Tại một mỏm đá thuộc hệ tầng Agua Clara, phía Nam TP Coro - Venezuela, các nhà cổ sinh vật học đã khai quật được thứ mà họ mô tả là bộ xương kỳ lạ của một con dugong, tức bò biển hay "nàng tiên cá" theo cách gọi của người dân Nam Á.
Nói là kỳ lạ bởi sinh vật được khai quật không phải những con dugong chúng ta thấy ngày nay, mà là một loài tuyệt chủng thuộc chi động vật có vú Culebratherium cũng đã tuyệt chủng toàn bộ.
Ban đầu các nhà khoa học đã khai quật được phần hộp sọ, sau đó tìm thấy thêm một số phần xương khác, đủ để họ nhận biết đó là một loài cổ đại kỳ lạ.
Kết quả định tuổi cho thấy bộ xương hóa thạch này đã 20 triệu tuổi, tức nó sống vào thế Trung Tân (Miocene).
Đáng chú ý nhất, "bóng ma" của một con cá sấu và một con cá mập hổ cổ đại cũng lộ diện nhờ bộ xương "nàng tiên cá" này.
Các vết cắn dễ thấy nhất tương ứng với các tác động của răng cá sấu, có tác dụng kéo tập trung vào phần mõm của con vật.
Ngoài ra, có nhiều vết cắn của cá mập hổ trên bộ xương. Có thể xác của con vật đã bị cá mập tranh giành. Một chiếc răng cá mập hổ cũng được tìm thấy ngay cạnh bộ xương.
"Những phát hiện của chúng tôi bổ sung thêm bằng chứng cho thấy chuỗi thức ăn hàng triệu năm trước có cách hoạt động tương tự như ngày nay" - tờ Sci-News dẫn lời TS Aldo Benites-Palomino, nhà cổ sinh vật học từ Đại học Zurich (Thụy Sĩ).
Ngoài ra, các kết quả công bố trên tạp chí Journal of Verterbrate Paleontology cũng phân tích về vai trò của bò biển trong chuỗi thức ăn cổ đại tại khu vực.
Tuy nhiên, đây chỉ mới là khởi đầu.
Các nhà khoa học cho biết họ đang nỗ lực lắp ghép bộ xương được mô tả là kỳ lạ của "nàng tiên cá". Nó có khả năng cao là một loài mới.
Bình luận (0)