoa. Sản phẩm trà hoa cúc đã bắt đầu vươn ra thị trường và huyện Tư Nghĩa cũng hy vọng sẽ là sản phẩm OCOP của địa phương.
Ông Trần Thiên Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa, cho hay những năm qua, trong sự nỗ lực của nhà vườn, địa phương cũng sớm xác định đây là thế mạnh để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống cho người dân.
Theo ông Thanh, Tư Nghĩa nằm giữa đôi dòng sông Vệ và Trà Khúc. Vùng ven sông Vệ giờ đã định hình nghề trồng hoa nên huyện chủ trương phát triển làng hoa bên sông Trà Khúc mà điểm khởi đầu là năm 2024 này trồng hoa theo mô hình ở xã Nghĩa Thuận, với 1.000 chậu hoa đang phát triển. Huyện cũng đang chào đón những doanh nghiệp đầu tư phát triển, chế biến hoa, xây dựng làng hoa đáp ứng cho việc phát triển du lịch trên địa bàn huyện.
Ở Quảng Ngãi, Tết đến xuân về, cứ ra tuyến đường Phạm Văn Đồng của TP Quảng Ngãi sẽ thấy mai Bình Định, hoa ly, hoa lay ơn hay địa lan nuôi cấy mô từ các nhà vườn trong tỉnh, chuyển từ các xã ven sông Vệ về rất nhiều. Nên muốn tồn tại với nghề thì phải nhanh chóng thích ứng.
Bình luận (0)